"Tất cả chúng ta đều có cùng một niềm vui chung là Trung Quốc đã ký chính thức nghị định thư, sự kiện mà chúng ta đã mất ròng rã 3 năm để chuẩn bị và đàm phán với nước bạn. Nhưng câu chuyện mà chúng ta đang nghĩ về việc này cũng như thị trường Trung Quốc dường như chưa đúng. Thật sự tâm trạng bây giờ là mừng ít mà lo thì nhiều", bà Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu nói.
Lãnh đạo công ty xuất nhập khẩu trái cây lớn nhất miền Tây cho biết, các doanh nghiệp ở Thái Lan đang theo dõi chặt chẽ diễn biến ở Việt Nam.
Bà Vy nói trong khi còn rất nhiều việc cần làm, thì có hiện tượng nông dân găm hàng, thương lái nhỏ lẻ rục rịch tăng giá, trong khi chưa biết về việc bao nhiêu nhà đóng gói đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu của Trung Quốc, bao nhiêu vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn, được cấp mã để có thể xuất khẩu.
Bà Vy nói điều doanh nghiệp trăn trở nữa là Việt Nam sẽ phải làm gì để thay đổi chất lượng, làm gì để xây dựng thương hiệu để cạnh tranh được với Thái Lan, Malaysia? Ngoài ra, mức áp thuế với sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sẽ như thế nào, giá sầu riêng ở đối thủ Thái Lan ra sao.
"Họ mở cửa nhưng cuộc chơi chính ngạch thì chính chúng ta là người phải hiểu rõ để làm tốt, làm đúng quy định, xây dựng chất lượng ổn định mới có thể tồn tại ở thị trường này được.
Thị trường Trung Quốc bây giờ đã thay đổi rất nhiều, chúng ta sống với cái nghề sầu riêng này đâu chỉ có năm nay mà là còn rất nhiều năm nữa, nông dân còn cần chúng ta dẫn đường cho họ nhiều năm nữa…
Cái nghề gai góc này chắc ít nhiều người cũng nếm trải đủ mọi thăng trầm buồn vui. Liệu rằng chúng ta cần xây dựng một tập thể vững mạnh để trái sầu riêng của Việt Nam mình không bao giờ có 2 từ "giải cứu” như các loại trái cây dù đã được xuất khẩu chính ngạch khác hay không", bà Vy nói.
Vấn đề khác được nữ doanh nhân nêu ra là “mở rất khó nhưng đóng rất dễ”, bởi Việt Nam đã có quá nhiều bài học về việc này.
“Dù doanh nghiệp nào được vinh dự là người tiên phong được phía Trung Quốc phê duyệt cũng là điều đáng mừng cho nông nghiệp Việt Nam, nhưng cũng mang trọng trách rất lớn nếu làm không tốt, bởi phía sau họ là nông dân và nhiều doanh nghiệp khác”.
Thái Lan phạt nặng doanh nghiệp, nông dân không đạt chuẩn
Theo bà Ngô Tường Vy, ngành nông nghiệp Thái Lan từ lâu đã xác định Trung Quốc là thị trường khó tính, và ngày càng khó tính hơn, do đó, nước này đặt ra nhiều quy định nghiêm ngặt. “Nông dân thu hoạch quá sớm cũng bị phạt, doanh nghiệp mua bán sản phẩm không đạt chuẩn cũng bị phạt, thậm chí phạt tù. Họ đẩy mức quản lý lên cao để xây dựng thương hiệu quốc gia, và hướng đến mục đích lâu dài. Mặt khác, việc này mang lại lợi nhuận cao, bền vững”, bà Vy nói.