| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 08/08/2013 , 10:00 (GMT+7)

10:00 - 08/08/2013

Sau văcxin, "nhân bản" xét nghiệm, sẽ là gì...?

Với những băn khoăn và quá nhiều “mối đe dọa” từ bệnh viện, thì hội chứng “sợ bệnh viện” của nhân dân chưa biết bao giờ mới hết.

Dư luận chưa hết bức xúc về việc 3 trẻ sơ sinh chết oan sau khi tiêm văcxin phòng viêm gan B tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), thì lại một phen nháo nhác bởi thông tin, Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức (Hà Nội) “nhân bản” kết quả xét nghiệm, mỗi kết quả dùng cho 2 - 5 người.

Bằng chứng tại phòng xét nghiệm của bệnh viện này, nhiều bệnh nhân khác xa nhau về bệnh án, lứa tuổi, nhưng đều được dùng chung một kết quả xét nghiệm.

Ví dụ, một kết quả xét nghiệm huyết học vào hồi 9h ngày 19/2/2013 được dùng cho 4 bệnh nhân: Nguyễn Thị Nguyên - 70 tuổi, chẩn đoán lao phổi; Nguyễn Trung Nghĩa - 27 tuổi, chẩn đoán áp-xe cạnh hậu môn; Lý Thị Vân - 61 tuổi, chẩn đoán viêm phế quản của người bệnh cao huyết áp đang nằm ở khoa Hồi sức cấp cứu và cháu Lương Kiều Trang - 12 tuổi, chẩn đoán viêm ruột thừa.

Thống kê cho thấy, từ tháng 7/2012 tới tháng 5/2013, đã có trên 1.000 phiếu xét nghiệm được “nhân bản” cho khoảng 2.000 bệnh nhân tại bệnh viện này (trung bình một kết quả phiếu xét nghiệm được sử dụng cho 2 - 5 bệnh nhân).

Nhưng sự liều lĩnh, nhẫn tâm không chỉ dừng ở đây. Một số kỹ thuật viên phòng xét nghiệm không có chứng chỉ, bằng cấp về làm xét nghiệm hóa sinh máu, nước tiểu, HIV... nhưng vẫn vô tư làm.

Bi hài hơn, lãnh đạo phòng xét nghiệm còn giải thích, vì muốn “ăn bớt” công đoạn xét nghiệm, đỡ tốn và hao mòn máy móc nên phòng này đã copy phiếu xét nghiệm của một người và trả cho nhiều người.

Câu trả lời xác thực nhất cho sự việc nghiêm trọng trên, đó là vì tiền!

Hẳn độc giả vẫn còn nguyên cảm giác xót xa cho 3 cháu bé sơ sinh đã tử vong ngay sau khi được tiêm văcxin phòng viêm gan B tại Bệnh viện Đa khoa Hướng Hóa cách đây chưa đầy 1 tháng. Trước đó, đã có 9 trường hợp trẻ em bị tai biến, tử vong sau khi tiêm văcxin 5 trong 1 Quinvaxem. Đây là loại văcxin được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia từ tháng 6/2010, áp dụng tiêm miễn phí cho trẻ 2 - 3 và 4 tháng tuổi. Văcxin này do Liên minh Toàn cầu về văcxin và tiêm chủng tài trợ đến hết năm 2015. 

Sau khi liên tục có những ca tai biến, tử vong ở trẻ em sau tiêm, nhiều ý kiến cho rằng Bộ Y tế nên ngừng sử dụng ngay loại văcxin này để đảm bảo an toàn tính mạng cho trẻ em tiêm chủng. Nhưng phải đến khi cháu bé thứ 5 tử vong, Bộ này mới ra quyết định tạm ngừng sử dụng. 

Chuyện buồn khác đồng thời xảy ra, một trẻ sơ sinh vẫn còn thở, tay chân vẫn cựa quậy, nhưng bác sĩ, hộ lí Khoa sản của Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam cho rằng cháu đã tắt thở và yêu cầu người nhà đưa cháu về lo hậu sự.

Biết bao nhiêu lình xình xung quanh cái gọi là “y đức” của ngành y đang sốt xình xịch, thì mới hôm qua, 2 mẹ con sản phụ cũng tử vong tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Nguyên nhân đang được tìm hiểu, nhưng theo người nhà bệnh nhân, là do bác sỹ tắc trách.

Đây không gọi là sự vô cảm, thì có thể gọi là gì?

Ngành y tế đã có nhiều khẩu hiệu: “Nói không với phong bì”, “Lương y như từ mẫu”… Khẩu hiệu hay, nhưng, có lẽ, khẩu hiệu vẫn mãi là khẩu hiệu bởi nó cách xa hiện thực quá nhiều. Với những băn khoăn và quá nhiều “mối đe dọa” từ bệnh viện, thì hội chứng “sợ bệnh viện” của nhân dân chưa biết bao giờ mới hết.

Ai đó có nói một câu, xem ra chí lý: Xưa nay chưa có thuốc trị lòng tham và bệnh vô cảm!