400 vùng trồng sầu riêng đang chờ Hải quan Trung Quốc kiểm tra. Hàn Quốc giảm nhập khẩu cao su từ Việt Nam. 3 sản phẩm điều của Bình Phước được phân hạng OCOP 5 sao. Tạm giữ phương tiện chở cát lậu. Giá cà phê vượt mốc 60.000 đồng/kg.
400 vùng trồng sầu riêng đang chờ Hải quan Trung Quốc kiểm tra
Cục Bảo vệ thực vật cho biết, đơn vị vừa nhận được văn bản của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) thông báo kết quả xét duyệt hồ sơ khắc phục của các mã số vùng trồng, cơ sở sầu riêng không đạt ở lần kiểm tra trực tuyến tháng 1/2023. Kết quả có 47 trong tổng số 51 vùng trồng và 18 cơ sở đóng gói đạt yêu cầu và được GACC cấp mã số. Hồ sơ khắc phục của 4 vùng trồng chưa đạt yêu cầu là do hồ sơ gửi chưa đủ thông tin, hình ảnh không rõ nét nên phía bạn không đánh giá được sự cải thiện, tải tiến. Như vậy, đến nay Việt Nam đã có 293 vùng trồng và 115 cơ sở đóng gói đã được phía Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu chính thức sang thị trường này. Hiện tại, Cục BVTV đang làm việc với GACC để thống nhất lịch kiểm tra trực tuyến đợt tiếp theo cho khoảng 400 vùng trồng và 60 cơ sở đóng gói sầu riêng đã gửi cho phía Bạn. Sau khi thống nhất được lịch trình và nội dung kiểm tra, Cục sẽ thông báo cho các địa phương để chủ động chuẩn bị, phối hợp với Cục và GACC triển khai theo kế hoạch của phía Bạn.
HÀN QUỐC GIẢM NHẬP CAO SU TỪ VIỆT NAM
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cao su Việt Nam sang Hàn Quốc đạt gần 12,5 nghìn tấn, trị giá 18,9 triệu USD, tăng 5,6% về lượng, nhưng giảm 15% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá xuất khẩu bình quân đạt 1.517 USD/tấn, giảm 19,5% so với cùng kỳ.
Theo Cơ quan Hải quan Hàn Quốc, hiện Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc, Việt Nam và Nhật Bản là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho nước này.
Trong đó, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 4 cho xứ sở kim chi.
Tại thị trường Hàn Quốc, thị phần cao su của Việt Nam đang bị thu hẹp so với cùng kỳ năm 2022, trong khi thị phần cao su của Indonesia, Trung Quốc, Philippines, Campuchia, Đức… tăng so với cùng kỳ.
3 SẢN PHẨM ĐIỀU CỦA BÌNH PHƯỚC ĐƯỢC PHÂN HẠNG OCOP 5 SAO
“Hạt điều rang muối”, “Hạt điều nguyên vị” và “Hạt điều nhân trắng” là những sản phẩm đặc trưng của “thủ phủ” điều Bình Phước vừa được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Trung ương năm 2023 công nhận “OCOP 5 sao”.
Sản phẩm hạt điều được xét chọn đợt này là một trong số 19 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm được Hội đồng đánh giá cấp Trung ương công nhận OCOP 5 sao.
Đây là lần đầu tiên tỉnh Bình Phước có sản phẩm được công nhận OCOP 5 sao cấp quốc gia.
Bình Phước hiện là “thủ phủ” điều của cả nước khi chiếm hơn 50% diện tích và hơn 50% sản lượng điều của Việt Nam. Cây điều của Bình Phước đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ bảo hộ chỉ dẫn địa lý trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
TẠM GIỮ PHƯƠNG TIỆN CHỞ CÁT LẬU
(Lê Bình, hình CSB gửi)
Ngày 23/5, lực lượng chức năng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã tạm giữ tàu thủy nội địa số hiệu HD-2476 vận chuyển khoảng 200 mét khối cát không rõ nguồn gốc để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, vào khoảng 1h00p ngày 23/5, tàu trên bị lực lượng chức năng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 phát hiện và tiến hành kiểm tra trên khu vực biển cách Cửa Hàm Luông, tỉnh Bến Tre.
Tại thời điểm kiểm tra, trên phương tiện có 6 thuyền viên do ông Vũ Văn Bảy sinh năm 1979, trú tại Hải Dương làm thuyền trưởng. Theo lời khai ban đầu của ông Bảy, trên phương tiện trên đang chở khoảng 200 mét khối cát nhưng không có giấy tờ chứng minh hợp pháp theo quy định của pháp luật.
GIÁ CÀ PHÊ VƯỢT MỐC 60.000 ĐỒNG/KG
Giá cà phê hôm nay 24/5 ở trong nước dao động từ 60.700 – 61.300 đồng/kg, tăng từ 900 - 1.000 đồng/kg, giúp giá cà phê đạt mức kỷ lục trong nhiều năm.
Trong đó tại tỉnh Đắk Nông, cà phê được thu mua với giá cao kỷ lục 61.300 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg.
So với cùng kỳ tuần trước, giá cà phê ở thị trường trong nước tăng mạnh đột biến hơn 6.000 đồng/kg
Các chuyên gia dự báo các tháng tiếp theo, xuất khẩu cà phê của nước ta vẫn thuận lợi khi nhu cầu tăng trong khi nguồn hàng trên thế giới không mấy được cải thiện.