| Hotline: 0983.970.780

Sầu riêng rụng quả non hàng loạt do sốc nhiệt

Thứ Tư 08/05/2024 , 16:39 (GMT+7)

KHÁNH HÒA Nhiều diện tích sầu riêng ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa đang thời kỳ quả non bị rụng hàng loạt do sốc nhiệt.

Nhiều diện tích sầu riêng rụng quả non

Ông Lê Anh Quang, một người trồng sầu riêng ở thôn Liên Hòa, xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn cho biết, thời gian qua tình hình nắng nóng trên địa bàn diễn ra gay gắt, ban ngày nhiệt độ lên đến 37 - 38 độ C, còn ban đêm chỉ từ 20 - 22 độ C, nhất là rạng sáng trời lại rất lạnh. Điều này đã gây bất lợi cho cây sầu riêng trên địa bàn đang thời kỳ ra hoa, tạo quả non và bị rụng quả hàng loạt do sốc nhiệt.

Sầu riêng Khánh Sơn bị rụng quả non la liệt. Ảnh: KS.

Sầu riêng Khánh Sơn bị rụng quả non la liệt. Ảnh: KS.

Theo ông Lê Anh Quang, năm nay, sầu riêng Khánh Sơn ra 3 đợt hoa. Diện tích sầu riêng ra hoa, tạo quả non khoảng 1 tuần trở lại đây đều bị rụng quả non, có vườn rụng tới 2/3 số quả.

Gia đình ông Quang có 2ha sầu riêng, trong đó khoảng 1ha bị rụng đến khoảng 50% số quả. Trong khi đó, thời tiết đang tiếp tục nắng nóng gay gắt, nguồn nước tưới đầu nguồn đang thiếu hụt, nguy cơ vườn sầu riêng sẽ tiếp tục bị rụng quả, ảnh hưởng đến năng suất.

Không chỉ ở xã Sơn Bình mà các vườn sầu riêng ở các xã Sơn Hiệp, Sơn Lâm và thị trận Tô Hạp (huyện Khánh Sơn) cũng bị rụng quả non do sốc nhiệt. Anh Nguyễn Tuấn, một người trồng sầu riêng ở xã Sơn Hiệp cho biết, gia đình có 1ha sầu riêng đến nay đã rụng khoảng 50% quả non. Để hạn chế, gia đình tập trung chăm sóc, tưới nước, bón phân dưỡng trái…

Những vườn sầu riêng ở Khánh Sơn ra hoa đợt giữa tháng 4 vừa qua đều bị ảnh hưởng. Ảnh: KS.

Những vườn sầu riêng ở Khánh Sơn ra hoa đợt giữa tháng 4 vừa qua đều bị ảnh hưởng. Ảnh: KS.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Khánh Sơn, những vườn sầu riêng ra quả non giữa tháng 4 đến nay đều bị ảnh hưởng do sốc nhiệt. Qua nắm bắt sơ bộ, có khoảng 30% trong tổng số 1.500ha sầu riêng của huyện đang trong thời kỳ kinh doanh bị rụng quả non. Những vườn canh tác chuẩn, ra hoa, đậu quả sớm ít bị ảnh hưởng.

Người trồng sầu riêng ở Khánh Sơn còn lo lắng quả sầu riêng non sẽ tiếp tục bị rụng trong thời điểm mưa đầu mùa xuất hiện. Trước tình hình trên, ông Đỗ Nhi Huy, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Khánh Sơn cho biết, để tránh cây sầu riêng bị sốc nhiệt do nắng nóng kéo dài, chênh lệch nhiệt độ ngày - đêm lớn, các nhà vườn cần tập trung tưới phủ toàn cây trong thời điểm từ 6 đến 8 giờ nhằm cân bằng nhiệt độ.

Sầu riêng ở Khánh Sơn đang thời kỳ ra hoa, đậu quả non. Ảnh: KS.

Sầu riêng ở Khánh Sơn đang thời kỳ ra hoa, đậu quả non. Ảnh: KS.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn hoa xổ nhụy, đậu quả non từ 15 - 20 ngày, người trồng cần phun các loại phân bón lá theo khuyến cáo để tăng tỷ lệ đậu quả, hạn chế hiện tượng rụng quả. Ngoài ra, bà con cũng cần thường xuyên thăm vườn để kiểm tra, nắm bắt diễn biến sâu bệnh hại, từ đó áp dụng các biện pháp đã được hướng dẫn để phòng trừ hiệu quả nhằm đảm bảo năng suất sầu riêng.

Nguy cơ 50% diện tích sầu riêng thiếu nước tưới

Cũng theo ông Đỗ Nhi Huy, toàn huyện đang có 3.500ha cây ăn quả, trong đó khoảng 2.645ha sầu riêng.

Hiện nay, diện tích sầu riêng không chủ động được nước tưới, bị ảnh hưởng hạn hán chiếm khoảng 30%, tương đương khoảng 800ha, chủ yếu ở những vùng xa sông, suối tại các xã Ba Cụm Nam, Ba Cụm Bắc, Sơn Lâm, Sơn Bình và thị trấn Tô Hạp. Nếu thời tiết tiếp tục nắng nóng kéo dài trong vòng 30 ngày tới thì diện tích sầu riêng không đủ nước tưới sẽ lên đến khoảng 50% tổng diện tích, tương đương khoảng 1.300ha.

Nông dân Khánh Sơn tăng cường chăm sóc cây sầu riêng trong bối cảnh nắng nóng kéo dài. Ảnh: Bích La.

Nông dân Khánh Sơn tăng cường chăm sóc cây sầu riêng trong bối cảnh nắng nóng kéo dài. Ảnh: Bích La.

Trước tình hình trên, để chủ động trong công tác phòng chống hạn, UBND huyện Khánh Sơn đã chỉ đạo các cơ quan liên quan và UBND các xã, thị trấn rà soát các khu vực có nguy cơ ảnh hưởng hạn hán để bàn các giải pháp hỗ trợ, khắc phục.

Đồng thời triển khai các giải pháp phi công trình và công trình như hướng dẫn, khuyến cáo người dân áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm, che phủ rơm, thực bì, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, chuyển đổi cây trồng và không trồng trên diện tích xa nguồn nước hoặc không chủ động được nguồn nước.

Ngoài ra, huyện sẽ hỗ trợ kinh phí lắp đặt các bơm dã chiến để bơm chuyển nước từ sông chính vào các đập đã mất nguồn sinh thủy hoặc các khu vực có nguy cơ ảnh hưởng lớn do hạn hán gây ra.

Xem thêm
Nuôi ngựa bạch dưới tán rừng

Chăn nuôi ngựa bạch theo hướng hàng hóa dưới tán rừng mang lại hiệu quả kinh tế, tạo việc làm cho lao động tại địa phương, nâng cao đời sống người dân.

Khống chế được dịch bệnh, người chăn nuôi yên tâm tái đàn

Nhờ ngành chức năng Bình Định khống chế được dịch bệnh cộng giá heo tăng nên người chăn nuôi ở địa phương miền Trung này yên tâm tái đàn.

Nghiên cứu hệ thống đo phát thải CO2 và CH4 từ cây lúa

CẦN THƠ EcoTraceTech - Hệ thống đo phát thải CO2, CH4 từ cây lúa là ý tưởng khởi nghiệp của nhóm sinh viên Đại học Cần Thơ.