“Giết kẻ chỉ huy” trong buổi phát hành tại Nhật Bản |
“Giết kẻ chỉ huy” viết về một hoạ sĩ trải qua nhiều sự kiện kỳ lạ để tìm lại cảm hứng sáng tác, kể từ khi ly thân với vợ. Dưới ngòi bút ma mị của Haruki Murakami, những vấn đề liên quan tới tình dục được khơi gợi và lột tả trần trụi, giống hệt mô-tip ông từng làm với “Rừng Nauy” hay “Tazaki Tsukuru không màu và những cuộc hành hương”. Tuy nhiên, chính điểm ấy đã khiến tác phẩm mới ra lò của danh hào người Nhật bị dán nhãn 18+, buộc độc giả phải xuất trình căn cước chứng minh độ tuổi trên 18.
Tờ “Bưu điện Hoa Nam” cho rằng chính quyền Hong Kong đã quá lạc hậu và cổ hủ khi quyết định như vậy trước đầu sách được truyền thông Nhật Bản quảng cáo rầm rộ suốt từ nửa đầu năm 2017. Nó cũng trái ngược với những gì độc giả Trung Quốc phản ứng với tác phẩm này khi có tới hơn 700.000 sách đã được bán tại quốc gia đông nhất thế giới kể từ tháng 3/2018.
Hơn 2000 người đã đồng loạt ký vào một lá đơn kêu gọi chính quyền Hong Kong cởi mở hơn với “Giết kẻ chỉ huy”. Trước đó, những nhà làm luật tại đây cũng ra lệnh cấm với một loạt tác phẩm có nội dung liên quan tới LGBT hay những biểu hiện tình dục không bình thường.
Tại quê hương của chính Murakami, “Giết kẻ chỉ huy” được đánh giá là “lành” và “tử tế” nhất với độc giả trong số 14 cuốn sách đã được Murakami xuất bản. Dù vậy, đứa con tinh thần này của ông không được hưởng ứng mạnh mẽ như các tác phẩm trước đây.