Khoảng hơn 800km sông, kênh rạch có nguy cơ cao sạt lở
Theo Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi Long An, trên địa bàn tỉnh hiện có 7 điểm (khu vực) sạt lở tại các huyện Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Cần Giuộc, Tân Trụ và Cần Đước, với tổng chiều dài sạt lở là 1.755m. Trong đó có 3 vị trí sạt lở đặc biệt nghiêm trọng ở Cần Giuộc và Thạnh Hóa.
Vị trí sạt lở nằm trên bờ sông Cần Giuộc cặp đường tỉnh 826C, thuộc địa bàn xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc, với chiều dài sạt lở khoảng 1.200m, trong đó có đoạn 42m bị sạt lở nghiêm trọng, đã cuốn trôi xuống sông Cần Giuộc hoàn toàn 7 căn nhà của 2 hộ dân, ước giá trị khoảng 1,2 tỷ đồng.
Đoạn sạt lở này có độ sâu sạt lở khoảng 6m, bề rộng sạt lở 15m, nhiều khe nứt xuất hiện giữa đường tỉnh 826C và có nguy cơ tiếp tục xảy ra sạt lở trong thời gian tới.
Tại huyện Thạnh Hóa, vào các ngày 9 và 19/5, đã xảy ra sạt lở thuộc khu vực bờ sông Vàm Cỏ Tây thuộc xã Thủy Đông, tổng chiều dài sạt lở khoảng 50m, đất sạt lở và lún sâu từ mặt đất hiện trạng xuống đáy sông khoảng 4-6m (dạng hàm ếch), chiều rộng sạt lở sâu vào phía bờ khoảng 12-13m (tính từ nền nhà đến hàng rào bảo vệ phần đất bên trong của người dân bị cuốn trôi).
Ngoài ra trong khu vực sạt lở còn xuất hiện nhiều vết nứt rộng từ 2-10cm, phạm vi xuất hiện vết nứt có chiều dài khoảng 160m và có khả năng tiếp tục xảy ra sạt lở. Sạt lở khiến cho khoảng 250m3 đất bị nước cuốn trôi hoàn toàn, sụp đổ 15m đường bê tông, 45m hàng rào, 20m tường rào và cổng rào, ước kinh phí thiệt hại khoảng 1,1 tỷ đồng.
Trong 2 ngày đầu tháng 7, tại khu vực cầu Bún Bà Của thuộc ấp 2, xã Thủy Tây (Thạnh Hóa) xảy ra sạt lở lề đường phía kênh Dương Văn Dương với chiều dài 20m, bị sụt lún 90cm so với mặt đường hiện trạng, làm hư hỏng hàng rào bảo vệ an toàn đường giao thông và gây khó khăn cho phương tiện tham gia giao thông.
Ông Võ Kim Thuần, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi Long An, cho biết, tổng chiều dài các sông, kênh rạch chính trên địa bàn khoảng 8.286 km. Trong đó chiều dài các sông, kênh rạch lớn có nền đất mềm yếu và dòng nước chảy xiết có nguy cơ cao xảy ra sạt lở khoảng hơn 800km.
Đề xuất Trung ương bố trí hơn 1.300 tỷ đồng chống sạt lở
Từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh Long An xảy ra khoảng 35 điểm sạt lở lớn, nhỏ với tổng chiều dài gần 4.200m, gây thiệt hại tài sản, nhà cửa, đất đai của người dân, đường giao thông chính và giao thông nông thôn bị cuốn trôi xuống sông.
Nguyên nhân sạt lở, sụt lún đất là do tác động của dòng chảy, phương tiện thủy có trọng tải lớn lưu thông với mật độ dày; việc neo đậu tàu thuyền sai quy định; các công trình nhà ở, kho bãi vật liệu xây dựng lấn chiếm lòng dẫn trên các tuyến sông, kênh, rạch làm gia tăng tải trọng trên nền đất yếu.
Trước tình trạng sạt lở diễn ra nghiêm trọng, bên cạnh các biện pháp công trình, các cấp chính quyền ở Long An đang đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, thường xuyên vận động, hướng dẫn người dân và phương tiện không đi vào những khu vực đang có diễn biến sạt lở hoặc có nguy cơ cao xảy ra sạt lở để đảm bảo an toàn; khuyến cáo người dân không xây dựng công trình, nhà ở trong vùng sạt lở, sát bờ sông, kênh, rạch để hạn chế nguy cơ sạt lở xảy ra trong mùa mưa lũ.
Bênh cạnh đó là tổ chức khoanh vùng, cắm biển cảnh báo nguy hiểm, di dời các hộ dân đang sống ở những khu vực bị ảnh hưởng sạt lở đến khu vực an toàn, khu tái định cư đã được chính quyền địa phương bố trí nhằm đảm bảo an toàn, ổn định đời sống của người dân.
Tỉnh Long An cũng đã đề xuất các bộ, ngành xem xét, bố trí nguồn ngân sách dự phòng Trung ương, nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2023-2025 để thực hiện các dự án kè phòng chống sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh, với nguồn kinh phí dự kiến hơn 1.300 tỷ đồng.