Rác thải nhựa. Nguồn: EPA/TTXVN. |
Họ có xử lý rác thải không, có chứ, nhưng chưa đủ. Luôn luôn là sự mất cân bằng giữa thải nhiều mà xử lý tại chỗ không xuể. Thế là có những người của nước nghèo đi mua rác về để kiếm lời.
Rác ở các nước nghèo đang ngốt lên nhưng vì sao lại phải nhập rác? Có lẽ rác của nước giàu quá đa dạng, ví như rác để làm ra giấy, rác để tái chế đồ nhựa và cả rác điện tử để tách kim loại. Vô cùng phong phú và không khỏi choáng ngợp. Có một con số kinh ngạc, Malaysia là nước hàng đầu nhập rác từ Trung Quốc (200.000 tấn/năm 2016), và năm nay sẽ là 450.000 tấn. Nghe mà nổi da gà.
Một số nữ công nhân của nhà máy giấy thuộc doanh nghiệp nước ngoài đặt ở ven sông Hậu kể với tôi, rằng rác thải thô là một mớ hổ lốn không dám miêu tả. Chỉ biết rằng chúng làm lở loét hai bàn tay và nghẹt mũi nữ công nhân khâu đầu tiên - khâu tuyển lựa. Đấy, cái giá của nhà nghèo, của nước nghèo mà tính bình quân đầu người, Trung Quốc đã giàu gì so với Singapore. Nói để thấy rác của họ là thập cẩm và chắc chắn rất bẩn, ai giàu vì chuyện nhập rác là số ít nhưng hậu quả là người lao động trực tiếp và môi trường của nước nghèo hơn, lãnh đủ.
Việt Nam chúng ta nổi tiếng về việc thải rác. Nổi tiếng là phải thôi, tôi đang nói đến chuyện rác của chính mình thải ra chứ không phải chuyện rác nhập. Càng ngày càng sính đồ nhựa. Thử tính xem, mỗi ngày, mỗi người dùng bao nhiêu túi, ly và hộp nhựa?
Đưa mấy bạn ngoại quốc có ý thức sống xanh đi chợ để họ thâm nhập thực tế, thấy thật xấu hổ cho việc xài đồ nhựa và xả rác của dân mình. Các bà tay không ra chợ, mấy quả ớt - một túi; mấy cọng hành - người mua xin túi - OK ngay; cứ thế, mỗi sáng, trong một túi rau to có ít nhất 5 cái túi nhỏ đựng các thứ trong đó. Nhớ lá sen lá chuối lá môn lá lục bình vứt không hoặc chết rũ ở trong quê, nông dân ngày nay không kiếm được tiền từ chúng nữa. Đưa các bạn đi thêm, những xe hàng rong, chao ơi, ly, túi, ống hút và hộp nhựa vô tội vạ, bờ sông và công viên sau một ngày ứ hự rác nhựa của hàng rong thải ra, không ai dọn, càng không có ai nhắc hay phạt họ.
Nhớ một quốc gia cá biệt xanh với ý nghĩa thực đẹp, Singapore! Chủ xe hàng rong kem của họ phải có bao tải giấy để đựng các que kem gỗ, không ai dám vứt que ấy ở ngoài. Đường phố không vết bẩn kẹo singum nói gì mẩu thuốc lá. Sao cũng những người Việt ấy khi du lịch sang Singapore thì rón rén giữ gìn mà bên nước nhà lại vung vãi rác? Rõ ràng chính quyền của họ có làm việc, có răn đe, có phạt vạ, họ làm việc cật lực cho môi trường của quốc gia mình, từ đó dân đồng thuận, dân gò theo và dân nề nếp.
Có lẽ không ở đâu công nhân thu gom rác cực và nhục như ở ta. Phương tiện tự túc nên vô cùng lạc hậu, dân chúng quen xài thức ăn tươi, thịt thà, thủy hải sản, rau củ, gì cũng tươi nguyên nên cuối ngày đã khẳm mùi và mọi thứ ấy đổ lên đầu người làm rác. Trước mắt chính quyền đấy, mỗi ngày, họ có nghĩ cho giới phu rác không, họ có nhìn ra cửa xe hơi để cám cảnh không? Thấy, sao không động lòng, không xót xa và không nghĩ cách? Mấy thập kỷ quản lý đô thị, chả thấy chuyện về rác nhúc nhích lên. Để đến nỗi đất nước nằm trong “điển hình” xấu hổ về việc thải rác tàn phá môi trường của chính mình và tháo rác ra đại dương làm khổ thêm cho thế giới.
Nhớ việc bà phó chủ tịch thành phố Vũng Tàu gần như ngất xỉu vì mệt và vì sự chống đối của người buôn bán khi bà kiên quyết làm sạch các bãi tắm. Biện pháp mạnh, mất lòng trước được lòng sau, bây giờ dân chúng đã đồng tình, Bãi Sau sạch đến mức không còn nhận ra nó nữa. Đúng, ngày trước người tắm biển bị rác xô vào người, giờ các bãi tắm ở đó sạch như lau, đến người nước ngoài làm việc lâu năm ở Vũng Tàu còn phải thán phục.
Mới đây, truyền thông đưa tin tại một làng nghèo của đất nước Indonesia, chính quyền đã chủ trương đổi rác nhựa lấy gạo. Thế là người nghèo náo nức vui, biển sạch, nhà có gạo ăn, quá vui. Một sáng kiến tuyệt vời đáng học. Biện pháp không cứ là răn đe, cứ nghĩ cho dân và cho nước đi ắt sẽ tìm ra cách.