Việc triển khai thực hiện mô hình trồng sa nhân tím tại Bình Định nhằm góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích đất, nâng cao trình độ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp cho nông dân, đồng thời bảo vệ nguồn tài nguyên đất với lối canh tác bền vững, lâu dài.
Trên vùng đất Vĩnh Thạnh, sa nhân là loài cây được phân bố tự nhiên. Từ lâu, người dân trong vùng đã khai thác quả sa nhân để bán cho các tư thương mua nông lâm sản. Tuy nhiên, do nạn khai thác, chặt phá rừng bừa bãi mà diện tích cũng như mật độ cây sa nhân trong tự nhiên ngày càng giảm, sản lượng ngày càng thấp. Người dân không còn quan tâm đến loài cây này nữa.
Sa nhân tím là một trong những cây thuốc quý tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tại Bình Định, cây sa nhân mọc tự nhiên nhiều ở vùng Vân Canh, An Lão, Tây Sơn, Hoài Ân, Phù Cát và nhất là Vĩnh Thạnh. Điều kiện khí hậu ở Vĩnh Thạnh mưa nhiều, rừng ẩm ướt. Có lẽ chính nhờ vậy nên cây sa nhân tím trồng dưới tán rừng phát triển khá tốt. Cây sa nhân tím trồng dưới tán rừng, từng đám lá xanh mướt mọc dày kín lối đi, từng chùm bông trắng xen lẫn những chùm quả nâu tím từ gốc nhú lên trên mặt đất. Đây là mô hình trồng thử nghiệm 0,2ha dưới tán rừng trồng tại tiểu khu 99, xã Vĩnh Sơn. Còn mô hình tại tiểu khu 168 (xã Vĩnh Hảo) 0,6ha trồng dưới tán rừng tự nhiên. Đây là các mô hình trồng thử nghiệm trong khuôn khổ đề tài: “Nghiên cứu quy trình kỹ thuật trồng, thu hoạch, bảo quản và dược tính của loài sa nhân tím tại Bình Định” do kỹ sư Nguyễn Ngọc Đạo (Trung tâm Giống cây trồng Bình Định) thực hiện.
Theo báo cáo bước đầu của chủ nhiệm đề tài: Mô hình trồng dưới tán rừng nghèo kiệt sau 11 tháng trồng cây đã cho hoa quả với tỷ lệ 5%, sau 24 tháng tỷ lệ hoa quả đạt 75%; từ 24 tháng tuổi, cây sa nhân ra hoa quả liên tục. Qua theo dõi trong năm 2007, cây sa nhân ra hoa đậu quả tập trung nhất trong hai đợt: Đợt một từ tháng 5 đến tháng 6 và đợt hai từ tháng 8 đến tháng 9 với tỷ lệ cho quả trong tháng 5- 6 là 75%, tháng 8- 9 là 100%. Năng suất đạt bình quân 133kg/ha, doanh thu đạt được trên mỗi hecta của năm thứ 4 là 10,6 triệu đồng.
Đối với mô hình trồng sa nhân dưới tán rừng trồng, sau 20 tháng sa nhân bắt đầu cho hoa. Kết quả theo dõi trong năm 2007 cho thấy, cây sa nhân từ 24 tháng tuổi cho hoa quả liên tục nhưng không tập trung. Tính từng thời điểm thì tỷ lệ sa nhân ra hoa quả trong tháng 2/2007 là 18%, tháng 4/2007 là 38%, tháng 5/2007 là 92% và tháng 8/2007 là 100%. Năng suất đạt bình quân 306kg/ha, doanh thu đạt được trên mỗi hecta của năm thứ 4 là 24,5 triệu đồng. Qua kiểm định chất lượng quả sa nhân tím Bình Định cho thấy, có hàm lượng tinh dầu toàn phần trung bình là 4,2%, khá cao so với quy định của dược điển là 1,5%.
Sa nhân tím trồng ở Vĩnh Sơn có tỷ lệ sống cao, sau 2 năm đã khép tán, đảm bảo cho việc che phủ bảo vệ đất và có tỷ lệ mọc cây mới rất cao. Đất rừng Vĩnh Sơn chủ yếu là đất đỏ bazan, khá tốt, lại ở độ cao khoảng 700m so với mặt biển. Ở đây có 2 mùa mưa nắng rõ rệt. Do đó rất thích hợp với cây sa nhân. Thời vụ trồng sa nhân thường vào vụ xuân. Giống lấy bằng thân ngầm hay gieo từ hạt. Mật độ trồng khoảng từ 2.000 đến 2.500cây/ha. Sau 3 năm thì cây bắt đầu cho quả. Năng suất khoảng 100-200kg quả khô/ha/năm. Thông thường cứ 10kg quả tươi cho 1,5-1,8kg quả khô, bóc được 0,7-0,8kg hạt. Giá hiện nay là 80 ngàn đồng/kg khô.
Sa nhân tím dễ trồng, ít tốn công đầu tư chăm sóc và nhất là góp phần chống xói mòn đất do rễ cây đan xen chằng chịt trong đất. Một cây sa nhân được trồng ban đầu thì sau 2 -3 năm sẽ nhân thành 20 -30 cây, phủ kín bề mặt đất. Cây sa nhân sẽ giúp giải quyết được tình trạng rửa trôi và xói mòn đất. Mặt khác, cây sa nhân cũng không “tranh chấp” đất với một số loại cây trồng khác mà chỉ tận dụng được đất dưới tán rừng. Trên một đơn vị diện tích, người dân sẽ thu thêm lợi nhờ cây sa nhân. Ở năm thứ nhất và thứ hai, sa nhân cho lãi ròng 4–5 triệu đồng/ha. Đến năm thứ tư trở đi, khi sa nhân đã ổn định thì sẽ cho lãi ròng từ 10-15 triệu đồng/ha. Đây là cơ sở khoa học để sau đó chuyển giao cho nhân dân trồng đại trà dưới tán rừng ở khu vực miền núi tỉnh Bình Định. Trồng và khai thác sa nhân dưới tán rừng là một phương thức canh tác có khả năng tận dụng tối đa không gian, dinh dưỡng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Lâu nay, người nông dân vào rừng gặp quả sa nhân sao thì thu hái vậy, dẫn đến sản phẩm mà họ thu được lẫn lộn cả quả già, quả non và chất lượng không cao. Trong khi đó, thu hoạch, sơ chế và bảo quản là những khâu quan trọng có tính chất quyết định đến năng suất, chất lượng quả sa nhân. Thu hoạch đúng thời điểm, đúng phương pháp, sơ chế và bảo quản với những biện pháp phù hợp vừa tiết kiệm chi phí sản xuất vừa tạo ra được sản phẩm hạt sa nhân có chất lượng cao. Vì vậy xây dựng mô hình thu hoạch, sơ chế và bảo quản quả sa nhân song song với việc chuyển giao những công nghệ mới nhất cho người nông dân là hết sức cần thiết.