| Hotline: 0983.970.780

Rét buốt, nông dân vẫn xuống đồng chăm sóc lúa xuân

Thứ Hai 10/02/2025 , 06:00 (GMT+7)

HÀ TĨNH Để hạn chế ảnh hưởng của rét đậm đến lúa xuân, nông dân Hà Tĩnh đang tập trung xuống đồng lấy nước, tỉa dặm, chuẩn bị bón thúc.

Cơ bản hoàn thành gieo cấy

Vụ xuân năm 2025, toàn tỉnh Hà Tĩnh đặt mục tiêu sản xuất 59.200ha lúa. Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Tĩnh, đến thời điểm này bà con đã cơ bản hoàn thành việc gieo cấy. Còn lác đác 5 - 7% diện tích ở vùng khó khăn về thủy lợi đang tập trung làm đất để gieo cấy xong trước 15/2.

Nông dân Hà Tĩnh xuống đồng sản xuất những ngày đầu năm. Ảnh: Thanh Nga.

Nông dân Hà Tĩnh xuống đồng sản xuất những ngày đầu năm. Ảnh: Thanh Nga.

Theo ông Nguyễn Kiều Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn, từ ngày mùng 4 Tết đã có một số nông dân xuống đồng chăm sóc lúa. Thời tiết những ngày đầu tháng 2 tương đối thuận lợi, tuy nhiên 4 ngày nay rét đậm đã ảnh hưởng đến sản xuất.

“Dù rét buốt nhưng bà con vẫn xuống đồng làm đất gieo cấy diện tích còn lại. Số khác tỉa dặm, chăm sóc, lấy nước vào ruộng giữ ấm cho lúa”, ông Hưng nói.

Ông Trần Lý, trú thôn Đồng Phúc, xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn đã gieo cấy xong 5 sào ruộng trước khi nghỉ ngơi đón Tết. Từ ngày mùng 6 tháng Giêng, dù mọi người trong thôn đang nghỉ ngơi nhưng vợ chồng ông vẫn tranh thủ xuống đồng tỉa dặm, đảm bảo mật độ theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, chuẩn bị bón thúc đợt 1 để cây lúa phát triển, đẻ nhánh.

“Khi xuống giống các trà lúa chủ lực gặp đúng đợt rét đậm, rét hại, có sương muối nhiều nên tỷ lệ hạt nảy mầm không cao. Vì thế tranh thủ nguồn nước thủy lợi dồi dào, tôi cố gắng tỉa dặm xong trong 5 - 7 ngày tới”, ông Lý thông tin.

Trên các cánh đồng của huyện Can Lộc, màu xanh của lúa non đã trải dài khắp những cánh đồng. Hiện các trà lúa xuân trên địa bàn phát triển tốt, cây lúa đang trong giai đoạn bén rễ, đẻ nhánh. Bà con nông dân gác lại những ngày vui Tết, chủ động bám đồng ruộng để theo dõi sự phát triển của cây lúa, phòng trừ các đối tượng dịch hại ngay từ đầu vụ.

Nông dân Hà Tĩnh tập trung tỉa dặm, chăm sóc lúa xuân. Ảnh: Thanh Nga.

Nông dân Hà Tĩnh tập trung tỉa dặm, chăm sóc lúa xuân. Ảnh: Thanh Nga.

Bà Trần Thị Mai (xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc) cho biết, trên cánh đồng lớn của thôn lúa đang bước vào giai đoạn bén rễ, hồi xanh, đẻ nhánh. Thời điểm này, thời tiết diễn biến phức tạp, ốc bươu vàng, bệnh đạo ôn, ruồi đục nõn hại lúa… bắt đầu xuất hiện. Vì thế từ ngày mùng 4 Tết bà đã đi kiểm tra diện tích lúa đã gieo, đồng thời có các biện pháp bảo vệ giúp lúa sinh trưởng tốt.

Theo ông Phan Cao Kỳ, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Can Lộc, vụ xuân năm 2025, địa phương gieo cấy hơn 9.000ha lúa, trong đó hơn 5.900ha sản xuất tập trung theo cơ cấu giống của tỉnh gồm các giống lúa thuần (HT1, Nếp 98, Nếp 87, Khang dân đột biến, Khang dân 18); lúa lai (Nhị ưu 838, Thái Xuyên 111, Lai thơm 6)...

Để đảm bảo vụ xuân thắng lợi, huyện đã tập trung thực hiện chuyển đổi ruộng đất, dồn điền, đổi thửa và phá bỏ bờ thửa nhỏ để chỉnh trang đồng ruộng, hình thành ô thửa lớn, cánh đồng lớn; đưa cơ giới hóa vào sản xuất; chỉ đạo sản xuất bám lịch thời vụ, gieo cấy tập trung.

Chủ động chống rét cho lúa

Ông Nguyễn Tống Phong, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Tĩnh cho biết, Đài Khí tượng Thủy văn Hà Tĩnh dự báo thời tiết trong tiết Lập Xuân - Vũ Thủy duy trì hình thái âm u, ẩm độ cao, thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng, phát triển. Vì thế, các địa phương, bà con cần chủ động điều tiết nước để chống rét cho lúa; dặm tỉa đảm bảo mật độ hợp lý, đặc biệt với diện tích gieo thẳng. Xuống đồng bón thúc đẻ nhánh, bón sớm, bón tập trung để lúa sinh trưởng, phát triển. Đối với số diện tích mạ đang phủ nilon, cần tháo dỡ nilon để luyện mạ trước khi cấy, tiến hành cấy khi mạ đạt 2 - 3 lá trở lên, đảm bảo khung lịch thời vụ.

Ngành chuyên môn khuyến cáo nông dân tháo dỡ nilon để luyện mạ trước khi cấy số diện tích còn lại. Ảnh: Thanh Nga.

Ngành chuyên môn khuyến cáo nông dân tháo dỡ nilon để luyện mạ trước khi cấy số diện tích còn lại. Ảnh: Thanh Nga.

Ngoài ra, đây cũng là giai đoạn thuận lợi để các loại sâu bệnh phát sinh, gây hại nên phải kiểm tra đồng ruộng thường xuyên, phát hiện sớm, phòng trừ kịp thời. Khuyến cáo chú trọng theo dõi và phòng trừ bọ trĩ, bệnh đạo ôn, ruồi đục nõn... trên cây lúa.

“Đối với những diện tích đã xuất hiện bệnh và có nguy cơ nhiễm bệnh, phải ngừng bón đạm, không phun các loại phân bón qua lá có chứa đạm. Phun thuốc khi trời tạnh ráo, phun ướt đều bộ lá, sau khi phun thuốc 5 - 7 ngày, kiểm tra nếu thấy vết bệnh cấp tính xuất hiện thì tiến hành xử lý thuốc lần 2. Sử dụng thuốc BVTV đảm bảo theo nguyên tắc "4 đúng" và hướng dẫn của nhà sản xuất trên bao bì”, ông Phong lưu ý.

Xem thêm
Giá lợn giống tăng chóng mặt, gần 3 triệu đồng/con

Giá heo hơi tăng cao kéo theo cơn sốt giá heo giống, đẩy chi phí đầu tư của người chăn nuôi lên mức kỷ lục, gần 3 triệu đồng một con.

Thành lập đoàn kiểm tra phòng, chống dịch bệnh tả lợn Châu Phi

BÌNH THUẬN Tỉnh Bình Thuận thành lập các đoàn công tác tổ chức kiểm tra, đôn đốc triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh tả lợn Châu Phi trên địa bàn.

Tuyến trùng và nấm Fusarium sp: Mối đe dọa thầm lặng đối với cây trồng

Tuyến trùng là đối tượng gây hại thầm lặng rất nguy hiểm, chúng xâm nhập vào rễ, ức chế sự phát triển của cây trồng.

Doanh nghiệp là hạt nhân phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Ninh Thuận Những năm qua, với nhiều chính sách ưu đãi cùng khí hậu rất thích hợp phát triển nông nghiệp công nghệ cao nên hàng loạt doanh nghiệp đã đầu tư vào tỉnh Ninh Thuận.

Lựa chọn máy móc, thiết bị phù hợp để cơ giới hóa hiệu quả

Sáng 14/3, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM phối hợp Hiệp hội Nông nghiệp Đức tổ chức Hội thảo 'Cơ giới hóa nông nghiệp xanh và bền vững' trong khuôn khổ AGRITECHINCA ASIA Vietnam 2025.

Đà Nẵng đã xử phạt 33 tàu cá vi phạm khai thác IUU

Từ tháng 10/2023 đến nay, TP. Đà Nẵng đã xử phạt 33 tàu cá với tổng số tiền là 789 triệu đồng. Hiện ngành chức năng đang tiếp tục xác minh, xử lý 12 tàu nữa.

Trồng keo thế nào để hài hòa sinh kế và bảo tồn đa dạng sinh học?

Cây keo đang mang lại sinh kế cho người dân nhiều vùng trên cả nước. Nhưng keo lại là loài ngoại lai, có thể gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái bản địa.