Ngày 31/12/2021 tỉnh Yên Bái long trọng tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải của Thủ tướng Chính phủ.
Đây là di tích quốc gia đặc biệt đầu tiên của tỉnh Yên Bái được Thủ tướng Chính phủ trao cho cộng đồng người Mông huyện Mù Cang Chải đời nọ nối đời kia trải qua hàng trăm năm cần cù lao động sáng tạo để tạc vào vách núi một kiệt tác vĩ đại bằng đôi tay sần chai một bức tranh hùng vĩ bậc nhất vùng Tây Bắc là những thửa ruộng bậc thang trên các sườn núi cao quanh năm mây phủ.
Ông Trần Huy Tuấn - Chủ tịch tỉnh Yên Bái cho biết: Hôm nay tỉnh Yên Bái tổ chức Lễ công bố quyết định và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải và Chứng nhận Lễ mừng cơm mới của người Mông, huyện Mù Cang Chải là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là tôn vinh sự lao động cần cù, sang tạo của của bao lớp người Mông Mù Cang Chải, một sự kiện văn hóa trọng đại của tỉnh Yên Bái.
Ông Tuấn cũng yêu cầu chính quyền địa phương và các ngành: Tiếp tục triển khai thực hiện các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh về di tích quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải và di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ mừng cơm mới gắn với xây dựng thương hiệu các sản phẩm truyền thống trên địa bàn huyện Mù Cang Chải và các huyện lân cận phục vụ phát triển du lịch. Làm tốt công tác tuyên truyền, khơi dậy lòng tự hào cho người dân, hướng dẫn nhân dân nhận thức đầy đủ, nêu cao ý thức tự giác bảo vệ, giữ gìn, phát huy giá trị của di tích, di sản, với phương châm lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể của các hoạt động…
Qua những vết khắc trên các tảng đá cổ mà các nhà nhà khảo cổ phát hiện năm 2015 đã mách bảo cho chúng ta rằng cách nay khoảng 300- 400 năm người Mông đã di cư tới đây giữa một vùng khô khát, để tồn tại và phát triển họ đã tạc vào vách núi những thửa ruộng bậc thang để trồng lúa và hoa màu chống lại sự sa mạc hóa của đất đai sau mỗi mùa mưa dữ dội, khiến hàng trăm ngàn khối đất đá trôi tuột xuống các dòng suối đục ngầu như dòng sông đất.
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải là sự kết tinh những sáng tạo của người dân miền núi với tập quán canh tác lúa nước cộng đồng các dân tộc vùng núi cao. Chỉ với đôi bàn tay và cái cuốc, không bản vẽ hay thước đo người dân đã làm nên những thửa ruộng bậc thang ở mọi độ cao, mọi ngóc ngách của các hẻm núi. Bất kể nơi nào có nước thì nơi đó có thể làm được ruộng.
Nhiều thửa ruộng chỉ đủ một đường bừa mà bờ ruộng lại cao quá đầu người, đủ thấy sự cần cù chịu khó cũng như sức sáng tạo vô song của người dân. Họ thực sự là những “nghệ sĩ chân đất” vĩ đại đã tạo nên danh lam thắng cảnh đẹp mê hồn mãi mãi đời sau phải tụng ca.
Tổng diện tích ruộng bậc thang Mù Cang Chải có khoảng 7.000 ha ở tất cả 14 xã và thị trấn, trong đó diện tích được khoanh vùng bảo vệ là 852,9 ha, tập trung ở 6 xã: La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình, Kim Nọi, Mồ Dề và Lao Chải với 16 thôn bản.
Năm 2007 ruộng bậc thang Mù Cang Chải được Bộ Văn hóa - Thể Thao & Du lịch xếp hạng di tích Danh thắng cấp quốc gia, sau 12 năm, ngày 31/12/2019 Thủ tướng Chính phủ ký quyết định cấp Bằng xếp hàng di tích quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải. Điều đó thể hiện, ruộng bậc thang Mù Cang Chải là di sản văn hóa không chỉ của người Mông huyện Mù Cang Chải mà còn là tài sản vô giá của quốc gia, một danh thắng đẹp nhất vùng Tây Bắc.
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn nổi tiếng khắp thế giới, bất kỳ ai đặt chân tới đây vào mùa lúa chín hay mùa nước đổ đều phải thản phục và kinh ngạc kêu lên: Một tuyệt tác do con người tạo ra. Ruộng bậc thang Mù Cang Chải được rất nhiều báo và tạp chí các nước trên thế giới hết lời ca ngợi và bình chọn là: Đệ nhất ruộng bậc thang đất Việt, Top 20 điểm đến sắc màu nhất trên thế giới, 50 điểm đến đẹp nhất thế giới năm 2020…
Hàng năm vào mùa lúa chín hay vào mùa nước đổ tỉnh Yên Bái tổ chức nhiều hoạt động du lịch: Bay trên mùa nước đổ, Khám phá danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải, Bay trên mùa lúa vàng, Lễ hội cơm mừng mới, Lễ hội bánh giầy… nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa mà ruộng bậc thang Mù Cang Chải đã mang lại.
Cũng trong buổi lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải, Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch trao Chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc qia “Lễ mừng cơm mới của người Mông huyện Mù Cang Chải - tỉnh Yên Bái”.
Lễ mừng cơm mới là nghi lễ truyền thống của người Mông Mù Cang Chải, được tổ chức trước mùa gặt, họ chọn những bông lúa to nhất, hạt mẩy và đều gặt về rồi luộc lên rang cho khô mới đem giã, sau đó họ đồ vào chiếc hông to, khi cơm chín họ xơi ra bát đặt lên bàn thờ khấn trời, khấn đất và gọi tên ông bà, bố mẹ cùng tổ tiên.
Trong lễ mừng cơm mới, tùy từng gia đình họ mổ gà hoặc lợn cùng với cơm mới dâng bày lên bàn thờ. Đây là nghi lễ đã có hàng trăm năm nay của người Mông huyện Mù Cang Chải để tạ ơn trời đất, thần linh và ông bà tổ tiên đã giúp cho mưa thuận gió hòa, cây lúa tốt tươi, ít dịch bệnh, mùa vụ bội thu…
Họ khấn rằng: “Nu nó cú ua máo, blề sa sá, cú tua bua ua gà ua khấu tá, cú chi tâu nào, cú xu hu cú nả cú chí lù nào ua tề, nào sênh mo sênh dàng, sênh sái sênh lù, khớ dông khớ dừ hú si tró râu trồng râu dang, páo trà pá xú, páo tu páo kí, ua kông ua lông ua cúa dông, cú tâu nào tâu hầu cú tê tếnh tả cào seng hú...”
Nghĩa là: Hôm nay con làm cơm mới, con mổ lợn làm bữa cơm mới, cơm nấu chín rồi nhưng con chưa ăn. Con xin được mời các thần linh cùng tổ tiên và bố mẹ về ăn trước. Bố mẹ giúp chúng con trừ bệnh tật, mọi chuyện không hay, mọi điều xấu điều dở thì ra khỏi nhà. Bố mẹ giúp chúng con bảo vệ con cháu, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm sản xuất mùa màng thuận lợi. Con được mùa, được ăn được uống, con mới thờ phụng bố mẹ...
Trong buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa -Thể thao & Du lịch, ông Hoàng Đạo Cương đã phát biểu: Lễ mừng cơm mới của người Mông huyện Mù Cang Chải mang nét đẹp văn hóa truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, là hình thức báo công với thần linh, tổ tiên, ông bà sau một năm làm việc cực nhọc, vất vả và cầu mong thần linh, ông bà, tổ tiên phù hộ cho mưa thuận gió hòa, vụ mùa bội thu…