| Hotline: 0983.970.780

Sản xuất khoai tây giống vụ xuân

Thứ Tư 18/03/2015 , 06:15 (GMT+7)

Khoai tây, thứ cây trồng tưởng như chỉ trồng được ở vụ đông nhưng đã được chứng minh ở Hà Nội rằng hoàn toàn có thể SX trong vụ xuân với lợi nhuận gấp 5 lần so với cấy lúa…

Hà Nội hiện có trên 200.000 ha lúa hàng năm nhưng diện tích trồng cây vụ đông trên đất hai vụ lúa mới chỉ đạt khoảng 40 - 50%.

Những năm gần đây nhờ có tiến bộ kỹ thuật mới trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu vừa dễ làm, không phụ thuộc nhiều vào thời tiết lại tận dụng được nguồn rơm rạ dư thừa, cho năng suất, hiệu quả cao nên diện tích mở rộng khá nhanh.

Đến lúc này lại vấp phải một khó khăn là khâu giống. Không như những đối tượng cây trồng khác, khoai tây cần một lượng giống cực lớn trên cùng một đơn vị diện tích (30 - 40 kg/sào).

Trong khi đó, nguồn giống khoai chủ yếu phải nhập từ nước ngoài, giá đã cao lại không chủ động được về số lượng cũng như chất lượng. Nhu cầu giống rất cao dẫn đến hiện tượng để khoai tây thương phẩm lại làm giống hoặc trà trộn khoai tây chất lượng kém vào.

 Chính vì thế mà vụ xuân 2015, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã mạnh dạn tổ chức mô hình SX giống khoai tây giống để phục vụ cho mở rộng diện tích khoai tây thương phẩm ở vụ đông.

Quy mô của mô hình gồm 28 hộ trên 8 ha ở xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất với toàn bộ là giống khoai tây Marabel nhập khẩu. Điều thú vị là tất cả các khâu từ làm đất, lên luống, vét rãnh, lấp đất trong mô hình đều được tiến hành hoàn toàn bằng máy để giảm thiểu ngày công lao động nặng nhọc cho bà con nông dân.

Khoai tây vốn là loại cây trồng ưa lạnh nên hiển nhiên trồng ở vụ xuân sẽ gặp phải một số khó khăn. Khung thời vụ đòi hỏi phải khắt khe hơn vụ đông, phải trồng sớm từ cuối tháng 12 năm trước.

Về mặt xã hội cũng như môi trường, SX khoai tây giống vụ xuân giúp nâng cao nhận thức cho nông dân, chủ động được nguồn giống chất lượng. Mở rộng diện tích trồng khoai tây vụ xuân trên chân đất cao hạn, cấy lúa kém hiệu quả không những nâng cao thu nhập cho nông dân mà còn tiết kiệm được một lượng nước tưới đáng kể.
Ngoài ra, trồng khoai tây đã tận dụng nguồn rơm rạ dư thừa làm phân bón, làm che phủ hạn chế việc đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường, trả lại cho đất chất hữu cơ.

Trồng sớm thời kỳ đầu tuy có nhược điểm là cây mọc chậm song điều kiện thời tiết còn lạnh, thuận lợi cho việc hình thành và phát triển củ, cho năng suất cao. Nếu trồng muộn, gặp thời tiết ấm, nhiệt độ chênh lệch ngày đêm thấp sẽ làm cho năng suất giảm. Mặt khác trồng muộn, thu hoạch muộn nếu gặp mưa sớm sẽ ảnh hưởng đến chất lượng củ giống.

Việc phòng trừ sâu bệnh là một trong những yếu tố quan trọng sống còn của khoai tây xuân, đặc biệt lưu ý đến chuột hại và bệnh mốc sương. Cần tiến hành đánh chuột đồng loạt ba lần bằng thuốc Rat-K trộn với thóc mầm và phun phòng bệnh mốc sương bằng thuốc Daconil 75WP và thuốc Rixadomil định kỳ 7 ngày/lần.

Thời tiết vụ xuân 2015 ấm có ngày lên đến 30 độ C, ẩm độ cao không thuận lợi cho cây khoai tây sinh trưởng và phát triển. Bởi thế mà với năng suất thu được 800 kg/sào hay 22 tấn/ha đã là một thành công rất lớn.

Nó chứng tỏ một điều rằng kể cả trong điều kiện thời tiết bất thuận đi chăng nữa với sự chỉ đạo sát sao của cán bộ kỹ thuật, sự tuân thủ quy trình của các hộ nông dân tham gia, trồng khoai tây ở vụ xuân vẫn không phải là một nước cờ mạo hiểm. Nó còn là tiền đề để vụ xuân tới Hà Nội có thể tự tin mở rộng diện tích khoai tây giống.

Khoảng 60 - 70% củ đạt tiêu chuẩn làm giống với giá bán 9.000 đ/kg và 30 - 40% khoai tây thương phẩm với giá bán 10.000 đ/kg, theo tính toán, lợi nhuận thu được của mô hình đạt 135 triệu đ/ha. Trong khi đó, so với giống lúa chất lượng cao như Bắc thơm số 7 lợi nhuận thu về cũng chỉ đạt 22,5 triệu/ha.

Như vậy hiệu quả của mô hình trồng khoai tây vụ xuân cao hơn 5 lần so với trồng lúa và cao hơn nhiều so với trồng khoai tây vụ đông vì giá bán tốt hơn.

Hiện tại ở Hương Ngải cũng đã có sẵn một kho lạnh để trữ giống. Hiệu quả trữ cao hơn nhiều so với để giống từ vụ đông do chi phí kho lạnh thấp hơn (thời gian lưu giữ trong kho ngắn hơn, ít tốn điện đồng thời giảm hư hao hơn).

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Vụ lúa đông xuân 'vui như tết' của nông dân Quảng Trị

Đến cuối tháng 4, nông dân Quảng Trị đã thu hoạch gần 60% diện tích lúa đông xuân, dự kiến sẽ kết thúc thu hoạch trước 10/5; năng suất đạt 6,1 - 6,2 tấn/ha.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm