| Hotline: 0983.970.780

Ruộng đồng “đánh đố”

Thứ Năm 24/11/2011 , 09:53 (GMT+7)

Nông dân dù biết vụ đông cho giá trị kinh tế cao vẫn không thể SX lớn, khi mà đồng ruộng manh mún, canh tác tốn quá nhiều công lao động...

Không có cơ giới hóa, người nông dân bất lực trong việc mở rộng diện tích gieo trồng

Ai cũng biết SX vụ đông vốn có giá trị kinh tế cao. Nhưng họ không thể SX lớn để thu nhập đủ sức cạnh tranh với việc làm khác, khi mà đồng ruộng manh mún, canh tác tốn quá nhiều công lao động do không có cơ giới hóa thay thế. 

>> Rào cản vụ đông

Một xã, 29 bậc ruộng 

Những nông dân khỏe mạnh còn bám lại với đồng ruộng hiện nay đều hiểu rõ, trong ba tháng vụ đông, họ cần phải SX thế nào để có thu nhập ngang ngửa với việc đi làm thuê ở thành phố. Và điều kiện quan trọng đầu tiên, đó là phải có diện tích đất đủ lớn, chứ không thể là một hai sào rau đậu làm theo phong trào như trước đây. Thế nhưng thực trạng rất đáng lo ngại đó là hiện nay, trong khi phần đa những cánh đồng màu mỡ ở ĐBSH vẫn bỏ hoang suốt 3 tháng trong vụ đông, thì những nông dân “thèm đất” để làm vụ đông lại phải… bó tay, không thể làm cách nào để có đất SX. Và thực trạng manh mún của đồng ruộng, tới chủ trương tích tụ ruộng đất vốn là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” nay đang ngày càng trở thành một bức tường chắn đối với người nông dân thực sự muốn sống bằng đồng ruộng.

Một chị nông dân ở thôn Bá Mai, xã Hồng Việt (huyện Đông Hưng, Thái Bình) vừa hùng hục vỡ mảnh đất chỉ rộng chừng mười chiếc chiếu để trồng khoai tây, vừa thở hắt ra bảo: Trồng khoai tây, có máy cày đất vốn cũng đã tốn công tốn sức. Thế nhưng với những mảnh ruộng trâu không quay đầu được như thế này, thì mỗi ngày chỉ cuốc được nửa sào là bải cả tay. Mà không cuốc không được. Hai vợ chồng trẻ sức dài vai rộng, vì con nhỏ, không đi xa làm thuê được nên gặt lúa vụ mùa xong phải trồng cây vụ đông thì tới Tết mới có cái mà tiêu. Mà làm vụ đông bây giờ, như trồng khoai tây, muốn có thu nhập bình quân trong 3 tháng, mỗi tháng vài ba triệu đồng (ngang với công làm thuê) thì phải có ít nhất năm bảy sào đất.

Còn như vãi đậu tương thì ít cũng phải làm vài ba mẫu đất may ra mới có thu nhập tạm được. Thế nhưng khổ nỗi, ở Hồng Việt, hầu hết là đất lúa ở đồng trũng, những diện tích có thể làm được rau màu vụ đông quá ít ỏi, mà miếng nào cũng chỉ như chiếc nong chiếc chiếu, trâu cày không được mà máy cày cũng chẳng xong. Đất đã ít, lại thêm tốn công cuốc xới, nên thực tế ra là chỉ làm cho có việc, chứ lời lãi gì!

Nói về thực trạng đồng ruộng hiện nay, ông Nguyễn Ngọc Hương, phó chủ nhiệm HTX Thăng Long (Đông Hưng, Thái Bình) ngán ngẩm nhận xét: Ngày xưa, người làm ruộng ít ai tính toán chuyện công lênh nên chuyện cày cuốc tốn kém công sức thế nào cũng được. Còn bây giờ, khi ngày công lao động đã quy hết thành tiền thì không riêng gì đối với SX vụ đông, sự manh mún của đồng ruộng đang ngày càng trở thành gánh nặng với nông dân. Ông chủ nhiệm HTX tính rằng, đồng ruộng ở Thăng Long bây giờ phân chia tới 29 bậc cao thấp, với những mảnh ruộng có khi chưa đầy nửa sào.

Chị này bảo, những năm trước, thấy xã Thăng Long bên cạnh đất đẹp, lại có thủy lợi nước nôi đầy đủ nhưng chẳng mấy ai làm cây vụ đông nên dân Hồng Việt cũng đã từng có nhiều người sang xã Thăng Long mượn đất để trồng khoai tây. Thế nhưng chuyện đi mượn đất cũng lắm oái oăm, có người đầu vụ hứa cho mượn, thế nhưng khi mua giống về rồi, họ lại bảo không cho mượn nữa. Đó là chưa nói tuy hai xã cạnh nhau, nhưng việc cấy vụ ĐX mỗi nơi mỗi khác. Ruộng của họ, họ thích đòi lúc nào cũng được. Có khi khoai tây chưa đến tuổi thu hoạch, đùng một cái dân Thăng Long cho nước ập vào, đòi ruộng để làm đất  vụ ĐX, thế là công toi! 

Không có máy, không thể làm lớn 

Hơn một năm qua, Vũ Đoài (Vũ Thư, Thái Bình) là địa phương tiên phong ở tỉnh này làm cuộc “cách mạng đồng ruộng” lần thứ hai, khi tiến hành dồn điền đổi thửa thành công 100% diện tích đất nông nghiệp (lần dồn điền đổi thửa đầu tiên năm 2003). Tuy từng gia đình vẫn sở hữu riêng diện tích của họ, nhưng những thửa đất rộng hàng chục hecta, không còn ngăn cách bờ thửa gập ghềnh đã tạo điều kiện cho xã này hình thành được những vùng SX tập trung. Nhờ vậy mà vụ đông năm nay, Vũ Đoài đã phủ kín được 100% diện tích đất nông nghiệp bằng cây vụ đông (311 hecta), trong đó đậu tương chiếm phần lớn diện tích. Đáng chú ý là vụ đông năm nay, ba thôn 5, 6, 9 của xã này đã dồn đất lại, tập trung cho thôn 1 của xã này mượn để gieo đậu tương. Có thể nói, trong những loại cây vụ đông hiện nay đậu tương là sự lựa chọn bất đắc dĩ của nông dân, bởi ai cũng biết lợi nhuận quá thấp so với các loại rau củ khác. Tuy nhiên, nhờ ưu thế tốn ít công lao động nên nông dân vẫn buộc phải lựa chọn. Nói tốn ít công lao động ở đây là so với những loại cây khác như khoai tây hay rau màu, chứ thực ra xét về chi phí và lợi nhuận thì vẫn là quá tốn công, trong đó việc thu hoạch khiến nông dân khổ sở nhất.

Ông Phạm Văn Hiền, nông dân thôn 1, xã Vũ Đoài phân tích: Với năng suất 40 - 50 hạt khô/sào, về lí thuyết thì mỗi sào đậu tương trừ chi phí cũng có lãi 500 nghìn đồng. Với diện tích trung bình từ 15 – 20 sào/hộ như ở Vũ Đoài, chỉ chưa đầy 2 tháng, sẽ cho thu nhập từ 8 – 10 triệu/hộ, như vậy là rất cao. Làm đậu tương trên đất lúa, chỉ mỗi việc cắt gốc rạ tương đối mất công thì nay đã có máy cắt, còn lại như đi vãi giống, vãi phân bón, cho tới phun thuốc trừ sâu…, một lao động có thể đảm nhiệm hàng chục hecta khỏe re. Vì vậy, dù lợi nhuận/đơn vị diện tích thấp, nhưng nếu có diện tích đất lớn, thì hóa ra làm đậu tương thu nhập/lao động lại rất cao.

Tuy nhiên, tính thế là tính trên lý thuyết, chứ thực ra, để thu hoạch 1 sào đậu tương hiện nay, nông dân phải dùng liềm cắt bằng tay. Ai cắt nhanh thì một sào cũng phải mất 2 ngày công – tương đương gần 200 nghìn đồng, vậy là lợi nhuận lại còn như đầu ngón tay.

Nhắc tới chuyện đậu tương, chị Thùy lắc đầu bảo: “Một mình tôi làm được mấy mẫu ruộng là nhờ  máy cày, bừa, gieo, phun thuốc trừ sâu, máy gặt, máy cắt gốc rạ… cái gì nhà tôi cũng có. Thế mà khi SX vụ đông, có mỗi cái máy thu hoạch đậu tương là không có. Nếu không có máy thu hoạch đậu tương, thì không thể nào làm được diện tích đủ lớn để có lãi được. Vụ đông năm nay, mặc dù đất trong xã còn bỏ hoang rất nhiều nhưng tôi cũng chỉ dám gieo có một mẫu chứ không dám làm nhiều nữa”.

Vụ đông 2009 – 2010, vợ chồng chị Phạm Thị Thùy, thôn Phú Vật (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, Thái Bình) nổi lên như một điển hình tiên tiến trong phong trào SX vụ đông ở huyện Hưng Hà khi một mình gieo hơn 6 hecta đậu tương tốt bời bời. Về lý thuyết lúc đó cứ 1 sào đậu tương trừ chi phí phân bón, giống lãi 400 nghìn đồng, 6 hecta sẽ lãi hơn 60 triệu động là dễ. Thế nhưng tới kỳ thu hoạch, cái sự nhiều diện tích lại trở thành khốn khổ với gia đình chị Thùy. Nhà chỉ có 2 vợ chồng, mỗi ngày chỉ cắt được vài sào, thuê người thu hoạch thì kiếm chẳng ra, mà tiền công mỗi ngày tới 70 – 80 nghìn đồng. Đậu đến kỳ chín rộ, không thu hoạch kịp, gặp mưa dầm ập xuống, quả nứt nẻ rơi vãi, hạt đen thui, thối nhũn, phải vứt xuống ao cho cá ăn vô kể.

Hốt hoảng quá, hai vợ chồng mang cả máy gặt lúa cầm tay, rồi cả máy cắt cỏ (vẫn dùng cắt gốc rạ) cắt thử, nhưng đậu tương đâu giống lúa, chúng bắn tung tóe, rơi vãi, quấn chặt sít, suýt còn bị hỏng cả máy gặt lúa. Ông Phạm Văn Hiền, nông dân thôn 1, xã Vũ Đoài cho biết trong vụ thu đông vừa qua xã này cũng gặp vào cảnh tương tự khi  hàng chục hecta đậu tương đã chín nhưng không kịp thu hoạch, đụng phải mưa kéo dài nên thối phân nửa.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm