Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đã làm việc với UBND tỉnh Sóc Trăng về các nội dung kết quả hoạt động chống khai thác IUU; quản lý nuôi trồng thủy sản chất lượng, an toàn thực phẩm; xây dựng vùng nuôi an toàn dịch bệnh thủy sản phục vụ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao công tác phối hợp giữa các sở, ban ngành trong tỉnh Sóc Trăng nhằm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Thứ trưởng cho rằng, việc quản lý tàu cá đánh bắt xa bờ, tỉnh Sóc Trăng cần giám sát chặt chẽ việc lắp đặt các thiết bị giám sát hành trình cho tàu thuyền, ghi chép sổ nhật ký đánh bắt để thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc hải sản.
Xác định công tác chống khai thác IUU, bảo vệ nguồn lợi thủy sản là nhiệm vụ trọng tâm, tỉnh Sóc Trăng thường xuyên phối hợp với các lực lượng liên quan tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Qua đó, 100% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên thực hiện ký cam kết không vi phạm khai thác IUU.
Toàn tỉnh hiện có 1.000 tàu thuyền đánh bắt thủy hải sản, với tổng công suất trên 203.000 mã lực. Trong đó, có 339 tàu có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên đang hoạt động vùng khơi. Mang về sản lượng khai thác biển cho tỉnh đạt từ 65.000 - 70.000 tấn hải sản các loại. Bên cạnh đó, 100% tàu cá toàn tỉnh đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, cập nhật 100% dữ liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu tàu cá quốc gia.
Cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng là cảng cá loại I, được chỉ định có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác hải sản. Qua đó, góp phần thực hiện giám sát 100% sản lượng lên cá tại cảng. Từ đầu năm 2022 đến nay, ngành chuyên môn đã tổ chức cấp 98 giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản từ khai thác với khối lượng trên 9.700 tấn. Thẩm định và cấp chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác 62 giấy, khối lượng gần 340 tấn. Trong đó có 55 giấy xuất đi thị trường Châu Âu, 7 giấy xuất khẩu thị trường khác.
Chia sẻ về khó khăn trong công tác chống khai thác IUU, ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng bày tỏ, hiện nay việc xử lý các trường hợp tàu cá khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài còn khó khăn. Nguyên nhân được ông Nhã chỉ ra là do chưa có thông tin xác định vi phạm của tàu cá mất kết nối ngoài khơi. Bên cạnh đó, một số tàu cá khi hoạt động khai thác hải sản trên biển đã vi phạm vùng khai thác theo giấy phép được cấp, gây khó khăn cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm khai thác phục vụ xuất khẩu.
Ông Nhã kiến nghị Tổng cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT làm đầu mối để tổ chức các đội kiểm tra liên ngành giữa các tỉnh, đồng loạt ra quân tuần tra, kiểm soát trên các vùng biển để phát hiện các trường hợp vi phạm khai thác IUU. Từ đó, có giải pháp xử lý, xử phạt, tạo tính răn đe để đảm bảo quyết tâm gỡ “thẻ vàng” của EC.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến ghi nhận nỗ lực lớn của tỉnh Sóc Trăng trong hoạt động xuất khẩu thủy sản, nhất là mặt hàng tôm, khi 2 năm liên tiếp, kim ngạch xuất khẩu tôm của tỉnh đạt trên 1 tỷ USD. Trong năm 2022, xuất khẩu tôm của Sóc Trăng đạt 1,05 tỷ USD, đóng góp rất lớn cho xuất khẩu thủy sản của cả nước.
Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh Sóc Trăng năm 2022 đạt hơn 75.300 ha. Với tổng sản lượng thủy sản cả năm đạt gần 353.000 tấn. Trong đó sản lượng tôm nuôi đạt 201.000 tấn.