| Hotline: 0983.970.780

Sạt lở, mưa lớn tại Lai Châu: Ưu tiên giúp dân đến nơi ở an toàn

Thứ Năm 01/08/2024 , 18:10 (GMT+7)

Sạt lở, mưa lớn chia cắt nhiều tuyến đường, gây hư hại hoa màu, tài sản... Cùng với khắc phục hậu quả mưa bão, Lai Châu ưu tiên ổn định đời sống người dân.

Sạt lở Quốc lộ 12 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông. Ảnh: Đ.T.

Sạt lở Quốc lộ 12 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông. Ảnh: Đ.T.

Giao thông ách tắc, chia cắt nhiều xã biên giới

Suốt những ngày qua, mưa lớn diện rộng khiến nhiều tuyến quốc lộ, đường liên xã, bản biên giới tại Lai Châu bị sạt lở nghiêm trọng. Trong đó, những tuyến quốc lộ chính như Quốc lộ 12, 4D, 4H và đường tỉnh 128, 132, 133, 127… bị ngập úng, sạt lở gây ách tắc giao thông cục bộ, người dân đi lại hết sức khó khăn.

Qua thống kê sơ bộ, huyện biên giới Mường Tè thiệt hại nặng trong đợt mưa lũ này. Tại địa phương ghi nhận hàng chục điểm sạt lở trên các tuyến Quốc lộ 4H và đường tỉnh 127, khối lượng đất đá phải dọn dẹp lên đến hàng nghìn mét khối.

Đặc biệt, các tuyến đường từ trung tâm huyện đến các xã biên giới Tá Pạ, Pa Ủ, Pa Vệ Sủ có nhiều điểm sạt lở nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông, khó khăn trong việc thông thương hàng hóa.

Tại xã Bum Nưa của huyện này, nước lũ trên suối Nậm Bum dâng cao cuốn trôi và làm ngập úng hơn 4ha ao cá, lúa và hoa màu của người dân.

Ông Đao Văn Khánh, Chủ tịch UBND huyện Mường Tè thông tin, mưa lớn từ ngày 29/7 đến nay đã làm hầu hết các tuyến đường liên xã, liên bản tại địa phương bị sạt lở. Ước thiệt hại do mưa lũ gây ra gần 4 tỷ đồng.

Sau khi xảy ra thiệt hại, địa phương đã chỉ đạo các lực lượng tại chỗ phối hợp với đơn vị quản lý đường bộ huy động phương tiện, máy móc và tập trung nhân lực xúc dọn đất đá sạt lở, đảm bảo giao thông cho người dân đi lại. Cắm biển cảnh báo tại các điểm mất an toàn, đồng thời tiếp tục rà soát, thống kê, đánh giá thiệt hại hoa màu, tài sản của người dân trên địa bàn và báo cáo theo quy định.

"UBND huyện đã chỉ đạo các lực lượng tại chỗ, huy động phương tiện, nhân lực phối hợp với người dân khắc phục tạm bước một để đảm bảo giao thông; đồng thời chỉ đạo các đơn vị chức năng chủ động phương án tích trữ lương thực, thực phẩm để đảm bảo đời sống người dân", ông Đao Văn Khánh thông tin thêm. 

Sạt lở đe dọa cuộc sống những hộ dân ở Than Uyên (Lai Châu). Ảnh: Đ.T.

Sạt lở đe dọa cuộc sống những hộ dân ở Than Uyên (Lai Châu). Ảnh: Đ.T.

Di dời người dân đến nơi an toàn

Mưa lớn chủ yếu xảy ra vào ban đêm và rạng sáng cũng gây thiệt hại nặng đến công trình giao thông, cơ sở hạ tầng, hoa màu của người dân huyện Than Uyên (Lai Châu). Ước tính sơ bộ, thiệt hại khoảng 700 triệu đồng.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Than Uyên, các xã Pha Mu, Mường Cang, Mường Mít, Phúc Than, Tà Mung, Mường Kim, Ta Gia... đều ghi nhận những thiệt hại đáng kể do mưa lũ gây ra. Trong đó, một số hộ dân đã phải di chuyển chỗ ở khẩn cấp để đảm bảo an toàn.

Cụ thể, tại bản Pá Khôm (xã Pha Mu), phần đất dựng nhà của hộ gia đình ông Tòng Văn Quang bị sạt lở taluy âm gần chân cột nhà, phải di dời khẩn cấp.

Tại bản Mé (xã Mường Cang), khoảng 200m3 đất đá từ trên đồi bất ngờ đổ ụp xuống ngay sau căn nhà của ông Nguyễn Văn Đức, rất may không thiệt hại về người. Toàn bộ thành viên trong nhà và tài sản đã được địa phương và người dân di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm... Các hộ dân khác nằm trong tâm mưa lũ, sạt lở tiếp tục được theo dõi chặt chẽ.

Về nông nghiệp, khoảng 1.000m2 lúa của ông Lò Văn Chung ở Bản Chít (xã Pha Mu) bị cuốn trôi. Tại xã Mường Cang, mưa lũ cũng gây ngập úng 3.000m2 lúa ở Bản Muông và 5.000m2 lúa tại Bản Pù Quải.

Các tuyến đường vào trung tâm các xã có hàng chục điểm sạt lở rải rác, hết sức nguy hiểm. Trong đó, tuyến đường từ xã Tà Mung đi Tà Lồm tiếp tục sạt, hiện không thể lưu thông, khối lượng đất đá cần dọn dẹp lên đến 7.500m3.

Tại xã Ta Gia, mưa lũ đã gây sạt lở đất mái taluy âm điểm trường Mầm non bản Gia. Vị trí sạt giáp sân trường.

Ông Phạm Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Than Uyên cho biết, ngay sau khi thiên tai xảy ra, UBND huyện và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện đã chỉ đạo UBND các xã trực tiếp xuống cơ sở phối hợp với thôn, bản tổ chức thăm hỏi và có phương án tổ chức di dời tạm thời người và tài sản đến nơi an toàn. Tập trung chỉ đạo khắc phục, hỗ trợ nhân dân ổn định sinh hoạt hàng ngày.

Các cơ quan, ban, ngành huyện và UBND các xã, thị trấn thực hiện nghiêm túc việc trực chỉ huy phòng chống thiên tai để tiếp nhận thông tin, xử lý các tình huống và hỗ trợ kịp thời khi có yêu cầu.

Thông tin từ Đài Khí tương Thủy văn Lai Châu, mưa lớn trên địa bàn tỉnh sẽ kéo dài đến hết ngày 2/8 với lượng mưa phổ biến từ 50 đến 100mm, cục bộ có nơi hơn 200mm, nguy cơ sạt lở tatuy dương và ngập úng tại vùng trũng là rất cao.

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại, người điều khiển phương tiện khi lưu thông trên đường cần chú ý quan sát các hiện tượng sạt lở, đá rơi. Đặc biệt, người dân sinh sống tại vùng trũng, thấp, ven sông, suối cần chủ động các phương án phòng chống ngập úng, lũ quét, không đánh bắt cá, vớt củi khi trên địa bàn có mưa to để đảm bảo an toàn.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Thủy lợi - nền tảng vững chắc cho sản xuất nông nghiệp hiệu quả

Đồng Tháp Các hệ thống thủy lợi nội đồng giúp kiểm soát nguồn nước hiệu quả hơn, nhờ đó nông dân có thể canh tác 3 vụ lúa/năm với năng suất tăng 15% so với trước đây.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Ghi ở 'thủ phủ' phế liệu Hà Nội [Bài 3]: Cân bằng là thách thức!

Mặc dù có thể giảm thiểu nhưng việc loại bỏ hoàn toàn ô nhiễm song song với phát triển kinh tế tại các làng nghề hiện vẫn là thách thức lớn.