Trước đó, Bộ GD-ĐT yêu cầu các Sở GD-ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc quy định về thời gian học sinh tựu trường và tổ chức lễ khai giảng năm học 2020 - 2021 thống nhất trên cả nước vào sáng 5/9.
Đặc biệt, cần căn cứ tình hình dịch Covid-19 tại địa phương để tổ chức khai giảng cho phù hợp, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh, vừa tạo không khí vui tươi, phấn khởi của ngày khai giảng - Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường.
Đối với những địa phương thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh, các cơ sở giáo dục tổ chức lễ khai giảng theo hình thức trực tuyến.
Để chuẩn bị cho năm học mới 2020 - 2021, Bộ GD-ĐT đề nghị Giám đốc Sở GD-ĐT các tỉnh, thành phố tổ chức quán triệt và triển khai sâu rộng Chỉ thị của Bộ trưởng GD-ĐT về nhiệm vụ và giải pháp năm học 2020 - 2021 của ngành Giáo dục đến toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh, sinh viên trên địa bàn.
Các địa phương rà soát, sắp xếp đội ngũ giáo viên bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và đạt chuẩn về trình độ đào tạo, đặc biệt là giáo viên dạy lớp 1. Bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1.
Hà Nội
Năm học này, toàn TP Hà Nội có gần 2.800 trường học và hơn 2,1 triệu học sinh. Căn cứ tình hình dịch bệnh Covid-19, Hà Nội quyết định tổ chức lễ khai giảng theo hình thức trực tiếp, thực hiện giãn cách...
Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Chử Xuân Dũng, Sở đã có hướng dẫn các trường tổ chức lễ khai giảng diễn ra trang nghiêm, ngắn gọn không quá 45 phút và tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.
Năm học 2020 - 2021 các trường có nhiệm vụ kép là vừa dạy học vừa phòng chống dịch hiệu quả. Để thực hiện công việc này, Sở GD-ĐT Hà Nội tiếp tục duy trì chuyên mục phòng, chống dịch trên website của ngành để cập nhật, hướng dẫn các trường học thực hiện tốt những nội dung theo quy định. Sở GD-ĐT và Sở Y tế có hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 đầu năm học 2020 - 2021, triển khai đến tất cả các trường.
Thực hiện nghiêm việc trang bị SGK trong trường Tiểu học
Thời gian vừa qua, một số phụ huynh đã phản ánh với cơ quan báo chí về tình trạng một số trường tiểu học yêu cầu phụ huynh học sinh mua sách giáo khoa (SGK), tài liệu tham khảo thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (CT GDPT) đối với lớp 1 năm học 2020 - 2021 không đúng quy định của Bộ GD-ĐT.
Do đó, Bộ GD-ĐT yêu cầu các Sở GDĐT triên khai, thực hiện nghiêm túc một số nội dung về vấn đề này, đảm bảo đúng, đủ, hiệu quả, tránh lãng phí.
Cụ thể, Sở GD-ĐT phải thực hiện nghiêm túc các nội dung về SGK và tài liệu tham khảo đã được quy định tại Điều lệ trường Tiểu học ban hành kèm theo kèm theo Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT (ngày 30/12/2010) của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
Trong đó quy định rõ, SGK là tài liệu bắt buộc sử dụng trong dạy và học theo CT GDPT cấp Tiểu học được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định. Nhà trường trang bị tài liệu tham khảo phục vụ cho hoạt động giảng dạy và nghiên cứu của giáo viên; khuyến khích giáo viên sử dụng tài liệu tham khảo để nâng cao chất lượng giáo dục. Mọi tổ chức, cá nhân không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo, phụ huynh, học sinh tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và quyền tự chọn, không bắt buộc.
Đối với bộ SGK lớp 1 năm học 2020 - 2021 thực hiện theo CT GDPT 2018 đã được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt, gồm 8 môn học bắt buộc: Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên - Xã hội, Giáo dục thể chất, Hoạt động Trải nghiệm, Âm nhạc, Mỹ thuật và 1 môn học tự chọn là môn Tiếng Anh. Trường tiểu học phải cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin về SGK sử dụng tại trường để học sinh và gia đình học sinh biết, thực hiện mua sắm.
Quảng Nam: Khai giảng quy mô hẹp, ưu tiên học sinh đầu cấp
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các địa phương như thành phố Hội An, thị xã Điện Bàn và các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên, Quế Sơn, Đại Lộc vẫn đang tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 19, vì vậy, lễ khai giảng được tổ chức với quy mô nhỏ, gọn nhẹ, chỉ gồm học sinh các lớp đầu cấp (1, 6, 10) và đại diện của các khối còn lại.
Công tác chuẩn bị cho năm học mới ở Quảng Nam cũng được các Phòng GD-ĐT huyện, thị xã, thành phố chú trọng đầu tư. Cụ thể, 492 phòng học được xây dựng mới hoàn toàn , 951 phòng học được sửa chữa khang trang với tổng kinh phí đầu tư 357.967 triệu đồng. Ngoài ra, tỉnh cũng đầu tư mua sắm bàn ghế học sinh, bàn ghế giáo viên, máy vi tính và các loại thiết bị khác với tổng kinh phí 115.476 triệu đồng.
Năm học 2020 - 2021, tỉnh Quảng Nam có 799 trường (giảm 4 trường so với cuối năm học 2019 - 2020) với tổng số 356.763 học sinh.