Chuyển đổi số để xây dựng thành phố thông minh
Hà Nội là địa phương có nhiều khu đô thị được quy hoạch thông minh. Song, Hà Nội đang chịu áp lực không nhỏ trong giải bài toán xây dựng thành phố thông minh để phát triển kinh tế - xã hội xứng tầm Thủ đô. Hà Nội đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ, như dân số đông, gia tăng cơ học nhanh chóng; bất cập hạ tầng giao thông, ô nhiễm môi trường và các vấn đề liên quan đến cấp, thoát nước…
Định hướng cho Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh, phát triển đô thị thông minh là thực hiện chuyển đổi số trong phạm vi, quy mô của đô thị nhưng tập trung vào việc giải quyết các vấn đề lớn của đô thị, gồm giao thông, môi trường, năng lượng, xử lý rác thải, bảo đảm an ninh, trật tự đô thị... Để đạt được những nội dung này một cách bài bản thì các yếu tố thông minh phải được xác định, tính toán và đưa vào ngay từ khi quy hoạch đô thị. Với các địa phương, phát triển đô thị thông minh phải bảo đảm gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số tại địa phương, không tách rời, không trùng lặp, tất cả đều hướng đến mục tiêu lấy người dân làm trung tâm.
Ông Trần Ngọc Linh, Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng cho rằng, việc xây dựng đô thị thông minh phải bắt nguồn từ việc quy hoạch đô thị, từ đó, xây dựng cách thức quản lý đô thị thông minh, tiến tới cung cấp các dịch vụ tiện ích, thông minh. Đến thời điểm này, cả nước có 48/63 tỉnh, thành phố đã, đang xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh.
Chuyển đổi số gắn với thực tiễn cuộc sống người dân
Tính riêng công tác chuyển đổi số, thời gian qua, Hà Nội đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của Thủ đô, xứng đáng là địa phương dẫn đầu cả nước trong việc triển khai Quyết định 06/QĐ-TTg năm 2022 về Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Cụ thể, TP. Hà Nội đã thu nhận và được phê duyệt cấp tài khoản định danh mức 1 và mức 2 là 6.369.117 trường hợp (đạt 106,4%), đã kích hoạt 5.584.946 tài khoản định danh mức 1 và mức 2 (đạt 93,3%). Việc xây dựng hệ sinh thái, dữ liệu dùng chung, làm sạch dữ liệu dân cư, các nhóm dữ liệu, đảm bảo tiêu chí "đúng, đủ, sạch, sống”.
Để hướng tới mục tiêu sử dụng mã số định danh cá nhân làm mã số thuế, nhằm bảo đảm đồng bộ dữ liệu về thuế với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Thuế Hà Nội đã hoàn thành 99,9% việc triển khai rà soát, chuẩn hóa dữ liệu mã số thuế cá nhân.
Ngoài ra, Thành phố cũng chỉ đạo các cơ sở y tế, bệnh viện sử dụng thẻ Căn cước công dân gắn chip tích hợp Bảo hiểm Y tế trong khám chữa bệnh. Đã có trên 7 triệu người có thẻ Bảo hiểm Y tế trên địa bàn thành phố được đồng bộ dữ liệu, sử dụng Căn cước công dân để đi khám chữa bệnh. Các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn đã tiếp đón hơn 4,6 triệu lượt khám chữa bệnh bằng Căn cước c Căn cước công dân gắn chip thay thế thẻ Bảo hiểm Y tế.
Sau khi được triển khai tại các cửa hàng kinh doanh, thanh toán không tiền mặt cũng dần được đưa vào các chợ truyền thống. Chính quyền địa phương phối hợp với các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp viễn thông khai trương các mô hình “chợ thông minh 4.0” tại hàng loạt các chợ trên địa bàn quận, huyện của TP. Hà Nội.
Để thúc đẩy hơn nữa quá trình chuyển đổi số của Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải yêu cầu các cấp chính quyền cần đẩy mạnh phát triển 4 sẵn sàng tới từng người dân nhằm lan tỏa sâu rộng hơn nữa quá trình chuyển đổi số. Cụ thể là: Điện thoại sẵn sàng kết nối mạng, tích hợp VNeID và iHanoi; định danh điện tử và đăng ký tài khoản ngân hàng; sẵn sàng kỹ năng sử dụng công nghệ và an toàn thông tin; sẵn sàng học hỏi và không ngừng đổi mới sáng tạo.