| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 08/07/2019 , 09:01 (GMT+7)

09:01 - 08/07/2019

Sao lại tước mất quyền giám sát của dân?

Bộ Công an vừa công bố dự thảo lần 2 “quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông” để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân. Thời gian công khai là 2 tháng.

Ảnh minh họa.

Dự thảo đề xuất: Cảnh sát phải công khai tên, địa chỉ, số điện thoại, số fax, số điện thoại đường dây nóng, địa chỉ thư điện tử của cơ quan công an có nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát và xử lí vi phạm hành chính, tên, cấp bậc và chức vụ của cán bộ thực hiện nhiệm vụ xử lí vi phạm hành chính. Cảnh sát làm nhiệm vụ cũng phải công khai tuyến đường, địa bàn và đối tượng và hành vi vi phạm tập trung kiểm soát, xử lí đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Như vậy, so với quy định hiện hành tại thông tư số 54/2009 BCA, thì đề xuất trên là một bước tiến rất dài về việc công khai đối với cảnh sát khi làm nhiệm vụ.

Thế nhưng, trong dự thảo lần này, thì nhân dân chỉ được giám sát công an trong chấp hành điều lệnh, thái độ, tác phong, cách xử lí có khách quan, đúng pháp luật hay không khi làm nhiệm vụ. Việc giám sát được thực hiện qua thông tin công khai của công an nhân dân và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với công an nhân dân.

Như vậy, so với thông tư số 54/2009-BCA nói trên, người dân đã bị tước đi quyền giám sát bằng hình thức “quan sát, phát hiện hoạt động của cán bộ, chiến sỹ công an nhân dân khi làm nhiệm vụ ở trụ sở, ở nơi làm việc hoặc trên tuyến đường hay trên các phương tiện giao thông”. Nói trắng ra, nơi làm việc của công an là bí mật, người dân cấm quan sát, cấm quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi công an đang làm nhiệm vụ (?).

Nhà nước ta đang khuyến khích người dân tham gia và giám sát mọi công việc của chính quyền bằng hình thức “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Một trong những nhiệm vụ của công an là duy trì trật tự, nhằm đảm bảo an toàn giao thông. Có thể nói, giao thông và tham gia giao thông trên các tuyến đường chính là lĩnh vực nhạy cảm nhất, dễ phát sinh tiêu cực nhất. Lực lượng làm nhiệm vụ không phải ai cũng thượng tôn pháp luật, cũng liêm chính như nhau.

Trước nay, rất nhiều đoạn ghi âm, đoạn video clip về việc cảnh sát giao thông hành xử trái pháp luật như hống hách, quát nạt, hành hung người tham gia giao thông, nhận hối lộ để bỏ qua lỗi vi phạm giao thông... được người dân thực hiện rồi tung lên mạng xã hội hay đưa lên các cơ quan thông tin đại chúng để dư luận phán xét và được cơ quan có thẩm quyền xử lí.

Hàng ngày, lực lượng này bị giám sát bởi hàng ngàn đôi mắt, hàng trăm camera hay hàng trăm máy ghi âm của người dân. Chính điều đó đã khiến tình trạng nhũng nhiễu, tình trạng “làm luật” trên đường giảm đi rất nhiều.

Nay người dân bị tước mất cái quyền đó, thì cảnh sát giao thông sẽ tha hồ “làm mưa làm gió”(?).

Một dự thảo tưởng là mở rộng dân chủ, hóa ra lại hạn chế dân chủ!