Tỉ lệ mã số được giám sát sau khi cấp rất thấp
“Tôi xin nhắc lại con số gần 7.000 vùng trồng và gần 2.000 cơ sở đóng gói là điểm nhấn về những kết quả đã đạt được. Các mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói này đều đã được các nước nhập khẩu, trong đó có những thị trường có yêu cầu cao như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản… chấp nhận. Tuy nhiên, tỷ lệ giám sát mã số sau khi cấp đối với vùng trồng mới chỉ đạt 40,8%, cơ sở đóng gói là 17%. Con số này quá thấp so với yêu cầu thực tế cần phải giám sát hàng năm”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung nhấn mạnh tại hội nghị tăng cường công tác quản lý nhà nước về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu, diễn ra tại Lạng Sơn ngày 24/8.
Thứ trưởng Hoàng Trung cho biết thời gian qua, Bộ NN-PTNT và các địa phương vẫn nhận được những thông báo không tuân thủ các yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của các lô hàng của Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường EU, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản.
Ông đề nghị các ngành, địa phương cần quán triệt với doanh nghiệp về việc "không phải cứ cấp mã số xong là xong", mà khâu kiểm tra, giám sát cần thực hiện thường xuyên.
Số lượng lớn các thông báo vi phạm của nước nhập khẩu cũng như tình trạng các lô hàng không đáp ứng yêu cầu kiểm dịch, an toàn thực phẩm đang cảnh báo về công tác quản lý vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu. Nếu tình trạng vi phạm này kéo dài, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đối với các ngành hàng xuất khẩu, làm mất uy tín của hàng nông sản Việt Nam, thậm chí có thể đánh mất thị trường đã phải mất rất nhiều công sức, thời gian và nguồn lực để mở cửa.
Ông Hoàng Khánh Duy, Phó Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn) cho biết, Trung Quốc ngày càng nâng cao yêu cầu đối với chất lượng các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là đối với hoạt động kiểm soát sinh vật gây hại trên các mặt hàng này.
Trong quá trình kiểm hoá, khi phát hiện một trường hợp có sinh vật gây hại trên mặt hàng, phía nước bạn xử lý rất nặng, yêu cầu toàn bộ lô hàng phải quay đầu về Việt Nam, đôi khi còn dừng nhập khẩu mặt hàng này trong một thời gian dài, như tiền lệ đã có mặt hàng quả ớt của Việt Nam.
Đại diện UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết tại toàn bộ các cửa khẩu, đều đã chỉ đạo bố trí đầy đủ các lực lượng chức năng để thực hiện thủ tục thông quan hàng hoá, trong đó có các trạm kiểm dịch thực vật (KDTV) cửa khẩu trực thuộc Chi cục KDTV vùng VII (Cục BVTV) trực tiếp làm công tác chuyên môn nghiệp vụ và đều được bố trí địa điểm thuận lợi để thực hiện công tác kiểm tra, giám định KDTV…
Khi nhận được thông báo của các trạm KDTV về việc phát hiện thấy đối tượng KDTV của Trung Quốc cần phải xử lý (như chọn lọc, thải loại, yêu cầu quay về tiêu thụ nội địa), Trung tâm Quản lý cửa khẩu (đơn vị trực thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn) là đầu mối phối hợp với các lực lượng chức năng tại cửa khẩu tạm dừng thông quan lô hàng, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các trạm kiểm dịch thực vật cửa khẩu thực hiện tốt công tác chuyên môn nghiệp vụ theo đúng quy định của pháp luật.
Khi có các lô hàng bị Trung Quốc trả về (nguyên nhân có thể do không có sự thống nhất giữa các doanh nghiệp của Việt Nam và Trung Quốc hoặc không đạt tiêu chuẩn yêu cầu xuất khẩu hoặc các lô hàng bị Trung Quốc thông báo vi phạm trả về), Trung tâm Quản lý cửa khẩu là đầu mối thông báo kịp thời đến các lực lượng chức năng cửa khẩu để phối hợp, hướng dẫn doanh nghiệp cách xử lý, đồng thời tuyên truyền để các doanh nghiệp khắc phục và hạn chế vi phạm đối với các lô hàng tiếp theo.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra tại 6 cửa khẩu (Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, cửa khẩu quốc tế Ga đường sắt Đồng Đăng, cửa khẩu song phương Chi Ma và các cửa khẩu phụ Tân Thanh, Cốc Nam, Na Hình). Các cửa khẩu xuất khẩu nông sản, hoa quả chính là Hữu Nghị, Tân Thanh, Cốc Nam. Lượng phương tiện chở hàng hóa thông quan qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh trung bình đạt khoảng 1.100 lượt xe/ngày (trong đó hàng xuất khẩu khoảng 350 lượt xe/ ngày), cao điểm lên tới trên 1.200 lượt xe/ngày (trong đó hàng xuất khẩu khoảng 500 lượt xe/ngày).
Sẽ áp dụng biện pháp mạnh để quản lý
Thứ trưởng Hoàng Trung cho biết, Bộ NN-PTNT đã đề xuất với Chính phủ xây dựng 2 nghị định, một nghị định về quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói rau quả, trái cây phục vụ xuất khẩu; một nghị định quy định xử phạt hành chính đối với những hành vi phạm các quy định về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.
Bộ Tư pháp đang hướng dẫn Bộ NN-PTNT triển khai xây dựng và sớm trình Chính phủ dự thảo 2 nghị định này. Bộ NN-PTNT giao Cục Trồng trọt làm đầu mối xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể đối với từng mặt hàng rau quả, trái cây để đảm bảo khi thu hoạch sản phẩm phải đạt chất lượng cao nhất, trước hết là phục vụ người tiêu dùng trong nước cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu.
“Bộ NN-PTNT sẽ áp dụng các biện pháp mạnh để siết chặt công tác quản lý để tới đây, tất cả các mặt hàng nông sản nếu được thu mua từ những khu vực có mã số vùng trồng phải đảm bảo chất lượng, không bị nhiễm vi sinh vật gây hại, không vi phạm về an toàn thực phẩm và được chuẩn hóa về bao bì mẫu mã”, Thứ trưởng Hoàng Trung cho biết.
Bên lề hội nghị, bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho biết, các doanh nghiệp làm ăn chân chính rất mong sớm có chế tài, minh bạch hóa các mã số cơ sở đóng gói, mã số vùng trồng.
“Tôi rất đồng tình với các chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung. Chúng ta cần có một cơ sở dữ liệu công khai, minh bạch về các mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Không thể chỉ vì cái lợi nhỏ nhặt, cá nhân mà đánh mất uy tín của cả một ngành hàng”, bà Vy kiến nghị.
Trong khi đó, ông Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn khẳng định, chủ trương nhất quán của tỉnh Lạng Sơn là luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa.
“Với tinh thần và quyết tâm tập trung phát triển kinh tế, thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục triển khai nghiêm túc, đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đấy hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại biên giới với Quảng Tây (Trung Quốc), trong đó sẽ tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt đến hàng hóa là nông sản Việt Nam xuất khẩu”, ông Quỳnh cho biết.
Trong 8 tháng đầu năm 2023 (từ 1/1/2023 - 17/8/2023), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu mở tờ khai tại Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn đạt hơn 3,5 tỷ USD (kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1.951 triệu USD; kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 1.556 triệu USD).
Trong đó, xuất khẩu mặt hàng nông sản hoa quả qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn đạt khoảng 1,6 triệu tấn, trị giá khoảng 1,2 tỷ USD. Một số mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực như: Thanh long đạt 390.000 tấn, trị giá 110 triệu USD; sầu riêng đạt 215.000 tấn, trị giá 650 triệu USD; mít đạt 250.000 tấn, trị giá 90 triệu USD; xoài đạt 185.000 tấn, trị giá 40 triệu USD; vải tươi đạt 37.000 tấn, trị giá khoảng 5,5 triệu USD; dưa hấu đạt 120.000 tấn, trị giá 30 triệu USD; chuối đạt 25.000 tấn, trị giá 5 triệu USD.