Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời vừa có Công điện yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; các sở, ngành tỉnh và chính quyền địa phương các cấp chủ động tổ chức thực hiện các giải pháp phòng, chống sạt lở bờ sông, ngập úng đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân trước, trong mùa mưa lũ.
Sạt lở liên tiếp, thiệt hại to lớn
Từ đầu năm 2023 đến nay, thiên tai xảy ra nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, gây tổn thất lớn đến cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, sản xuất và đời sống người dân; nhất là tình trạng sạt lở bờ sông liên tục xảy ra, gây thiệt hại to lớn đến nhà cửa, công trình ở ven sông, rạch.
Bên cạnh, hiện nay còn nhiều kênh, mương trong nội đồng, trong vùng đê bao trên địa bàn tỉnh bị bồi lắng, chưa được phát hoang, nạo vét khơi thông dòng chảy,… Tình trạng bị ngập hoặc bị thiếu nước cục bộ còn xảy ra ở một số nơi, gây ảnh hưởng, thiệt hại đến cây trồng, vật nuôi của người dân.
Cùng với đó, thời tiết ở Vĩnh Long đang bước sang thời kỳ cao điểm ảnh hưởng của mùa mưa lũ, nhiều loại thiên tai như sạt lở bờ sông, rạch, mưa lớn, dông, lốc xoáy, triều cường, ngập lụt,… được dự báo còn diễn biến phức tạp, khả năng tác động lớn đến sản xuất và đời sống nhân dân.
Đặc biệt, ngày 1/7/2023 Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 607/CĐ-TTg về việc chủ động phòng, chống sạt lở đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân trước và trong mùa mưa lũ.
Ngăn chặn "cát tặc", công trình trái phép gây sạt lở bờ sông
Theo đó, UBND tỉnh Vĩnh Long yêu cầu Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, chủ động chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả, hạn chế thiệt hại do ngập úng, sạt lở bờ sông, rạch gây ra.
Đồng thời, giao Sở NN-PTNT, cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long theo dõi, đôn đốc, phối hợp các các sở, ngành, cơ quan có liên quan, các địa phương trong việc thực hiện công điện này.
Chính quyền địa phương các cấp tổ chức kiểm tra, rà soát các khu vực dân cư, trường học, các cơ sở y tế, trụ sở cơ quan. Theo dõi diễn biến sạt lở khu vực có nguy cơ sạt lở.
Tổ chức cắm biển cảnh báo các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở cao để có các biện pháp thích hợp phòng tránh hoặc giảm thiệt hại. Kiên quyết tổ chức di dời hoặc có phương án chủ động chống sạt lở, sơ tán khi có tình huống xấu nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại tài sản cho người dân và cơ sở hạ tầng. Đồng thời, có phương án hỗ trợ tái định cư, ổn định đời sống cho các hộ dân phải di dời.
Phối hợp với ngành chức năng của tỉnh kiểm tra, ngăn chặn khai thác cát, xây dựng công trình, nhà cửa trái phép, sai phép làm ảnh hưởng hoặc gây sạt lở bờ sông, kênh, rạch. Tổ chức kiểm tra công tác đảm bảo an toàn tại các công trường đang xây dựng ở các khu dân cư ven sông, kênh rạch. Đình chỉ việc xây dựng công trình nếu không đảm bảo an toàn hoặc có nguy cơ gây sạt lở, ảnh hưởng đến dòng chảy, thoát lũ…
Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long tăng cường phổ biến pháp luật về thiên tai, sạt lở, hướng dẫn địa phương, người dân các biện pháp phòng, tránh sạt lở bờ sông. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN-PTNT, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai… triển khai ứng dụng các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ về sạt lở bờ sông, bờ biển ở ĐBSCL. Trước mắt tập trung cho những khu vực sạt lở trọng điểm trên các tuyến sông chính tại các khu vực đô thị, khu dân cư tập trung.
Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình phòng, chống, khắc phục sạt lở. Nạo vét kênh mương theo phân cấp trên địa bàn tỉnh. Đề xuất thí điểm dự án, công trình, mô hình thử nghiệm trồng cây bảo vệ bờ sông, bảo vệ các công trình thủy lợi ở ven bờ sông, rạch ở những nơi thích hợp, góp phần phòng, chống sạt lở, làm cơ sở để từng bước nhân rộng những mô hình có hiệu quả cho các địa phương tự thực hiện.