| Hotline: 0983.970.780

Rau màu Hải Dương vẫn ‘tắc’

Chủ Nhật 21/02/2021 , 17:04 (GMT+7)

Việc tiêu thụ hàng chục nghìn tấn rau màu của tỉnh Hải Dương vẫn đang tắc nghẽn do những khó khăn về thủ tục vận chuyển hàng hóa ra ngoài địa bàn tỉnh này.

Mỏi cổ chờ xe vận chuyển 

Ngày 21/2, lãnh đạo Công ty Cổ phần Xuất khẩu nông sản Hưng Việt, đơn vị thu mua và xuất khẩu rau lớn nhất của tỉnh Hải Dương lo lắng cho biết: Hiện đang là thời gian cao điểm nhất xuất khẩu rau cải bắp, cà rốt đi các nước. Việc vận chuyển hàng hóa xuống cảng Hải Phòng để xuất khẩu vẫn đang gặp nhiều khó khăn do các đơn vị vận tải ở Hải Phòng không về được Hải Dương để vận chuyển hàng.

Hiện tại, doanh nghiệp này vẫn đang tồn kho 1.000 tấn nông sản đã đóng hàng chờ đưa ra cảng Hải Phòng để xuất khẩu.

Hàng nghìn tấn rau đang đóng gói, chờ xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Xuất khẩu nông sản Hưng Việt. Ảnh: HV

Hàng nghìn tấn rau đang đóng gói, chờ xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Xuất khẩu nông sản Hưng Việt. Ảnh: HV

Ông Tăng Xuân Trường, Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất khẩu nông sản Hưng Việt cho biết: Năm nay, kế hoạch của đơn vị thu mua khoảng 30.000 tấn nông sản, trong đó xuất khẩu là 20.000 tấn.

‘Sau nhiều ngày chạy ngược xuôi để lo các thủ tục theo yêu cầu phía Hải Phòng về phòng chống dịch Covid-19, đến chiều 21/2, mới chỉ có một container đầu tiên về được Hải Dương để bốc hàng cho công ty.

Dù tỉnh Hải Dương đã bố trí riêng khu vực để xét nghiệm Covid-19 cho các lái xe, nhưng nhiều lái xe vẫn lo sợ dịch bệnh, chưa sẵn sàng về để vận chuyển hàng hóa như đã thỏa thuận.

Trước đó trong tháng 1/2020, công ty đã xuất khẩu 5.000 tấn cải bắp qua cảng Hải Phòng đi các nước Nhật Bản, Thái Lan, Mailaixia, các nước Trung Đông…

Tại vựa cà rốt lớn nhất tỉnh Hải Dương ở xã Đức Chính (huyện Cẩm Giàng), ông Nguyễn Đức Thuật, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Chính cho biết đến ngày 21/2, khoảng 18 nghìn tấn cà rốt tại địa bàn xã này vẫn đang ‘dậm chân tại chỗ’, chưa thể vận chuyển xuống càng Hải Phòng để xuất khẩu.

Vụ đông 2020 – 2021, tổng sản lượng cà rốt của HTX tại địa bàn xã Đức Chính khoảng 18 nghìn tấn. Ngoài ra, nông dân xã Đức Chính còn thuê đất tại các huyện khác trong tỉnh Hải Dương và một số tỉnh khác để trồng cà rốt với sản lượng khoảng 50 nghìn tấn nữa. Toàn bộ sản lượng cà rốt này đều được đưa về Đức Chính để sơ chế, đóng gói xuất khẩu, tuy nhiên đến nay hoạt động này đang phải tạm dừng.

Đến ngày 21/2, hàng chục nghìn tấn cà rốt của Hải Dương vẫn đang bị tắc nghẽn, chưa thể vận chuyển xuống cảng Hải Phòng để xuất khẩu. Ảnh: LB

Đến ngày 21/2, hàng chục nghìn tấn cà rốt của Hải Dương vẫn đang bị tắc nghẽn, chưa thể vận chuyển xuống cảng Hải Phòng để xuất khẩu. Ảnh: LB

Đến thời điểm này, mới chỉ có khoảng 30% diện tích cà rốt của HTX đã thu hoạch, còn lại 70% (khoảng 50 nghìn tấn) vẫn chưa thu hoạch nhưng đã được các doanh nghiệp, thương lái đặt cọc để thu mua (chủ yếu để xuất khẩu). Nếu không kịp thời thu hoạch và tiêu thụ, cà rốt có thể gặp rủi ro bị thối hỏng nếu gặp mưa trong thời gian tới.

Ông Thuật cho biết theo thông tin mới nhất, phía Hải Phòng đã cho phép các xe vận chuyển nông sản từ Hải Dương được phép lưu thông về Hải Phòng, với điều kiện lái xe phải tuân thủ các quy định về phòng chống dịch…

‘Chúng tôi rất mừng và ủng hộ việc tuân thủ các quy định về phòng chống dịch, nhưng cũng rất nóng lòng để nông sản được thông thương. Đặc biệt đối với khâu bốc dỡ, cần tạo điều kiện cho phép được tiến hành ban ngày. Bên cạnh đó, cần có hướng dẫn cụ thể trong hoạt động sơ chế, đóng gói, bốc dỡ, vận chuyển, để vừa đảm bảo an toàn chống dịch, vừa giúp hàng hóa lưu thông thuận lợi’, ông Thuật kiến nghị.

Cần sớm có hướng dẫn để lưu thông hàng hóa

Vì vậy từ khi Hải Dương thực hiện cách ly xã hội toàn tỉnh từ ngày 16/2, đồng thời TP Hải Phòng áp dụng ngừng tiếp nhận hàng hóa từ Hải Dương, hàng chục nghìn tấn rau màu của Hải Dương đã bị ùn ứ nghiêm trọng.

Nhiều hoạt động kêu gọi “giải cứu” cho nông sản Hải Dương cũng đã được phát động. Nhiều loại rau màu của Hải Dương như cà rốt, su hào, cải bắp… hiện nay chủ yếu phục vụ xuất khẩu qua cảng Hải Phòng.

Việc thiếu thống nhất, hướng dẫn chi tiết, cụ thể đang khiến khâu lưu thông hàng hóa, nông sản tại tỉnh Hải Dương gặp nhiều khó khăn. Ảnh: LB

Việc thiếu thống nhất, hướng dẫn chi tiết, cụ thể đang khiến khâu lưu thông hàng hóa, nông sản tại tỉnh Hải Dương gặp nhiều khó khăn. Ảnh: LB

Trước tình hình đó, ngày 18/2, UBND TP Hải Phòng đã xem xét cho phép các xe vận tải hàng hóa phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu từ các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tại tỉnh Hải Dương vào thành phố Hải Phòng đối với từng trường hợp cụ thể như: có hợp đồng, đơn hàng cụ thể về nơi sản xuất, nơi giao hàng, nơi nhận hàng…; các xe vận tải phải có các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo quy định, còn lái xe phải có kết quả xét nghiệm âm tính đối với virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR và có Giấy xác nhận của CDC Hải Dương trong thời gian 3 ngày gần nhất thì được vào Hải Phòng.

Đối với lái xe chở hàng hóa từ Hải Phòng vào Hải Dương, có xác nhận của chủ phương tiện hoặc UBND xã, phường, thị trấn, khi trở về phải ở khu tập trung do chủ phương tiện bố trí và phải lấy mẫu xét nghiệm…

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cho rằng, các quy định, quy trình thực hiện để các xe vận tải từ Hải Phòng lên Hải Dương vận chuyển hàng hóa vẫn còn hết sức lúng túng, phức tạp, thiếu thống nhất.

“Tất cả hàng xuất khẩu của tôi đều phải qua dịch vụ của các doanh nghiệp vận tải bên Hải Phòng. Việc xét nghiệm Covid-19 cho lái xe, doanh nghiệp vận tải họ đã làm bên Hải Phòng, còn giấy xác nhận của CDC Hải Dương, hiện tại đang quá tải, chúng tôi phải xếp lượt mà chưa biết khi nào mới được, trong khi các tàu hàng họ không thể đợi mãi’, ông Tăng Xuân Trường, Giám đốc Công ty Hưng Việt (Hải Dương) cho biết.

Ông Trường cũng phản ánh, mấy ngày qua, ông đã đi mấy chỗ để đăng ký xét nghiệm Covid-19 và đi xin giấy xác nhận thì hầu như đã kín hết. Những lái xe ở Hải Phòng lên cũng khó xét nghiệm được, phải đăng ký, phải xếp lượt. Do đó, yêu cầu vừa xét nghiệm Covid-19 cho lái xe, vừa phải xin giấy xác nhận của CDC Hải Dương trong 3 ngày lúc này chẳng khác nào làm khó doanh nghiệp…

Cần sớm có những hướng dẫn chi tiết, cụ thể nhằm vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa đảm bảo lưu thông hàng hóa, nông sản. Ảnh: LB

Cần sớm có những hướng dẫn chi tiết, cụ thể nhằm vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa đảm bảo lưu thông hàng hóa, nông sản. Ảnh: LB

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, để đảm bảo lưu thông hàng hóa thuận lợi và an toàn phòng, chống dịch, ngày 7/2/2021, Bộ Y tế đã có văn bản số 898/BYT-MT gửi các địa phương và Bộ ngành liên quan hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 trong vận chuyển hàng hóa.

Theo đó, yêu cầu người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa phải ghi chép lại hành trình vận chuyển, danh sách các trường hợp có tiếp xúc; đảm bảo thông thoáng phương tiện, thường xuyên mở cửa sổ phương tiện; hạn chế tiếp xúc với người khác; thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch (đeo khẩu trang trong suốt quá trình vận chuyển và bốc dỡ hàng hóa, sát khuẩn tay thường xuyên, khai báo y tế, khử khuẩn phương tiện vận chuyển hàng ngày...).

Bên cạnh đó, tổ chức xét nghiệm SARS-COV-2 hai lần cho người điều khiển phương tiện vận chuyển đi ra từ khu vực phong toả hoặc khu vực ổ dịch (vào thời điểm trước khi đi và khi quay về). Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc đơn vị được chỉ định chịu trách nhiệm xét nghiệm SARS-COV-2 cho người điều khiển phương tiện vận chuyển…

Mặc dù vậy, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 (Ban chỉ đạo) ngày 19/2, lãnh đạo tỉnh Hải Dương, Bộ Công thương phản ánh nhiều thương lái dù đã đặt hàng thu mua nông sản của bà con nhưng không quay lại. Việc vận chuyển hàng hoá (kể cả việc nhận hàng của doanh nghiệp FDI từ cảng) cũng là cả một vấn đề, nhất là đi liên tỉnh;…

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng nêu thực tế lưu thông hàng hoá, nông sản, xuất khẩu từ Hải Dương qua các địa phương lân cận đều “khó ra, khó vào”, bị “ngăn sông cấm chợ”.

Việc vận chuyển hàng hoá vào khu vực phong toả cũng rất khó khăn (trừ hàng hoá thiết yếu). Các thị trường tiêu thụ cũng e dè với hàng hoá đến từ vùng dịch, do chưa có hướng dẫn cụ thể từ khâu sản xuất, thu hoạch, sơ chế, đóng gói, lưu thông an toàn…

Lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng, cần phải nhận thức đúng để thông tin đúng đắn về tình hình dịch bệnh ở Hải Dương. Hiện nay, các địa phương đang có sự lầm lẫn khái niệm ổ dịch và vùng dịch, từ đó dẫn tới “ngăn sông cấm chợ”. Do vậy, cần sớm quy định rõ về ổ dịch và vùng dịch, để các địa phương áp dụng thống nhất.

Ban Chỉ đạo cho rằng về những bất cập trong lưu thông hàng hoá từ Hải Dương qua các tỉnh lân cận trong những ngày qua bản chất là do các tỉnh hiểu chưa chính xác về khái niệm ổ dịch, vùng dịch.

Các chuyên gia và các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất cần phải làm rõ định nghĩa “ổ dịch” và “vùng dịch” để có hướng dẫn cụ thể, chi tiết, tránh tình trạng ‘ngăn sông, cấm chợ’.

Xem thêm
Trao tặng 500 cuốn sách về biển đảo cho Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân

500 cuốn sách về biển đảo Việt Nam, khoa học quân sự... được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành với các đơn vị trao tặng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.

Xây cầu Kênh Trực Thăng nối đôi bờ Vĩnh Viễn

HẬU GIANG Cầu Kênh Trực Thăng (huyện Long Mỹ) được đầu tư gần 2,5 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông và cải thiện đời sống người dân.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.