| Hotline: 0983.970.780

Sai phạm quy định khai thác tại vùng mỏ Quang Sơn

Thứ Ba 01/06/2021 , 19:37 (GMT+7)

Vùng mỏ Quang Sơn tập trung nhiều mỏ đá ở huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên và thường xuyên có trên 7 điểm mỏ hoạt động khai thác rầm rộ.

Sạt lở gây thiệt hại tài sản, đe dọa tính mạng dân cư

Như Báo Nông nghiệp Việt Nam đã đưa tin, trong thời gian vừa qua đã liên tiếp xảy ra sạt lở tại mỏ đá tại xã Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, mặc dù không gây thiệt hại về người, những cũng đã làm ảnh hưởng tới đời sống người dân.

Cụ thể: Ngày 11/5 sạt lở ở mỏ đá Lân Đăm 2 (Công ty TNHH Hải Bình) đã gây hư hỏng và cô lập tuyến đường giao thông vào xóm Lân Đăm; ngày 13/5 sạt lở tại mỏ đá Lân Đăm 3 (Công ty TNHH Chiến Thắng) đã làm hư hỏng đường vào xóm Thống Nhất và lăn xuống ruộng của người dân, buộc chính quyền địa phương phải di dời khẩn cấp 4 hộ dân.

Sau sự việc này, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ra văn bản yêu cầu tạm dừng hoạt động 2 mỏ đá nói trên (đến ngày 31/5) để khắc phục sự cố và xem xét trách nhiệm.

Những khối đá lớn bị sạt lở tại mỏ đá Lân Đăm 2. Ảnh: T.N.

Những khối đá lớn bị sạt lở tại mỏ đá Lân Đăm 2. Ảnh: T.N.

Tất cả 7 mỏ đều sai phạm

Tuy nhiên, việc sạt lở nói trên liệu có phải là do thiên tai như lý do trình bày của các chủ mỏ hay không? Để làm rõ những vấn đề này, phóng viên đã tìm hiểu thực tế việc khai thác mỏ tại xã Quang Sơn và địa bàn giáp danh là xã Tân Long.

Đây là địa bàn được coi là khu mỏ khai thác đá tại tỉnh Thái Nguyên, nơi thường xuyên có 7 điểm mỏ hoạt động khai thác rầm rộ. Bao gồm 6 mỏ thuộc địa phận xã Quang Sơn là: Lân Đăm 1, Lân Đăm 2, Lân Đăm 3, Việt Cường, Vật liệu xây dựng Bắc Thái và Hà Nội; cùng 1 điểm thuộc địa phận xóm Đồng Luông, xã Tân Long là mỏ Minh Hiển.

Việc thực hiện khai thác đá phải được thực hiện theo đúng như quy định tại Thông tư số 20:2009/BCT của Bộ Công thương (Quy định Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn trong khai thác mỏ lộ thiên). Trong đó quy định bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện trong khai thác đá là phải mở vỉa, cắt tầng để tránh gây sạt lở,…

Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế của phóng viên, nếu như việc chấp hành an toàn trong khi làm việc cơ bản do ý thức của người lao động chưa cao, cán bộ quản lý thiếu nhắc nhở,… còn vấn đề liên quan tới quy trình khai thác thì có thể khẳng định, 100% các doanh nghiệp tại vùng mỏ Quang Sơn đã vi phạm quy định trên.

Thậm chí là, các doanh nghiệp không những không cắt tầng, mà còn đào hàm ếch; không cậy đá mắc kẹt bên trên sau khi nổ mìn, mặc dù nhìn bằng mắt thường cũng có thể thấy chúng có thể lăn xuống người làm việc bên dưới bất cứ lúc nào; nhiều doanh nghiệp không chấp hành phun sương giảm bụi, khiến bụi bay mù mịt;… đây là điều nghiêm cấm trong khai thác đá bởi dễ gây ra sạt lở, mất an toàn, ô nhiễm môi trường đe dọa đến tính mạng con người đang làm việc và người xung quanh khu vực mỏ.

Bụi bay mịt mù trong quá trình sản xuất tại mỏ đá Lân Đăm 1. Ảnh: T.N.

Bụi bay mịt mù trong quá trình sản xuất tại mỏ đá Lân Đăm 1. Ảnh: T.N.

“Nghìn lẻ một” lý do biện hộ cho sai phạm

Khi được hỏi về những vấn đề nêu trên, những người quản lý, điều hành tại các mỏ đá tại vùng mỏ Quang Sơn đều có hàng loạt lý do để bào chữa cho những vấn đề sai phạm tại đơn vị mình.

Ông Phan Văn Đại, Giám đốc điều hành mỏ Lân Đăm 1 ở xóm Lân Đăm, xã Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ (thuộc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Bắc Sông Cầu) giải thích: Do mới hết nước chưa kịp bơm nên mới bụi như vậy, chứ có đầy đủ hệ thống phun sương, giảm bụi tại các máy nghiền. Vấn đề an toàn luôn được đảm bảo, lãnh đạo mỏ quan tâm, việc cắt tầng thì thời gian tới sẽ thực hiện theo đúng quy định.

Hình ảnh cho thấy mỏ đá Vật liệu xây dựng Bắc Thái khai thác không đúng quy đinh tại Thông tư 20:2009/BCT. Ảnh: T.N.

Hình ảnh cho thấy mỏ đá Vật liệu xây dựng Bắc Thái khai thác không đúng quy đinh tại Thông tư 20:2009/BCT. Ảnh: T.N.

Còn cán bộ quản lý mỏ Vật liệu xây dựng Bắc Thái (thuộc Công ty CP Vật liệu xây dựng Bắc Thái, xóm Thống Nhất, xã Quang Sơn) là Nguyễn Văn Phát giải thích: Hiện mỏ được cấp phép khai thác đến năm 2040, diện tích là 7,3 hecta. Việc chưa thực hiện được đúng quy trình khai thác là do công ty đang trình Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên để xin mở rộng mỏ, sau này được chấp thuận sẽ thực hiện đầy đủ.

Khảo sát tại mỏ Minh Hiển ở xóm Đồng Luông, xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ (thuộc Công ty TNHH Minh Hiển VHC) cho thấy, việc khai thác mỏ của doanh nghiệp này có nhiều điểm không đúng quy định như: không có biển tên doanh nghiệp và danh giới mỏ; không cắt tầng trong khai thác theo quy định, đào hàm ếch… khiến những khối đá lớn cũng đã lăn xuống phía dưới không kiểm soát.

Không chỉ khai thác không đúng quy định, người lao động tại mỏ Minh Hiển cũng không mặc trang thiết bị bảo hộ trong khi làm việc. Ảnh: T.N. 

Không chỉ khai thác không đúng quy định, người lao động tại mỏ Minh Hiển cũng không mặc trang thiết bị bảo hộ trong khi làm việc. Ảnh: T.N

Những vấn đề khai thác không đúng quy định theo Thông tư 20:2009/BCT cũng đang diễn ra tại các mỏ đá còn lại trong danh sách các mỏ đã nêu ở trên. Tuy nhiên, nhiều vấn đề sai phạm nhất và cũng đã gây sạt lở nghiêm trọng là 2 mỏ đá Lân Đăm 2 và Lân Đăm 3.

Khai trường của 2 mỏ này nằm ngay cạnh trên tuyến đường giao thông duy nhất đi từ trung tâm xã Quang Sơn vào xóm Lân Đăm, còn mỏ Lân Đăm 3 còn giáp cả đường vào xóm Thống Nhất. Không chỉ là trong quá trình khai thác để đá lăn ra đường gây cản trở, mà ngay cả việc sản xuất nghiền đá xong, 2 doanh nghiệp này cũng ngang nhiên để vật liệu lấn chiếm lòng đường.

Ngoài việc khai thác để đá lân ra đường, gây thiệt hại đến tài sản và đe dọa tính mạng người dân, thì 2 mỏ Lân Đăm 2 và Lân Đăm 3 cũng để vật liệu đã sản xuất tràn ra đường gây mất an toàn giao thông. Ảnh: T.N.

Ngoài việc khai thác để đá lân ra đường, gây thiệt hại đến tài sản và đe dọa tính mạng người dân, thì 2 mỏ Lân Đăm 2 và Lân Đăm 3 cũng để vật liệu đã sản xuất tràn ra đường gây mất an toàn giao thông. Ảnh: T.N.

Điều đó cho thấy, hoạt động khai thác mỏ Lân Đăm 2 và mỏ Lân Đăm 3 là thường trực đe dọa đến tính mạng người tham gia giao thông và cả những người đang làm việc tại đây.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất