Ngay sau khi Báo Nông Nghiệp Việt Nam phản ánh về rừng tự nhiên bị phá tan hoang bên cạnh rừng trồng, UBND huyện Ia Grai đã chỉ đạo UBND xã Ia Bă phối hợp với đoàn liên ngành kiểm tra thực tế tại khu vực tiểu khu 272 và 275 (xã Ia Bă).
Qua kiểm tra, bước đầu UBND xã Ia Bă xác định được 2 vị trí rừng tự nhiên bị phá nghiêm trọng. Cụ thể, tại lô 101, khoảnh 1, tiểu khu 275 có diện tích bị phá 5.863m2. Đây là diện tích rừng tự nhiên được Công ty MDF Vinafor Gia Lai bàn giao lại cho xã năm 2015. Tại thời điểm kiểm tra, toàn bộ cây rừng có trong diện tích bị phá đã bị cưa hạ, nằm ngổn ngang.
Vị trí thứ 2 thuộc lô 47, 49 và 55, khoảng 10, tiểu khu 272; lô 62, khoảnh 1, tiểu khu 275. Tại hiện trường chỉ còn lại gốc, thân cây đã được vận chuyển đi nơi khác. Dọc 2 bên đường vận chuyển gỗ rừng trồng của Công ty MDF Vinafor Gia Lai có nhiều cây bị cưa hạ. Kiểm đếm khu vực này có 34 gốc gỗ bị chặt hạ, chủng loại sến, cám, Sp6.
Theo đó, cả 2 điểm phá rừng chưa xác định được đối tượng vi phạm, thời điểm rừng bị phá khoảng 20 ngày trước.
Nhận thấy tính chất vụ việc nghiêm trọng, UBND tỉnh Gia Lai cũng đã có văn bản yêu cầu Giám đốc Sở NN&PTNT, Chủ tịch UBND huyện Ia Grai chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin vụ phá rừng xảy ra tại địa phận xã Ia Bă. Tổ chức điều tra, hoàn chỉnh hồ sơ để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Theo đó, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu 2 đơn vị trên chỉ đạo chính quyền địa phương, các đơn vị chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi xâm hại tài nguyên rừng xảy ra trên địa bàn.
Đồng thời, yêu cầu tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan chưa làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn được giao quản lý.
Trước đó, Báo Nông Nghiệp Việt Nam đã đưa tin, xã Ia Bă (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) đang trở thành điểm nóng về khai thác, vận chuyển gỗ trái phép.
Để tìm hiểu rõ hơn vụ việc, phóng viên đã lần theo dấu vết hướng đến ngọn núi cao thuộc địa giới hành chính làng Dun De, xã Ia Bă, nơi những cây rừng tự nhiên đang bị chặt hạ.
Đến được khu vực rừng tự nhiên này, phải băng qua khu rừng tràm khoảng 4 km, đang được doanh nghiệp cho người vào khai thác. Rất nhiều lán trại được dựng lên để làm nơi nghỉ ngơi cho các nhóm người khai thác rừng tràm.
Sau khi vượt qua khu rừng tràm, phóng viên ghi nhận hàng loạt cây gỗ rừng tự nhiên dọc 2 bên đường bị cưa hạ, phần thân gỗ đã bị mang đi, hiện trường còn lại với nhiều gốc cây trơ trọi có đường kính 30 - 40cm. Dù thấy chúng tôi xuất hiện nhưng một số người vẫn thản nhiên cưa hạ cây gỗ tự nhiên dọc 2 bên đường, cắt thành lóng và xếp lên xe chở đi.
Càng đi sâu vào trong khu vực rừng tự nhiên, khung cảnh gỗ bị cưa hạ nằm la liệt, thậm chí có những cây có đường kính 70 - 80 cm. Theo ghi nhận, khoảng 2 ha rừng tự nhiên đã bị các đối tượng san phẳng, ước tính hàng trăm cây gỗ bị cưa hạ với dấu vết còn rất mới.
Chính bởi vị trí rừng tự nhiên bị phá nằm gần với diện tích rừng trồng do Công ty MDF Vinafor Gia Lai (địa chỉ ở xã Song An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đang quản lý và khai thác, phải chăng có sự nhập nhằng trong việc tận thu gỗ trái phép?