| Hotline: 0983.970.780

Mới ký cam kết không vi phạm IUU, mấy hôm sau đã bị bắt giữ

Thứ Ba 28/02/2023 , 08:21 (GMT+7)

Từ đầu năm đến nay, Bình Định có 3 tàu cá vi phạm IUU bị Malaysia bắt giữ, trong đó có 1 trường hợp của thị xã Hoài Nhơn, còn lại của huyện Phù Cát.

Cần làm rõ những trường hợp bị bắt trong vùng biển chồng lấn

Theo ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn (Bình Định), tàu cá của ngư dân địa phương bị bắt vào ngày 30/1/2022, gần 1 năm sau, đến ngày 14/1/2023 ngành chức năng Malaysia mới thông báo về trường hợp bắt giữ này.

Cũng theo ông Công, qua xác định tọa độ và thiết bị giám sát hành trình, tàu cá của ngư dân Hoài Nhơn bị ngành chức năng Malaysia bắt giữ vào ngày 30/1/2022 nói trên khi đang khai thác tại vùng biển chồng lấn giữa Việt Nam và Malaysia, là vùng biển được phép khai thác hải sản của Việt Nam.

Ông Nguyễn Chí Công cho rằng: “Hầu hết tàu cá của ngư dân Hoài Nhơn đều hành nghề câu cá ngừ đại dương, chủ tàu và ngư dân ở đây rất tuân thủ quy định, họ không đánh đổi tài sản và tính mạng của mình để đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài. Với trường hợp tàu cá bị bắt nói trên, nếu xử lý thì không thấu tình đạt lý, và làm vậy thì chúng tôi sẽ gặp khó khi tuyên truyền, động viên ngư dân yên tâm bám biển, bảo vệ ngư trường”.

Empty

Tàu cá của ngư dân Bình Định không về quê, neo đậu ken dày trên sông Tiền (TP Mỹ Tho, Tiền Giang) để hoạt động. Ảnh: V.Đ.T.

Riêng với việc tàu cá khai thác ở những vùng biển chồng lấn, UBND thị xã Hoài Nhơn kiến nghị Ban chỉ đạo IUU tỉnh Bình Định đề xuất tăng cường lực lượng chấp pháp của Việt Nam ở vùng biển này để vừa bảo vệ quyền lợi hợp pháp của ngư dân, vừa bảo vệ và giữ vững chủ quyền biển đảo.

Trong thời gian tới đây, theo ông Nguyễn Chí Công, UBND thị xã Hoài Nhơn sẽ tiếp tục tổ chức các buổi tuyên truyền, phối hợp với các hội, đoàn thể ở các địa phương, ban quản lý cảng cá, ban vạn lăng Ông Nam Hải, Nghiệp đoàn nghề cá Tam Quan Bắc để có những hình thức tuyên truyền phù hợp hơn. Ngoài ra, UBND thị xã Hoài Nhơn sẽ thành lập tổ công tác ra thành phố Đà Nẵng, nơi có các tàu cá hoạt động câu mực ở vùng biển này để gặp gỡ ngư dân và tuyên truyền, kiểm đếm toàn bộ số tàu cá, ngư dân, thuyền viên của Hoài Nhơn hoạt động ở đây để phối hợp hỗ trợ trong các tình huống khẩn cấp.

Empty

Ông Nguyễn Ngọc Thạch (bìa phải), Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cát Tiến (huyện Phù Cát, Bình Định) trò chuyện với ngư dân Cát Tiến tại cảng cá Vũng Tàu. Ảnh: V.Đ.T.

“Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Ngoại vụ Bình Định đã có văn bản báo cáo Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao đề nghị trao đổi thông tin với Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia để có biện pháp can thiệp, triển khai các biện pháp bảo hộ ngư dân khi cần thiết; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam và sớm có văn bản thông báo cho địa phương. Đồng thời, Sở Ngoại vụ Bình Định cũng tham gia tích cực trong công tác phối hợp để hỗ trợ bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho ngư dân trong tỉnh”, bà Võ Thị Như Hiền, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Bình Định, cho hay.

Siết hoạt động của nhóm tàu nguy cơ cao vi phạm

Ngày 21/2 vừa qua, Ban chỉ đạo IUU huyện Phù Cát (Bình Định) đã làm việc với UBND thị trấn Cát Tiến, địa phương vừa có 2 tàu cá với 12 ngư dân đánh bắt vi phạm IUU bị lực lượng chấp pháp nước ngoài bắt giữ vào đầu năm 2023 này, đồng thời tổ chức kiểm điểm 4 chủ tàu cá vi phạm trong năm 2021 vừa trở về địa phương. Trước đó, lãnh đạo huyện Phù Cát cũng đã kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu chính quyền thị trấn Cát Tiến do trên địa bàn còn có ngư dân địa phương khai thác hải sản vi phạm IUU.

Empty

Võ Thị Như Hiền, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Bình Định, cùng đoàn công tác của Bình Định vào làm việc với các tỉnh miền Nam, nơi có nhiều tàu cá Bình Định hoạt động. Ảnh: V.Đ.T.

Theo thống kê, huyện Phù Cát hiện có 713 tàu cá với tổng công suất hơn 220.000CV. Trong đó, có 405 tàu cá có chiều dài trên 15m đã được lắp thiết bị giám sát hành trình; 277 tàu có chiều dài từ 12m đến  dưới 15m và 31 tàu có chiều dài dưới 12m đều không lắp thiết bị giám sát hành trình. Từ năm 2020 đến nay, huyện Phù Cát có 33 tàu cá vi phạm vùng biển với 198 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ. Trong đó, xã Cát Minh có 16 chiếc, thị trấn Cát Tiến có 15 chiếc và xã Cát Khánh có 2 chiếc. Trong số những tàu vi phạm IUU bị nước ngoài bắt giữ có 8 chiếc dài trên 15m, còn lại là những tàu có chiều dài dưới 15m.

Theo ông Phạm Dũng Luận, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, ngay từ đầu năm ngành chức năng huyện này đã mở đợt tuyên truyền và tổ chức cho các chủ tàu, thuyền trưởng ký cam kết không vi phạm. Thế nhưng vừa mở biển đầu năm mới được vài ngày thì đã có tàu bị bắt giữ do đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài.

Empty

Ngành chức năng huyện Phù Cát (Bình Định) cùng lãnh đạo thị trấn Cát Tiến và xã Cát Minh vào đến tận miền Nam gặp ngư dân địa phương để tuyên truyền chống khai thác IUU. Ảnh: V.Đ.T.

Ngay khi nhận được thông tin tàu cá của ngư dân địa phương bị nước ngoài bắt giữ, Thường trực Huyện ủy huyện Phù Cát tổ chức kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu thị trấn Cát Tiến; đồng thời công khai thông tin tàu cá vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cũng theo ông Luận, cái khó của huyện Phù Cát là nhóm tàu thường vi phạm là những tàu có chiều dài dưới 15m không được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, nhóm tàu này chuyên hành nghề câu mực và xuất phát ở vùng biển ngoài tỉnh. Dù chính quyền địa phương đã rất sát sao, tổ chức vào dến tận miền Nam gặp gỡ ngư dân, chủ tàu động viên, tuyên truyền về công tác chống khai thác vi phạm IUU, nhưng vì lợi ích trước mắt nên họ vẫn cố tình vi phạm.

“Cuối tháng 2 này, huyện sẽ phối hợp với Chi cục Thủy sản Bình Định rà soát toàn bộ tàu cá, đặc biệt là nhóm tàu có chiều dài dưới 15m có đăng ký tại Phù Cát nhưng không trở về địa phương, để phân loại, nắm thông tin, địa chỉ của chủ tàu, thuyền viên trên tàu. Đồng thời phân loại các tàu đã chuyển sở hữu cho ngư dân ở địa phương khác, nhưng chưa làm thủ tục sang tên đổi chủ để có giải pháp giải quyết. Huyện Phù Cát cũng đề xuất ngành chức năng ngừng cấp giấy phép khai thác thủy sản với nhóm tàu không về địa phương; phối hợp với lực lượng biên phòng ở các cảng cá có tàu cá của ngư dân Phù Cát hoạt động để nắm tình hình, lập danh sách nhằm xác định việc chuyển đổi nghề…”, ông Phạm Dũng Luận, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, nói kiên quyết.

Empty

Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, làm việc với ngành chức năng các tỉnh miền Nam về công tác phối hợp chống khai thác vi phạm IUU. Ảnh: V.Đ.T.

Trước tình hình trên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh, yêu cầu Chi cục Thủy sản Bình Định thống kê, phân loại tàu, nắm danh sách chủ tàu, thuyền trưởng, thuyền viên… để làm việc với các địa phương nhằm kiểm soát tình hình hoạt động thực tế của tàu cá Bình Định. Từ số liệu này, ngành chức năng đề xuất việc cấp giấy phép khai thác, làm thủ tục đăng ký, đăng kiểm hoặc xóa bỏ các tàu không còn hoạt động; chuyển đổi tên, sở hữu đối với các tàu cá đã bán cho ngư dân tỉnh khác.

“Lực lượng biên phòng, ban quản lý các cảng cá phải kiểm soát chặt chẽ tàu ra vào bến, cảnh báo sớm các nguy cơ. Nhóm tàu nguy cơ cao cần được phân loại cụ thể, tàu nào đủ điều kiện cho ra khơi, tàu không đủ điều kiện kiên quyết không cho ra khơi và hỗ trợ nhóm ngư dân này chuyển đổi nghề, ổn định sinh kế”, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.