| Hotline: 0983.970.780

Mưa dông khiến nhiều diện tích sầu riêng bị gãy đổ, rụng quả la liệt

Thứ Ba 07/05/2024 , 17:15 (GMT+7)

Những cơn mưa dông đầu mùa đã khiến nhiều diện tích sầu riêng trên địa bàn tỉnh Gia Lai bị gãy đổ, quả rụng la liệt trước sự bất lực của người dân.

Mưa to kèm gió lốc khiến nhiều cây sầu riêng của gia đình ông Nguyễn Văn Quả (thôn 4, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê) bị gãy, đổ. Ảnh: Tuấn Anh.

Mưa to kèm gió lốc khiến nhiều cây sầu riêng của gia đình ông Nguyễn Văn Quả (thôn 4, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê) bị gãy, đổ. Ảnh: Tuấn Anh.

Những ngày qua, tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã xuất hiện những cơn mưa đầu mùa giúp giải cơn khát khô hạn của phần lớn diện tích cây trồng. Tuy nhiên, thay vì vui mừng, nhiều người trồng sầu riêng đã phải khóc ròng khi nhiều cây bị gãy đổ, quả rụng la liệt, ước thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đồng.

Ghi nhân thực tế tại xã Ia Hlốp (huyện Chư Sê), cơn mưa to kèm gió lốc vào chiều ngày 5/5 đã trở thành ác mộng với nhiều hộ dân trồng sầu riêng nơi đây.

Nhắc đến cơn mưa dông gây thiệt hại cho sầu riêng, ông Nguyễn Dũng (thôn 4, xã Ia Hlốp) hướng mắt về vườn sầu riêng với vẻ mặt đượm buồn. Ông Dũng cho biết, gia đình có 2ha sầu riêng với khoảng 400 cây, trong đó 200 cây đang ở giai đoạn cho thu hoạch. Cơn mưa kèm theo gió lớn vừa qua đã khiến gia đình không kịp trở tay, sầu riêng từ trái lớn đến nhỏ rụng la liệt.

Ông Nguyễn Dũng (thôn 4, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê) xót xa khi vườn sầu riêng bị rụng quả la liệt. Ảnh: Tuấn Anh.

Ông Nguyễn Dũng (thôn 4, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê) xót xa khi vườn sầu riêng bị rụng quả la liệt. Ảnh: Tuấn Anh.

“Gia đình đã lường trước sự việc khi biết sẽ có cơn mưa lớn xuất hiện đầu mùa nên đã gia cố lại cành cây, buộc quả. Nhưng do không có người làm nên mới gia cố được ít cây nhỏ thì cơn mưa bất ngờ ập tới. Mặt khác, những ngày qua thời tiết khô hạn nên gia đình chủ yếu lo nguồn nước tưới cứu cây trồng nên cũng không trở tay kịp”, ông Dũng nói và cho biết, cơn mưa to kèm gió lốc không chỉ làm rụng quả mà nhiều cành sầu riêng của gia đình cũng bị rạn, gãy.

Ông Dũng cho biết thêm, gia đình làm nghề nông hơn chục năm nay chưa khi nào xảy ra tình trạng mưa lớn như ngày 5/5 vừa qua. Vì vậy dù người dân trên địa bàn có chuẩn bị trước cũng không tránh khỏi thiệt hại đối với cây sầu riêng.

Lo sợ mưa kèm dông lốc tiếp tục xuất hiện trong thời gian tới, gia đình ông Dũng đã gấp rút tìm nhân công gia cố lại vườn cây với hi vọng giảm thiểu quả bị rụng, gây thiệt hại kinh tế.

Để giảm thiệt hại, ông Dũng thực hiện gia cố vườn cây. Ảnh: Tuấn Anh.

Để giảm thiệt hại, ông Dũng thực hiện gia cố vườn cây. Ảnh: Tuấn Anh.

Mưa dông khiến vườn sầu riêng bị thiệt hại lớn nhất có lẽ thuộc về gia đình ông Nguyễn Văn Quả (thôn 4, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê). Gia đình ông Quả có 350 cây sầu riêng đang chuẩn bị bước sang năm thu hoạch chính thì bất ngờ gặp cơn mưa lớn kèm gió lốc vào chiều ngày 5/5. Hậu quả, 8 cây đã bị gãy, đổ hoàn toàn và các cây khác thì quả rụng la liệt. Theo thống kê, quả bị rụng ước khoảng hơn 5 tấn, thiệt hại cho gia đình khoảng 500 triệu đồng.

Ông Quả cho biết, theo kinh nghiệm làm nông nghiệp ở đây nhiều năm, khi thấy cơn mưa to kèm gió lốc lớn là biết vườn sầu riêng chắc chắn gặp rủi ro. Quả đúng như vậy, khi ra vườn nhìn nhiều cây sầu riêng gãy đổ, quả rụng la liệt ông không cầm được nước mắt.

Sầu riêng bị rụng la liệt gây thiệt hại cho gia đình ông Quả khoảng 500 triệu đồng. Ảnh: Tuấn Anh.

Sầu riêng bị rụng la liệt gây thiệt hại cho gia đình ông Quả khoảng 500 triệu đồng. Ảnh: Tuấn Anh.

“Gia đình vay mượn hàng tỷ đồng đầu tư trồng sầu riêng, năm nay bước vào vụ thu hoạch chính thì lại bị như vậy, không biết phải làm sao. Dự kiến, năm nay gia đình thu khoảng hơn 1 tỷ đồng từ sầu riêng để trả nợ nhưng giờ đã bị thiệt hại 500 triệu đồng. Chưa kể những ngày tới nếu tiếp tục xảy ra mưa lớn thì không biết vườn sầu riêng sẽ thiệt hại thêm bao nhiêu nữa”, ông Quả buồn bã.

Cũng theo ông Quả, lẽ ra vườn sầu riêng đã phải được gia đình gia cố trước mùa mưa, lập rào chắn gió để giảm thiệt hại. Tuy nhiên, do kinh phí còn hạn chế nên chưa kịp đầu tư thì xảy ra sự cố đáng tiếc.

Ông Cáp Hoàng Việt, Chủ tịch UBND xã Ia HLốp cho biết, cơn mưa to kèm gió lốc chiều ngày 5/5 đã khiến một số diện tích sầu riêng của bà con rụng quả, thiệt hại cho người dân. Ngay khi nắm được thông tin, UBND xã đã chỉ đạo cán bộ đi kiểm tra, thống kê, có khoảng gần 3ha sầu riêng bị thiệt hại. Tuy nhiên, thực tế diện tích sầu riêng thiệt hại sẽ nhiều hơn do địa phương chưa tổng hợp hết được.

“Đối với cây sầu riêng, hiện tại chưa có chương trình hỗ trợ thiệt hại cho người dân. Vì vậy, xã chỉ biết khuyến cáo người dân về việc sầu riêng dễ bị gãy cành, rụng trái nếu gặp mưa to, gió lớn. Vì vậy người dân cần gia cố chắc chắn, buộc trái cẩn thận để khi cơn mưa tiếp theo sẽ không bị ảnh hưởng đến vườn cây, gây thiệt hại về kinh tế”, ông Việt chia sẻ.

Sầu riêng bị rụng thời điểm này xem như bỏ đi. Ảnh: Tuấn Anh.

Sầu riêng bị rụng thời điểm này xem như bỏ đi. Ảnh: Tuấn Anh.

Tương tự, trước đó mưa to kèm gió lốc cũng đã khiến một số diện tích sầu riêng của huyện Đức Cơ (Gia Lai) rụng quả đầy dưới gốc khiến người dân không khỏi xót xa. Theo ước tính, khoảng hơn 10 hộ trồng sầu riêng nơi đây bị thiệt hại, rụng quả do gió lốc. Trong đó, gia đình Ông Lương Văn Ân (xã Ia Kriêng) bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi ước tính diện tích bị thiệt hại khoảng 1ha, giá trị thiệt hại lên đến gần 100 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Ia Kriêng (huyện Đức Cơ) cho biết, hiện cán bộ xã đang tiến hành kiểm tra, thống kê diện tích sầu riêng bị thiệt hại. Tuy nhiên, nhiều hộ dân ở các thôn có sầu riêng bị thiệt hại cũng không báo cáo lên địa phương khiến cho công tác thống kê thiệt hại gặp nhiều khó khăn.

“Nguyên nhân chính dẫn đến thiệt hại nặng nề này là mưa lớn kèm gió lốc dẫn đến quả sầu riêng rụng cục bộ tại một số vườn của hộ dân. Để giảm thiệt hại trong thời gian tới, người dân cần gia cố lại vườn cây, giằng cột, buộc quả cẩn thận để sầu riêng không bị ảnh hưởng khi có mưa lớn ập đến”, ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Ia Kriêng khuyến cáo.

Xem thêm
Người làm nên thương hiệu 'heo say xỉn'

NINH BÌNH Mấy năm nay tôi không thể vào một trại lợn nào vì chủ trại phòng dịch rất nghiêm, thế mà anh Nga bảo vào thoải mái, lao động ở đây còn thường xuyên về nhà.

Chú trọng tiêm vacxin, chống buôn lậu trước mùa nguy cơ dịch bênh

Chỉ đạo hoạt động của ngành thú y, chăn nuôi thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh công tác kiểm soát dịch bệnh bằng vacxin và phòng chống buôn lậu.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.