Bù đắp những ngày gian khó...
Những ngày qua, gia đình anh Lê Văn Quang, xã Thanh An, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước phải dồn toàn bộ nhân lực trong nhà để chăm sóc đàn gà Minh Dư (Bình Định) trên 10.000 con nhằm kịp xuất bán trong thời điểm giá gà đang tăng cao.
Theo anh Quang, nếu như cùng kỳ năm ngoái, giá gà xuất tại chuồng chỉ dao động quanh mức 25.000 đến 35.000 đồng/kg thì nay giá gà tăng vọt lên 45.000 đến 55.000 đồng/kg, có thời điểm lên trên 60.000 đồng/ kg khiến người chăn nuôi vô cùng phấn khởi. Theo tính toán, để nuôi 1.000 con gà từ lúc nhập chuồng đến khi xuất bán, chủ trại phải bỏ ra chi phí 85 - 90 triệu đồng, với mức giá này, người nuôi thu lãi được khoảng trên 40 triệu đồng/1.000 con gà/lứa.
Vừa chăm sóc đàn gà, anh Quang cho biết thêm, thời điểm trước, người chăn nuôi gà luôn gồng mình gánh lỗ, sản phẩm bán ra dưới giá thành sản xuất do đầu ra khó khăn vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cùng với đó, một số địa phương xảy ra dịch cúm gia cầm cũng khiến người tiêu dùng có tâm lý e ngại khi sử dụng thịt gà. Đặc biệt, xuất phát từ diễn biến phức tạp của dịch tả heo châu Phi, người chăn nuôi, nhất là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát có xu hướng tăng đàn gà hoặc phát triển đàn mới ồ ạt. Nguồn cung vượt cầu tạo sức ép làm giá gà sụt giảm nhanh chóng khiến không ít hộ bên bờ vực phá sản và e dè tái đàn.
Tuy nhiên, gia đình anh Quang vẫn kiên quyết duy trì đàn gà. Nhiều người cho rằng việc làm của anh là rất mạo hiểm. Thế nhưng, với nhiều năm trong nghề anh đã rút ra được bài học sâu sắc: Khi cung vượt cầu thì giá ắt giảm, khi người chăn nuôi càng ít đi, sản phẩm làm ra không đủ phục vụ thị trường giá nhất định sẽ tăng. Chính vì vậy, để đảm bảo ổn định sản xuất người nuôi cần phải theo dõi thị trường, đồng thời tính toán thời gian nhân giống, tái đàn hợp lý sẽ giảm thiểu rủi ro. Ngoài ra, giống gà anh Quang đang nuôi là gà Minh Dư, gà này có ưu điểm nhanh lớn, ít bệnh, chất lượng thịt thơm ngon và dai như gà ta. “Trong bối cảnh thị trường bất ổn như hiện này, giống vật nuôi nào có thời gian nuôi ngắn, xoay vòng vốn nhanh, chi phí sản xuất ít thì càng có nhiều lợi thế”, anh Quang nhấn mạnh.
Rời xã Thanh An, chúng tôi đến thăm vựa nuôi gà sạch, an toàn Thanh Lương, nơi mệnh danh thủ phủ chăn nuôi gà thả vườn tại huyện Hớn Quản nói riêng, tỉnh Bình Phước nói chung. Vui mừng, phấn khởi đó là tâm trạng chung của nhiều hộ chăn nuôi gà nơi đây. Với quy mô trung bình từ 5.000 con đến 50.000 con/hộ, chỉ tính riêng tại địa phương này số lượng gà đạt khoảng 300.000 – 350.000 con. Trái với không khí ảm đạm thời điểm này vào năm ngoái, hiện này, hầu hết các trang trại, gia trại đều đã bán gần hết số lượng gà hiện có, số ít gà còn lại cũng được thương lái đặt mua hàng từ trước và chuẩn bị gom hàng.
Ông Ngô Việt Tiến, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) nuôi gà Thanh Bình (xã Thanh Lương) cho biết, hiện CLB có 17 hộ thành viên, hộ nuôi nhiều nhất trên 30.000 con, hộ nuôi ít nhất cũng 6.000 con. Nhận thấy giá gà có dấu hiệu ổn định từ giữa năm ngoái và nhu cầu tiêu thụ gà dịp cuối năm tăng cao nên các thành viên CLB đã chủ động mua con giống, ổn định đàn để bán trước, trong và sau dịp Tết Tân Sửu 2021. “Hiện CLB đã xuất bán được khoảng 70-80% lượng gà trong chuồng trại với giá dao động từ 45.000 đồng đến 60.000 đồng/kg. Đây được coi là mức giá bà con đã có lãi đậm. Tính riêng lứa gà xuất bán đợt này, người chăn nuôi đã lãi gấp rưỡi so với lứa trước đó”, ông Tiến nhấn mạnh.
Không nên tăng đàn ồ ạt
Trước tình hình giá gà tăng trở lại, hiện hầu hết các hộ nuôi gà tại tỉnh Bình Phước đã và đang tập trung tái đàn. Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Bình Phước, tính đến tháng 2/2021, tổng đàn gà tỉnh này hiện có là 7.320.000 con, tăng 30.000 con; sản lượng xuất chuồng trong tháng ước đạt 2.392 tấn, tăng 142 tấn so với cùng kỳ. Trong những tháng đầu năm, thời tiết là mùa khô nên tình hình dịch bệnh trên tổng đàn gia cầm nói chung và gà nói riêng không có biến động lớn, không có dịch bệnh lớn phát sinh thành ổ dịch; công tác tiêm phòng, tiêu độc, khử trùng, công tác kiểm dịch vẫn được thực hiện theo kế hoạch và được kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, duy trì các chốt kiểm dịch động vật, xử lý dứt điểm các ổ dịch tại các xã khi có dịch theo đúng các quy định hiện hành.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước, việc tăng đàn gà trong thời điểm này là phù hợp. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp khuyến cáo người chăn nuôi cần tránh tăng đàn ồ ạt; chú ý chất lượng con giống, đảm bảo mật độ gà/trại; chú trọng công tác phòng bệnh và vệ sinh môi trường. Đối với các hộ dân mới chuyển đổi sang chăn nuôi gà, cần tìm hiểu kỹ quy trình, kỹ thuật nuôi, đặc điểm của chuồng trại chứ không chạy theo phong trào, gây rủi ro lớn cho kinh tế gia đình.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Phước cho biết, việc nghề chăn nuôi gia cầm phục hồi là tín hiệu tốt, giúp bà con nông dân bớt khó khăn sau khoảng thời gian thiệt hại nặng nề do dịch bệnh. Hiện nay, sau khoảng thời gian giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và cúm gia cầm, tổng đàn gia cầm nói chung, gà nói riêng của tỉnh đã phục hồi tương đối tốt. Việc các hộ chăn nuôi gia cầm tiếp tục tái đàn, tăng đàn để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng là phù hợp. Đặc biệt, đây còn là một trong những biện pháp mà Bộ NN-PTNT đưa ra để kéo giảm giá thịt heo. “Tuy nhiên, các trại nuôi cần bảo đảm tuyệt đối an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học mới nên tăng đàn”, ông Bình nhấn mạnh.