Ngày 2/11, Sở NN-PTNT TP Cần Thơ kết hợp với Văn phòng Điều phối nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL tổ chức hội nghị sơ kết công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giao thương giữa TP Cần Thơ và các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Hội nghị được triển khai nhằm đẩy mạnh hợp tác, liên kết sản xuất với tiêu thụ, thúc đẩy giao thương giữa ĐBSCL và các tỉnh, thành phố trên cả nước. Qua đó đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu về chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ cho biết: Hiện nay ngành nông nghiệp TP Cần Thơ đang tập trung đẩy mạnh xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn và thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP. Đến nay, đã xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn được 112 chuỗi, với 419 sản phẩm. Thành phố có 92 sản phẩm OCOP được cấp giấy chứng nhận đạt 3 sao, 4 sao và có 3 sản phẩm tiềm năng 5 sao.
TP Cần Thơ còn duy trì 136 cánh đồng lớn với diện tích mỗi vụ trên 33.576 ha và có 561 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Đối với cây ăn trái và rau màu có hơn 500 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Xây dựng, quản lý 46 mã vùng trồng của 16 đơn vị trên các loại cây trồng như nhãn, vú sữa, xoài xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Mỹ, Úc, Trung Quốc, EU. Đối với diện tích nuôi thủy sản đạt các tiêu chuẩn VietGAP, BMP, BAP, ASC... hơn 296 ha. Phát triển chăn nuôi tập trung có 274 trang trại.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Trần Trọng Khiêm - Phó giám đốc Sở NN-PTNT Sóc Trăng cho rằng: Chúng ta đang quên những mặt hàng nông lâm thủy sản phục vụ nhu cầu trong nước chất lượng không đạt như xuất khẩu. Sản phẩm bán trong nước không được trú trọng nhiều về an toàn vệ sinh thực phẩm. Ông Khiêm đề nghị cần đưa ra các giải pháp có tính răn đe để đảm bảo chất lượng như nhau.
Đồng quan điểm với lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng, bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: Đặc thù ĐBSCL là kinh tế hộ tự sản xuất tự tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Hơn nữa người tiêu dùng trong vùng cũng dễ tính khi mua hàng hóa nông sản ít khi vào các cửa hàng tiện ích hay siêu thị. Người dân thường có thói quen vào các chợ nhỏ, điểm bán lẻ bên đường mua hàng hóa nông sản không biết nguồn gốc rõ ràng. Bà Khanh đề xuất, nên quản lý các chợ dân sinh chặt chẽ hơn, tổ chức đưa thực phẩm an toàn vào chợ. Để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng phải thực hiện sàn giao dịch điện tử.
Ông Lê Thanh Tùng, Phụ trách Văn phòng Điều phối nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL cho rằng: Chúng ta sản xuất nông sản cần phải có hai từ khóa cần đưa lên hàng đầu đó là “lương tâm và trách nhiệm”. Các tỉnh thành trong nước cần tìm kiếm các chuỗi nông sản tốt để giao thương. Người sản xuất nông sản chứng minh được nguồn gốc có thể bán giá cao gấp 2-3 lần so với bình thường.
Ông Tùng đề nghị, để nâng cao chuỗi sản phẩm nông lâm thủy sản của Việt Nam cần thực hiện chuỗi liên kết từ người sản xuất, đến doanh nghiệp thu mua và chế biến. Cần đặt nặng vấn đề lương tâm và trách nhiệm phục vụ người tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu.