Ông Dũng kể với tôi rằng mình đã 2 lần đem sản phẩm rượu mơ Hương Tích tham gia đánh giá, xếp hạng OCOP. Lần đầu tiên năm 2018 và lần thứ hai, đánh giá lại năm 2023 và đạt 3 sao.
Trước mỗi lần đánh giá, xếp hạng OCOP như vậy, ông đều phải mang mẫu đi kiểm nghiệm rất cẩn thận xem chất lượng, độ an toàn thế nào. Cứ theo lời kể của ông, xưa diện tích mơ ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức nhiều vô kể. Vào dịp Tết mơ trắng trong thung, trắng sườn núi, vào mùa thu hoạch quả mơ chín vàng theo chân những gùi, những gánh của người dân về nhà. Quả mơ tươi được hái về ướp khô, làm ô mai không chỉ tiêu thụ ở thị trường trong nước mà còn xuất đi cả Nhật Bản. Theo thời gian, cây mơ bị cỗi, diện tích dần giảm xuống, cả Thung Chùa chỉ còn khoảng 10 ha.
“Tôi kết hợp với người dân trồng mơ để sản xuất ra rượu mơ theo phương pháp cổ truyền. Từ xưa cụ của tôi đã làm rượu mơ rồi. Mơ thu hái về, rửa sạch đi rồi ướp theo tỷ lệ, quả to thì mỗi 1 kg ướp 500 gram đường, quả bé mỗi 1 kg ướp 300 gram đường, ngâm trong 1 năm để lấy nước cốt, đem ngâm với rượu trong vòng 2 năm nữa mới thành rượu mơ. Bởi thế, ít nhất tuổi của một mẻ rượu mơ cũng phải 3 năm. Tôi bán cho vui tại nhà, 1 chai thủy tinh 650ml giá 70.000đ, 1 chai sứ 650ml bán 100.000đ, mỗi năm tiêu thụ vài ngàn lít gọi là có thương hiệu cho địa phương, chứ đóng thuế các loại xong, mức lãi chỉ khoảng hơn 100 triệu”, ông Dũng tâm sự.
Tôi hỏi ông Dũng lý do tại sao lại đem sản phẩm rượu mơ Hương Tích của nhà đi tham gia đánh giá, xếp hạng OCOP, ông trả lời: “Muốn tham gia OCOP thì sản phẩm phải đảm bảo các tiêu chuẩn, các điều kiện. Ngoài chất lượng còn phải quan tâm đến bao bì, nhãn mác, mã số, mã vạch, thương hiệu mới được công nhận. Từ hồi được công nhận OCOP, sản phẩm của tôi đã được nhiều người biết đến hơn, đó cũng là một cách để duy trì thứ thức uống của cha ông để lại”.
Sở dĩ rượu mơ Hương Tích nổi tiếng bấy lâu nay bởi được sản xuất từ thứ nguyên liệu đặc biệt là mơ chấm son. Bởi chất lượng thơm ngon, có nhiều vi chất quý, mơ Hương Tích đã được Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội đưa vào “Danh mục một số nguồn gen cây trồng đặc sản Hà Nội”.
Trước thực trạng giảm sút vùng trồng mơ, từ năm 2011, UBND Thành phố Hà Nội đã giao cho Sở Nông nghiệp & PTNT nhiệm vụ cùng với Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội và chính quyền xã Hương Sơn triển khai dự án "Khôi phục, cải tạo và phát triển một số cây đặc sản quý hiếm tại rừng đặc dụng Hương Sơn", trong đó có cây mơ. Kết quả là chính quyền đã hỗ trợ người dân xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông, giống cây, phân bón... để phát triển cây mơ một cách bền vững.
Ông Vương Ngọc Kiện có 3 ha mơ với 4 loại mơ gồm mơ ta tức mơ giống mang trên núi về; mơ Vân Nam, Trung Quốc di thực về cỡ hơn 30 năm; mơ Yên Bái và cuối cùng là mơ Yên Bái ghép với mơ ta. Hiện vườn mơ cho ông mức lãi mỗi năm khoảng 150 triệu đồng và sản phẩm làm ra tới đâu được người tiêu dùng tìm đến tận nơi để săn đón mua tới đấy.
Ngoài nhà ông Kiện có nhiều mơ Hương Tích nhất, khoảng 200 gốc, còn các hộ khác như Đinh Thị Vĩnh có 70-80 gốc, Đinh Văn Sinh có 50-60 gốc, Hồ Văn Thanh có 30-40 gốc, Lê Văn Thìn có 30-40 gốc... Sản lượng tuy không có nhiều, nhưng khá có hiệu quả kinh tế, không phải đi chợ mà tiêu thụ ngay tại chỗ quả tươi đã bán 100.000đ/kg. Bên cạnh đó họ còn chế biến siro bán 300.000đ/lít, rượu bán 150.000đ/lít.
Anh Trịnh Văn Phòng, cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Mỹ Đức cho biết, ngoài sản phẩm rượu mơ Hương Tích, xã Hương Sơn từ lâu còn nổi tiếng với sản phẩm rau sắng chùa Hương. Hiện rau sắng đã có chuỗi sản xuất với 60-70 hộ cùng liên kết, cùng tham gia và có tem nhãn, thương hiệu. Để nâng cao giá trị cho rau sắng, tăng thu nhập cho các nhà vườn, địa phương cũng muốn đưa đi đánh giá, xếp hạng OCOP. Tiến tới trong phát triển nông thôn mới huyện phải có các điểm, gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP để người tiêu dùng dễ tiếp cận hơn với những sản phẩm có chất lượng, rõ nguồn gốc như vậy.
Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội