Sáng 10/11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý việc phòng chống dịch phải hết sức tiết kiệm vì nước ta đang rất khó khăn.
Ông cho biết Thủ tướng đã giao Thanh tra Chính phủ, Quốc hội cũng giao cho Kiểm toán Nhà nước trong năm 2022 sẽ thanh tra, kiểm toán rất sâu về chuyên đề huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng chống dịch để ngăn chặn câu chuyện lợi ích nhóm trong lĩnh vực này.
"Đề nghị Bộ Y tế với trách nhiệm quản lý Nhà nước cần tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát nội bộ trong ngành để hướng dẫn anh em làm đúng, ngăn chặn kịp thời, còn khi các cơ quan vào cuộc chúng ta phải xử lý", ông Vương Đình Huệ nói.
Trước đó, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) nêu tình trạng hàng loạt cán bộ y tế vướng vòng lao lý khi sai phạm trong vấn đề đấu thầu và mua bán thuốc, từ đó ông đặt câu hỏi về vai trò chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của Bộ Y tế với vai trò là quản lý lĩnh vực nhất là trong thời gian khi Nghị quyết 30 với hàng loạt cơ chế đặc thù sẽ có hiệu lực.
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết đây là những vụ việc “hết sức đau lòng”. Nhìn nhận về nguyên nhân, ông Long cho rằng một phần do cơ chế, do sự hướng dẫn và đặc biệt những vi phạm này mang tính cá nhân. Ông lấy ví dụ về quy định về đấu thấu đã có cụ thể nhưng sai phạm vẫn xảy ra.
Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đã tranh luận về sai phạm kinh tế tại bệnh viện khiến hàng loạt bác sĩ vào vòng lao lý. Ông cho rằng phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long về những giải pháp chưa thật sự thỏa đáng.
Thứ nhất, về giải pháp phân quyền cho một cấp phó chuyên phụ trách về kinh tế, đại biểu cho rằng dù có phân công cho cấp phó nhưng nếu có sai phạm người đứng đầu vẫn phải chịu trách nhiệm. Do vậy có thể người đứng đầu vẫn bị sai phạm trong “vô thức”.
Về trách nhiệm của cơ quan quản lý, đại biểu Cường cho rằng theo quy định hàng năm cơ quan chức năng của cơ quan chủ quản, cơ quan kiểm toán, thanh tra đều phải duyệt quyết toán đối với phần vốn ngân sách, còn hoạt động về vốn của đơn vị tự quyết định phải kiểm tra báo cáo tài chính.
“Những cơ quan này có chuyên môn về quản lý kinh tế mà còn không phát hiện sai phạm vậy làm sao những giáo sư, bác sĩ chỉ biết đọc bệnh án phát hiện được”, đại biểu Hà Nội nêu vấn đề và ông hỏi cơ quan công an, kiểm soát liệu có bỏ sót tội phạm hay không.
Trả lời phần tranh luận của đại biểu Hoàng Văn Cường, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết quy định của Đảng, người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm khi sai phạm xảy ra trong đơn vị của mình. Nếu đơn vị xảy ra sai phạm dù trực tiếp hay gián tiếp thì người đứng đầu vẫn phải chịu trách nhiệm.
Bộ trưởng Y tế cũng cho biết cơ quan này chịu trách nhiệm chỉ đạo về chuyên môn, kỹ thuật trên cả nước. Vấn đề kiểm tra, tài chính, mua sắm, đấu thầu thanh tra kiểm tra là trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành phố quản lý.
Mặt khác, Bộ Y tế cũng tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra liên ngành nhưng chỉ về mặt chuyên môn. Trước những sai phạm xảy ra trong thời gian qua, cơ quan này cũng đã chủ động có văn bản nhắc nhở các địa phương, các đơn vị trực thuộc tăng cường kiểm tra, giám sát và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật.