| Hotline: 0983.970.780

Rừng Hà Tĩnh đồng loạt... cháy

Thứ Hai 01/07/2019 , 07:01 (GMT+7)

Hàng trăm ha rừng trên địa bàn Hà Tĩnh đã bị thiêu rụi chỉ trong chưa đầy 1 tuần. Chưa bao giờ ngành lâm nghiệp Hà Tĩnh phải đối mặt với thảm họa cháy rừng đồng loạt như lúc này.

66 điểm phát lửa, hàng trăm ha rừng bị xóa sổ

Khoảng một tuần nay hàng nghìn cán bộ, chiến sỹ các lực lượng Kiểm lâm, Công An, Quân đội và chính quyền các địa phương trên địa bàn Hà Tĩnh đã phải ăn, ngủ với “giặc lửa”.

17-51-01_1
“Lá phổi xanh” ngày nào giờ chỉ còn lại đống tro tàn.

Giữa tiết trời nắng trên dưới 40 độ C, gió Lào thổi mạnh, khuôn mặt lực lượng chữa cháy rừng đen nhẻm chẳng khác gì những cây thông, cây keo vừa bị “bà hỏa” thiêu rụi. Họ ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ, hai, ba ngày nay không được về nhà.

Ông Hoàng Quốc Huấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh vừa từ hiện trường vụ cháy rừng tự nhiên ở Cẩm Xuyên trở về với bộ đồ ướt sũng mồ hôi cho biết, tính đến trưa 30/6, toàn tỉnh đã xảy ra 67 điểm phát lửa; trong đó có 12 điểm gây cháy rừng, thiêu rụi hàng trăm ha rừng tự nhiên, rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Các huyện Hương Sơn, TX Kỳ Anh, huyện Can Lộc, Cẩm Xuyên, Hương Khê, Đức Thọ… là những địa địa phương có nhiều điểm phát lửa nhất.

16h ngày 30/6, một trong 99 ngọn núi Hồng, thuộc thị trấn Xuân An, xã Xuân Hồng (huyện Nghi Xuân) vẫn đang rực lửa. Ngọn lửa bùng phát vào khoảng 12h30 ngày 28/6, tại tiểu khu 92 rừng thông phòng hộ thuộc địa bàn thị trấn Xuân An.

Ngay lập tức hơn 1.000 người được huy động tham gia dập lửa. Đến khoảng 22h cùng ngày, ngọn lửa cơ bản được khống chế. Tuy nhiên, 4 giờ đồng hồ sau (2h, ngày 29/6) “bà hỏa” quay trở lại buộc các lực lượng phải thức trắng đêm chữa cháy.

Trưa 29/6, hàng loạt cây xăng, nhà dân ở thị trấn Xuân An buộc phải di dời đến nơi an toàn do ngọn lửa cháy lại lần thứ 2. Kể từ thời gian đó đến chiều 30/6, vụ cháy lan sang xã Xuân Hồng, thiêu rụi gần 100ha thông trên 40 năm tuổi.

17-51-01_4
Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp đánh giá, vụ cháy rừng tại Nghi Xuân đã gây thiệt hại lớn.

Anh Nguyễn Đức Dũng, trú tại xã Xuân Hồng nói: “Lần đầu tiên, địa phương chúng tôi xảy ra đám cháy kinh khủng như thế này. Mọi người cuống cuồng lo sợ. Trẻ con thấy lửa khóc thét không chịu ngủ. Để đảm bảo an toàn, tôi đã đưa vợ con về gửi bên ngoại, còn đồ đạc có giá trị trong nhà tôi nhờ các lực lượng chức năng di dời đi gửi ở nhà văn hóa thôn”.

Cùng thời điểm này, trên địa bàn các huyện Hương Sơn, Can Lộc, Cẩm Xuyên cũng xảy ra hàng loạt vụ cháy rừng tự nhiên và rừng sản xuất. Riêng vụ cháy tại 3 xã Sơn Trung, Sơn Lễ, Sơn Ninh ước xóa sổ hơn 30ha rừng.

Theo thông tin NNVN có được, ngoài vụ cháy liên xã trên, sáng 30/6 tại xã Sơn Lễ tiếp tục xảy ra vụ cháy lớn, hiện lực lượng chức năng đang vật lộn phát đường băng cản lửa; đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp ngăn đám cháy lan ra diện rộng.

Một vụ cháy nghiêm trọng khác cũng đã gây thiệt hại nặng nề diện tích rừng tự nhiên đầu nguồn thuộc xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên.

Theo ông Lê Ngọc Hà, Trưởng phòng nông nghiệp huyện, vụ cháy khởi phát sáng ngày 29/6 nhưng phải đến chiều tối ngày 30/6 lực lượng chức năng mới khống chế được. Đây là diện tích rừng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc chống xói mòn, giữ nước cho hồ thủy lợi Kẻ Gỗ.
 

Thiếu phương tiện, nhân lực chữa cháy

Ông Phạm Tiến Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân phân tích, vụ cháy tại thị trấn Xuân An cháy đi cháy lại nhiều lần, kéo dài trong nhiều ngày nên việc huy động lực lượng tại chỗ gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, thiết bị chữa cháy thô sơ, thiếu thốn cũng gây ra thực trạng lực lượng chữa cháy… đứng nhìn nhau.

“Máy thổi hạn chế, cưa xăng cần để mở đường băng cản lửa cũng thiếu nên nhiều người đành phải dùng cành cây dập lửa”, ông Hưng nói.

17-51-01_5
Hàng nghìn người vật lộn giữa cái nắng như đổ lửa để chữa cháy rừng.

Chỉ đạo công tác chữa cháy rừng tại huyện Nghi Xuân, ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) khẳng định: “Vụ cháy rừng thông tại huyện Nghi Xuân mấy ngày nay thực sự rất nguy hiểm. Đây là rừng thông đã trồng gần 40 năm, đang kỳ thu hoạch, lại nằm sát khu dân cư. Nếu mấy ngày qua không có sự phối hợp kịp thời của các lực lượng vũ trang, cơ quan chức năng, quần chúng nhân dân, hậu quả có thể đã xảy ra với con người”.

Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh khẳng định: “Hiện nay diện tích rừng trên địa bàn Hà Tĩnh hầu hết ở cấp dự báo cháy rừng cấp 4, cấp 5 (nguy hiểm, cực kỳ nguy hiểm); đặc biệt là các diện tích thông như một "kho xăng" trên đỉnh núi. Chi cục Kiểm lâm cần rà soát, đánh giá lại đến tận hộ đang quản lý, sản xuất diện tích thông này; xử lý nghiêm những hộ có biểu hiện phá rừng thông do hiệu quả kinh tế thấp”.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.