| Hotline: 0983.970.780

Sầu riêng tăng giá nhưng 'sầu chung' vẫn còn

Chủ Nhật 08/01/2023 , 08:39 (GMT+7)

Khi lô sầu riêng đầu tiên xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc đã mở ra cơ hội cho ngành hàng này nhưng bên cạnh đó cũng còn nhiều thách thức.

Giá tăng gấp đôi

Đăk Lăk có 15.100ha sầu riêng (chiếm 17,6% diện tích của cả nước và là tỉnh có diện tích lớn thứ hai sau Tiền Giang), ước sản lượng thu hoạch năm 2022 là 150.000 tấn. Điểm mạnh trong sản xuất sầu riêng của Đăk Lăk là thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi cho loại cây này phát triển tốt, có vùng nguyên liệu rộng, chất lượng đồng đều.

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), đến nay, sau khi Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật giữa hai nước được ký kết, cùng với danh sách 51 mã vùng trồng và 25 cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam được phê duyệt (trong đó tỉnh Đăk Lăk có 23 mã vùng trồng và 4 cơ sở đóng gói) với diện tích khoảng 1.500ha.

Cụ thể, trong năm 2022, Đăk Lăk đã xuất khẩu được 8.080 tấn sầu riêng tươi vào thị trường Trung Quốc, giá bán xô bình quân tại vùng trồng là 75.000đ/kg, có những vùng trồng lên tới 85.000 - 90.000đ/kg.

Trong khi đó tại thời điểm chưa có mã số vùng trồng thì giá bán xô tại vườn chỉ dao động từ 45.000 - 48.000đ/kg (như vậy 1 ha sầu riêng được cấp mã số vùng trồng có thể thu nhập cao hơn khoảng 500 triệu đồng so với khi chưa có mã số), có thể nói rằng việc xuất khẩu chính ngạch sầu riêng đã đem lại cơ hội sán lạn cho ngành sầu riêng Đăk Lăk nói riêng và Việt Nam nói chung.

IMG_5692

Nông dân được hưởng lợi lớn, giá tăng gấp đôi khi sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. Ảnh: Minh Quý.

Ông Phan Đăng Kim, thành viên của HTX Nông nghiệp Tân Lập Đông (huyện Krông Búk) cho biết, gia đình hiện có 1ha sầu riêng (là một trong số các vườn của HTX được cấp mã vùng trồng), sản lượng đạt từ 25 - 30 tấn. Từ khi Nghị định thư chuẩn bị ký kết thì gia đình đã được HTX hướng dẫn chuyển sang canh tác theo quy trình VietGAP.

Khi chuyển đổi quy trình sản xuất, lúc đầu nông dân cũng gặp nhiều lúng túng khi phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất từ trồng, chăm sóc, thu hoạch, mọi công đoạn của từng thời kỳ đều phải ghi nhật ký nông hộ đầy đủ.

Tuy nhiên, sau khi làm được vài năm thì mọi thứ đã đi vào ổn định, người nông dân trở nên chuyên nghiệp hơn khi hoạt động canh tác không còn mang tính "ngẫu hứng" mà đều làm đúng theo quy trình kỹ thuật.

Khi được cấp mã vùng trồng thì HTX đã liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu để tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Điều này giúp đầu ra ổn định, đưa giá trị của trái sầu riêng lên cao hơn so với thời gian trước.

Ông Vũ Ngọc Huy, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn cho biết, ngành sầu riêng Việt Nam đã thay đổi từ khi Trung Quốc cho nhập khẩu chính ngạch.

Sau khi nhập khẩu, mặt bằng giá thành sầu riêng đã cao hơn mọi năm 10-20% đầu ra thì ổn định hơn.

“Công ty chúng tôi định hướng trong vòng 3-5 tới sẽ mở rộng thêm 5.000ha và tập trung nâng cao về chất lượng cũng như quy trình sản xuất chuyên nghiệp hơn. Về lâu dài chúng tôi luôn khuyến khích người nông dân chú trọng vào chất lượng quả sầu riêng tốt hơn nữa và phải luôn đáp ứng được các quy trình sản xuất mà phía bạn đã đưa ra.

Người dân cũng không nên nóng vội trồng ồ ạt dẫn đến không thể kiểm soát được chất lượng và sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu sầu riêng của chúng ta. Mình trồng ít kiểm soát tốt sẽ bán được giá còn hơn trồng nhiều mà không kiểm soát được chất lượng”, ông Huy chia sẻ.

XK sau rieng-85

Lô sầu riêng đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đã mở ra cơ hội lớn cho ngành hàng này. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Lê Anh Trung, Giám đốc Đối ngoại Công ty TNHH Đầu tư Vạn Hòa, cho biết, doanh nghiệp đang thiết lập hồ sơ mã vùng trồng cho hơn 3.000ha sầu riêng tại Đăk Lăk. Hiện tại nhu cầu của nước nhập khẩu rất lớn, dường như không có giới hạn. Đây là điều kiện vô cùng thuận lợi.

Theo ông Trung bản thân sầu riêng Việt Nam mới được xuất khẩu chính ngạch nhưng trước đây đã thông qua nhiều con đường nhập vào Trung Quốc. Do đó, sầu riêng Việt Nam được người tiêu dùng Trung Quốc chấp nhận, đánh giá rất cao.

“Chúng tôi tin một điều là chỉ cần làm tốt, làm bài bản đúng theo quy trình của nước nhập khẩu quy định thì sầu riêng Việt Nam có thể cạnh tranh trực tiếp với các quốc gia như Thái Lan, Malaysia một cách sòng phẳng. Việc xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc cũng mở ra con đường bền vững cho người trồng sầu riêng”, ông Trung nói.

Ông Trung cho biết thêm việc xuất khẩu chính ngạch là tín hiệu tích cực cho mặt hàng này nhưng các doanh nghiệp cũng đối diện nhiều thách thức như thiết lập hồ sơ mã số vùng trồng theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Ngoài ra thời gian đầu khi xuất khẩu cũng xảy ra một số vụ gian lận.

“Công ty sẵn sàng hỗ trợ người thiết lập các hồ sơ mã số vùng trồng để hình thành vùng nguyên liệu đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Không chỉ thiết lập hồ sơ ban đầu xong là hết việc mà nó còn liên quan đến việc duy trì hoạt động sản xuất theo quy định của nước nhập khẩu và tiêu chuẩn của Cục Bảo vệ thực vật ban hành. Do đó, để xuất khẩu được thuận lợi chúng tôi luôn khuyến cáo người dân cần tuân thủ các quy định mà nước nhập khẩu đưa ra”, ông Trung chia sẻ.

Nhiều thách thức

Hiện sầu riêng là một trong 2 hai cây ăn quả chủ lực của tỉnh Đăk Lăk nên diện tích không ngừng được mở rộng.

Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế có được để phát triển thị trường ngành hàng sầu riêng, Đăk Lăk cũng đứng trước nhiều thách thức, khó khăn cần tháo gỡ để phát triển bền vững.

XK sau rieng-56

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cùng lãnh đạo UBND tỉnh Đăk Lăk thăm vườn sầu riêng tại Đăk Lăk. Ảnh: Tùng Đinh.

Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đăk Lăk, Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chính thức được ký kết là cơ hội để nâng cao hiệu quả và nâng tầm giá trị sầu riêng của Việt Nam trên trường quốc tế.

Khi tổ chức thành công buổi lễ công bố xuất khẩu chuyến hàng sầu riêng đầu tiên được tổ chức tại tỉnh Đăk Lăk đã tạo hiệu ứng lan toả tích cực về thương hiệu sầu riêng của địa phương. Đây là cơ hội để tỉnh Đăk Lăk tổ chức phát triển ngành hàng sầu riêng theo hướng hiện đại, chất lượng, an toàn, bền vững, tạo thêm dư địa tăng trưởng cho một ngành hàng là thế mạnh của tỉnh.

Ông Dương cũng cho biết, để duy trì việc xuất khẩu, địa phương sẽ bằng mọi cách duy trì và giữ vững những vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số. Ngoài ra, dư địa của Đăk Lăk lớn nên đơn vị tiếp tục tập trung mọi nguồn lực để triển khai nhanh, chặt chẽ việc xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.

Đến nay, Đăk Lăk đã có 15 vùng trồng, diện tích 680,1ha và 7 cơ sở đóng gói đang chờ Tổng cục Hải Quan Trung Quốc phê duyệt; 35 vùng trồng, diện tích 1.400ha và 5 cơ sở đóng gói đang thiết lập hồ sơ.

“Để tiếp tục triển khai công tác thiết lập, quản lý, giám sát, phát triển mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu đi vào thực chất và hiệu quả hơn, chúng tôi đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, tập huấn về quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, GAP, Global GAP…, quy trình kiểm soát dịch hại, ghi chép hồ sơ, cập nhật thông tin mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói trong quá trình sản xuất để truy suất nguồn gốc sản phẩm theo yêu cầu của nước nhập”, ông Dương nói.

XK sau rieng-26

Để quả sầu riêng xuất khẩu vào Trung Quốc bền vững, Đắk Lắk cũng đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Ảnh: Tùng Đinh.

Tuy nhiên, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đăk Lăk cho biết thêm, địa phương cũng gặp nhiều khó khăn, hạn chế lớn nhất là trong việc xây dựng mã số vùng trồng là quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa có quy hoạch vùng trồng tập trung.

Nhận thức của người dân về mã số vùng trồng còn mơ hồ, chưa thật sự đầu đủ, đúng nghĩa. Công tác liên kết thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp, HTX, Tổ hợp tác và các hộ dân sản xuất sầu riêng còn nhiều hạn chế, chưa thể hiện sự công khai, minh bạch.

"Doanh nghiệp, HTX, Tổ hợp tác và các hộ sản xuất chưa đồng hành “đi cùng nhau” để cùng chung sức xây dựng thương hiệu uy tín tạo nên một thị trường xuất khẩu bền vững đối với sản phẩm sầu riêng của tỉnh. Đặc biệt, một số địa phương chưa có cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ làm đầu mối phụ trách lĩnh vực quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói", ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đăk Lăk.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.