| Hotline: 0983.970.780

'Sầu riêng thông minh' Ecofarm và câu chuyện liên kết xuất ngoại

Thứ Năm 14/07/2022 , 06:36 (GMT+7)

BÌNH PHƯỚC Sầu siêng Gia Bảo Ecofarm và câu chuyện liên kết trồng sầu riêng đáp ứng tiêu chí xuất ngoại của Lộc Trời là 2 trong nhiều mô hình đang chuẩn bị tâm thế đón đầu…

Nhấn smartphone, cả vườn được chăm sóc

Là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, bên cạnh thừa hưởng cơ sở hạ tầng đồng bộ, giao thông thuận tiện, Bình Phước còn được thiên nhiên ưu đãi khí hậu ôn hòa, đất đai màu mỡ thuận lợi phát triển cây ăn trái, trong đó có cây sầu riêng.

Vườn sầu siêng công nghệ cao của anh Nguyễn Minh Hiếu. Ảnh: Trần Trung.

Vườn sầu siêng công nghệ cao của anh Nguyễn Minh Hiếu. Ảnh: Hồng Thủy.

Mặc dù cây sầu riêng mới phát triển những năm gần đây, nhưng nhờ đúc kết được kinh nghiệm từ các địa phương đi trước, cùng với chủ động ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, sầu riêng đang từng bước khẳng định được vị thế trên vùng đất đỏ bazan trù phú này. Đặc biệt, sau khi có thông tin Cục BVTV đã hoàn tất các thủ tục để sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, chỉ chờ ngày chính thức thông qua nghị định thư, đã tiếp tục thổi bùng sinh khí mới cho người trồng sầu riêng tại địa phương.

Đến Farm sầu siêng Gia Bảo Ecofarm của anh Nguyễn Minh Hiếu ở xã Phước Tín (Thị xã Phước Long) những ngày này, đập vào mắt chúng tôi là hệ thống đường ống dẫn nước tưới nhỏ giọt liên tục “nhả” nước, tưới mát cho hàng ngàn cây sầu riêng, những chiếc xe cắt cỏ, xe phun xịt thuốc tự động hiện đại được nhập khẩu từ Hàn Quốc đang uốn lượn quanh từng gốc để xử lý kỹ thuật ra hoa đậu trái cho vườn sầu riêng Ri6, Monthong và Musang King để kịp đón đầu xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Tạm nghỉ tay chốc lát, anh Nguyễn Minh Hiếu cho biết, với hi vọng đưa sản phẩm lợi thế xuất ngoại, không chỉ tuân thủ các quy định, gia đình anh cũng như các nhà vườn nơi đây còn đầu tư hệ thống tưới và phun thuốc tự động, vừa tiết kiệm chi phí, vừa đảm bảo sức khỏe và môi trường.

Toàn bộ phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đều có nguồn gốc từ hữu cơ, vi sinh được anh Hiếu sử dụng. Ảnh: Hồng Thủy.

Toàn bộ phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đều có nguồn gốc từ hữu cơ, vi sinh được anh Hiếu sử dụng. Ảnh: Hồng Thủy.

Đặc biệt, anh Hiếu khoe: “Chỉ cần lướt nhẹ những đầu ngón tay trên chiếc smartphone là công việc chăm sóc vườn tự động diễn ra. Sáng sớm, tôi đã có thể thảnh thơi ngồi ở chiếc bàn nhỏ đặt bên cửa sổ nhà nhìn ra vườn, vừa ăn sáng vừa trò chuyện với vợ con và ngắm vườn sầu riêng”.

Theo anh Hiếu, với hơn 10ha sầu riêng VietGAP đang trong độ tuổi cho thu hoạch, nếu không có phương tiện cơ giới hóa hiện đại, công nghệ cao đưa vào sản xuất thì anh không thể quán xuyến nổi khối lượng công việc khổng lồ bởi trang trại được đặt tại Thị xã Phước Long, thị xã sôi động bậc nhất Bình Phước, hầu hết người dân kinh doanh dịch vụ, lao động không rành về nông nghiệp, chưa kể họ tập trung vào các xưởng chế biến hạt điều.

Hiện trung bình mỗi ha anh Hiếu đầu tư hơn 100 triệu đồng, bù lại, anh giải phóng được rất nhiều sức lao động, kiểm soát được nước tưới, phun thuốc cho cây. Bên cạnh đó, từ khi áp dụng mô hình kỹ thuật này, năng suất vườn sầu riêng cũng tăng lên khoảng 30%. Đặc biệt, những quả sầu riêng được sản xuất ra mẫu mã đẹp, đồng đều, chất lượng sản phẩm cũng được cải thiện do được chăm bón điều độ, đúng lịch thời vụ.

Phương tiện cơ giới hóa hiện đại đưa vào sử dụng giải bài toán lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất, đảm bảo sức khỏe và môi trường. Ảnh: Trần Trung.

Phương tiện cơ giới hóa hiện đại đưa vào sử dụng giải bài toán lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất, đảm bảo sức khỏe và môi trường. Ảnh: Hồng Thủy.

“Với ứng dụng tiên tiến, nếu thực hiện bằng phương pháp thủ công sẽ mất thời gian cả ngày thì nay chỉ cần 2 - 3 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ vào nông nghiệp không đồng nghĩa với việc bỏ mặc cho công nghệ ở mọi công đoạn. Việc còn lại của chúng ta sau khi giải phóng được sức lao động là để tâm đến thể trạng cây cối, dành thời gian thăm nom cây cối trong vườn để hiểu hơn về bệnh tình của cây nhằm có hướng xử lý kịp thời trong trường hợp cây bị bệnh, trái không đạt chuẩn như mong muốn”, anh Hiếu chia sẻ thêm. 

Chưa bằng lòng với những tiến bộ kỹ thuật hiện có, trước thông tin sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch đi Trung Quốc, anh Hiếu đang tiếp tục tiến tới đưa ứng dụng internet kết nối vạn vật (IoT)) vào sản xuất nhằm hạn chế tối thiểu lượng thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giữ cân bằng hệ sinh thái vườn cây. Mặc dù chi phí đầu vào cao hơn so với làm truyền thống, nhưng bù lại việc đầu tư trở thành thế mạnh khi tự quyết được thị trường từ công nghệ số đem lại. 

Những quả sầu riêng Monthong được anh Hiếu chăm sóc tỉ mỉ chờ ngày xuất ngoại. Ảnh: Hồng Thủy..

Những quả sầu riêng Monthong được anh Hiếu chăm sóc tỉ mỉ chờ ngày xuất ngoại. Ảnh: Hồng Thủy.

Nhằm san sẻ kinh nghiệm sản xuất sầu riêng, anh Hiếu còn là một trong thành viên sáng lập HTX Nông nghiệp số Bình Phước và giữ vai trò Phó Giám đốc HTX.

Theo ông Phạm Viết Thuật, Chủ tịch UBND xã Phước Tín, địa phương có diện tích sầu riêng nhiều nhất tỉnh. Gần đây, một số hộ gia đình cũng đang bắt đầu thử nghiệm cách làm nông nghiệp thông minh để tiết kiệm sức lao động, dù cho chi phí ban đầu để thiết kế kỹ thuật đầu tư cũng khá tốn kém.

“Trong thời điểm khan hiếm lao động, vật tư sản xuất nông nghiệp tăng cao, thị trường nội địa bấp bênh, sản xuất ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn để xuất khẩu chính ngạch là con đường duy nhất để nâng cao giá trị nông sản nói chung và sầu riêng tại địa phương nói riêng.

Hiện nay, tại địa phương đã xuất hiện nhiều mô hình sầu riêng ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ cao vào sản xuất. Trong đó, Gia Bảo Ecofarm là mô hình tiên phong và đã gặt hái được những thành công nhất định. Đây là mô hình bà con nên học tập để giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận. Chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình này trong thời gian tới”, ông Thuật nhấn mạnh.

Liên kết, đáp ứng đầy đủ tiêu chí xuất ngoại

Cùng với sự chủ động của người dân, với những tiềm năng lợi thế sẵn có, Bình Phước còn thu hút các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp đến đầu tư, cùng địa phương xây dựng các chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí để sầu riêng xuất ngoại. Trong đó, phải kể tới là Tập đoàn Lộc Trời.

Cán bộ kỹ thuật Tập đoàn Lộc Trời chuyển giao KH-KT cho người trồng sầu riêng tại huyện Hớn Quản. Ảnh: Trần Trung.

Cán bộ kỹ thuật Tập đoàn Lộc Trời chuyển giao KH-KT cho người trồng sầu riêng tại huyện Hớn Quản. Ảnh: Hồng Thủy.

Được triển khai từ thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, bước đầu, Tập đoàn Lộc Trời đã tập hợp được gần 20 hộ trồng sầu riêng trên địa bàn huyện Bù Đăng và Hớn Quản liên kết sản xuất sầu riêng để xuất khẩu với tổng diện tích 30ha.

Qua liên kết, các hộ đều được hướng dẫn từ quy trình canh tác vườn cây theo hướng hữu cơ đến ghi chép nhập ký sản xuất để truy xuất nguồn gốc. Các sản phẩm sản xuất đúng quy trình được Tập đoàn Lộc Trời thu mua với giá dao động từ 35.000 – 40.000 đồng/kg. Điều này rất có ý nghĩa khi vụ sầu riêng năm nay đang rớt giá và chỉ quanh mức 30.000 đồng/kg.

Anh Nguyễn Văn Đoàn, cán bộ phụ trách kỹ thuật cây ăn quả khu vực Đông Nam bộ của Tập đoàn Lộc Trời cho biết, bên cạnh chuỗi liên kết lúa gạo đã khẳng định được uy tín, thương hiệu, Tập đoàn đang mở rộng sang các loại cây ăn trái, trong đó có cây sầu riêng.

Tập đoàn Lộc Trời đang tập trung cho chiến lược phát triển sầu riêng theo hướng hữu cơ, bền vững tại Bình Phước và các vùng có lợi thế khác. Ảnh: Trần Trung.

Tập đoàn Lộc Trời đang tập trung cho chiến lược phát triển sầu riêng theo hướng hữu cơ, bền vững tại Bình Phước và các vùng có lợi thế khác. Ảnh: Hồng Thủy.

Trước khi thực hiện tại Bình Phước, Tập đoàn đã rất thành công với mô hình liên kết này tại Tây Nguyên, ĐBSCL và một số tỉnh khác trong khu vực Đông Nam bộ như Tây Ninh, Đồng Nai. Sau khi chuỗi liên kết tại Hớn Quản và Bù Đăng đã thành công, Lộc Trời sẽ tiếp tục hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu nông sản nếu bà con có nhu cầu. Khi đó, nông sản sẽ được nâng cấp lên một mức sản xuất với tiêu chuẩn cao hơn, đáp ứng mọi yêu cầu thị trường.

“Đối với dự án liên kết sản xuất trên cây sầu riêng, hiện nay vườn sầu riêng của người dân đã có sẵn, chúng tôi chỉ cần quan tâm cải tạo đất trồng, cung ứng các vật tư trong sản xuất nông nghiệp, chuyển giao các quy trình canh tác để cải thiện năng suất vườn, đồng thời hỗ trợ bà con kiểm soát được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và nâng chất lượng sản phẩm.

Những quả sầu riêng áp dụng đúng quy trình chuẩn, chờ ngày thu hoạch xuất khẩu. Ảnh: Hồng Thủy.

Những quả sầu riêng áp dụng đúng quy trình chuẩn, chờ ngày thu hoạch xuất khẩu. Ảnh: Hồng Thủy.

Trên cơ sở kết quả đạt được bước đầu này, mô hình liên kết sẽ được Tập đoàn Lộc Trời mở rộng ra các địa phương khác trên địa bàn tỉnh. Từ đó, Tập đoàn sẽ cùng địa phương quy hoạch các vùng trồng chuyên canh, đăng ký mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, hướng đến các thị trường. Trong đó, Trung Quốc được xem là thị trường giàu tiềm năng khi xuất khẩu bằng còn đường chính ngạch”, anh Đoàn chia sẻ.

Theo bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, hiện mỗi ha chuyên canh sầu riêng tại địa phương mang về lợi nhuận cho nhà vườn hàng trăm triệu đồng/năm. Đây là động lực để bà con tập trung sản xuất và phát triển diện tích theo hướng nâng cao chất lượng, đáp ứng các yêu cầu từ doanh nghiệp và thị trường xuất khẩu, trong đó có Trung Quốc. Cùng với đó là khai thác thế mạnh từ việc rải vụ, đảm bảo nguồn hàng quanh năm, cũng như sơ chế, chế biến và đa dạng các mặt hàng từ sầu riêng. Đây sẽ là những giải pháp tổng hợp để hoàn thiện chuỗi giá trị cho mặt hàng mà Việt Nam có rất nhiều lợi thế này.

Xem thêm
Nuôi heo và chim công, lối đi khác biệt né rủi ro thị trường

CẦN THƠ Kết hợp giữa nuôi heo và chim công giúp anh Toản đảm bảo nguồn thu nhập ổn định và đa dạng hóa sản phẩm chăn nuôi, tránh được rủi ro từ biến động thị trường.

Nuôi tôm siêu thâm canh bằng thảo dược

CÀ MAU Với cách làm đi ngược với xu thế chung trong nuôi tôm công nghiệp, một người đàn ông ở Cà Mau đã thành công với mô hình nuôi tôm sạch bằng thảo dược.

Bà con miền Bắc nên trồng hoa gì cho dịp Tết Ất Tỵ?

Bão số 3 đã vùi dập hầu hết các vùng trồng hoa ở phía Bắc. Chỉ còn 3 tháng nữa là đến Tết, vậy nên trồng hoa gì để có đủ hoa cho Tết?

Bình luận mới nhất