Cục Thống kê tỉnh Kiên Giang vừa tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021.
Ông Đỗ Huy Công, Phó Cục trưởng, phụ trách Cục Thống kê tỉnh Kiên Giang cho biết: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2021 ước tính hơn 31.752 tỷ đồng, đạt 43,44% kế hoạch năm và tăng 4,52% so với cùng kỳ. Về cơ cấu kinh tế 6 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 42,32% GRDP của tỉnh.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tổng giá trị tăng thêm ước tính là 13.081 tỷ đồng, đạt 55,61% kế hoạch năm, tăng 2,52% so với cùng kỳ, đóng góp cho tăng trưởng chung 1,06 điểm phần trăm. Trong đó, giá trị tăng thêm của ngành nông nghiệp là 7.775 tỷ đồng (tăng 1,75%) và ngành thủy sản ước đạt 5.216 tỷ đồng (tăng 3,85%), lần lượt đóng góp cho tăng trưởng chung 0,44 và 0,64 điểm phần trăm.
Theo đánh giá, khu vực I tăng trưởng khá so với cùng kỳ do năm nay thời tiết, khí hậu thuận lợi cho ngành nông nghiệp, nông dân được mùa được giá nên rất phấn khởi và tích cực đầu tư sản xuất. Sản xuất lúa gạo và nuôi trồng thủy sản là 2 lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong ngành nông nghiệp Kiên Giang.
Tổng diện tích gieo trồng lúa vụ mùa và đông xuân 2020-2021 đạt gần 343.000 ha, sản lượng ước đạt hơn 2,43 triệu tấn. Mặc dù diện tích gieo trồng giảm gần 10.000 ha so với cùng kỳ, nhưng nhờ năng suất bình quân tăng thêm 2,84 tạ/ha, đã làm tăng sản lượng gần 56.000 tấn.
Tổng sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng 6 tháng đầu năm ước đạt gần 412.250 tấn. Trong đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản thu hoạch đạt gần 126.300 tấn. Cá nuôi tăng hơn 3.300 tấn (tăng 12,26%) và tôm nuôi tăng gần 6.800 tấn (tăng 14,57% so với cùng kỳ).
Khu vực công nghiệp và xây dựng tổng giá trị tăng thêm ước đạt 6.940 tỷ đồng, tăng 8,36% so với cùng kỳ. Khu vực II cấp tốc độ tăng trưởng khá cao do có một số ngành đạt mức tăng trưởng tốt như: công nghiệp khai thác, sản xuất bia, giày da, chế biến thủy sản đông lạnh…
Khu vực dịch vụ tổng giá trị tăng thêm ước tính là 9.915 tỷ đồng, tăng 5,37% so với cùng kỳ. Khu vực III tuy có tăng trưởng nhưng chưa xứng với tiềm năng lợi thế của tỉnh, nhiều ngành chịu ảnh hưởng của dịch covid-19 nên doanh thu sụt giảm mạnh như: dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận tải, khách du lịch…