| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 25/06/2013 , 10:25 (GMT+7)

10:25 - 25/06/2013

Sao vẫn nói "không" với tại chức?

Sau Đà Nẵng, đến lượt Nam Định nói “không” với các sinh viên tốt nghiệp đại học tại chức trong việc tuyển dụng công chức.

Sau Đà Nẵng, đến lượt Nam Định nói “không” với các sinh viên tốt nghiệp đại học tại chức trong việc tuyển dụng công chức.

UBND tỉnh Nam Định mới có thông báo cho biết người dự tuyển công chức năm 2013 ngoài việc phải có đủ các điều kiện theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và được đào tạo chuyên ngành phù hợp thì phải có bằng tốt nghiệp đại học hệ chính quy tập trung dài hạn.

Điều này đồng nghĩa với việc những người tốt nghiệp đại học tại chức sẽ buộc phải đứng ngoài cuộc tuyển dụng này. Đáng chú ý hơn, đây không phải lần đầu tiên Nam Định nói “không” với bằng tốt nghiệp đại học tại chức mà là “truyền thống” đã có từ 10 năm qua của tỉnh này.


Ảnh minh họa

Dư luận đã xôn xao về quyết định của Nam Định, Đà Nẵng và có nhiều phản ứng trái chiều.

Những người đồng tình thì cho rằng chất lượng đào tạo của hệ tại chức nhìn chung còn chưa cao, thậm chí có nơi còn buông lỏng quản lý từ đầu vào, trong suốt quá trình học tập cho đến đầu ra.

Nhiều tiêu cực bị phanh phui về những sự vụ, đường dây chạy bằng cấp, “làm đẹp” bảng điểm liên tục diễn ra đối với hệ đào tạo này trong thời gian qua khiến nhiều người càng thêm hoài nghi về chất lượng của những hệ đại học ngoài chính quy.

Thực tế cũng cho thấy nhiều trường hợp “con ông cháu cha” đi học tại chức để hợp thức hóa về mặt giấy tờ vì những người này đã có “vị trí đẹp” trong các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức nhà nước. Những người này thường không có ý chí học tập nhưng lại không tiếc tiền của, công sức để “làm đẹp” bảng điểm và bằng cấp.

Trong khi đó, những người phản ứng trái chiều với Nam Định và Đà Nẵng thì cho rằng chủ trương này mang tính chất “vơ đũa cả nắm” bởi không phải chất lượng đào tạo hệ tại chức của trường đại học nào cũng dưới “chuẩn”.

Hơn nữa, hệ tại chức không chỉ là môi trường học tập của riêng nhóm “con ông cháu cha” mà còn gồm nhiều thành phần khác. Trong đó, không thể không kể đến những người thực sự có ý chí học tập nghiêm túc và luôn đặt quyết tâm vươn lên nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn nên buộc phải lựa chọn hệ đại học tại chức để dành thời gian đi làm lo cuộc sống.

Bên cạnh đó, cũng cần khách quan thừa nhận rằng những tiêu cực trong các trường đại học không chỉ diễn ra ở các hệ ngoài chính quy mà còn diễn ra ngay tại hệ chính quy, nơi quy tụ những sinh viên ưu tú nhất trong số hàng triệu sinh viên cao đẳng - đại học trên cả nước.

Đấy là còn chưa kể đến việc ban hành quy định “cấm cửa” đối với sinh viên tại chức của Đà Nẵng và Nam Định là trái với Luật Giáo dục hiện hành, vốn không phân biệt giá trị của các loại bằng giữa hệ đào tạo chính quy và tại chức.

Như vậy, có thể thấy rằng việc nói “không” với các sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức là một quy định chưa hợp lý và chưa thực sự khách quan, công bằng.

Có lẽ, thay vì một văn bản “cấm đoán” như thế này, các sinh viên tại chức cần được tạo cơ hội để cạnh tranh công bằng với các sinh viên chính quy bằng khả năng làm việc thực tế chứ không phải bằng những mảnh giấy chứng nhận vô tri vô giác.