| Hotline: 0983.970.780

Siết chặt quản lý đất đai, ngăn đầu cơ trục lợi

Thứ Sáu 01/04/2022 , 10:19 (GMT+7)

QUẢNG NINH Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh như vậy tại Kỳ họp thứ 7 (kỳ họp chuyên đề), HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Phát biểu tại bế mạc Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV, ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh, cho biết sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, dịch COVID-19 trong cả nước nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng có diễn biến phức tạp, nhưng với sự chủ động tiêm mũi 3 cho những người đủ điều kiện, bảo đảm tuyệt đối an toàn, đạt tỷ lệ bao phủ cao nhất và sớm nhất cả nước.

Vì vậy, đến nay mặc dù đã ghi nhận hơn 300.000 ca nhiễm COVID-19 trên địa bàn tỉnh, song 99,5% các ca bệnh đều có triệu chứng nhẹ và không triệu chứng, số ca tử vong chỉ chiếm từ 0,023 - 0,04% số ca mắc, thấp hơn rất nhiều lần so với tỷ lệ chung của cả nước. Toàn tỉnh vẫn cơ bản kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, chăm lo bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo đảm ổn định đời sống kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh, phát biểu bế mạc Kỳ họp

Ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh, phát biểu bế mạc Kỳ họp

Với mức tăng trưởng kinh tế GRDP quý I/2022 do Tổng Cục Thống kê thông báo ước đạt 8,01%, mặc dù chưa đạt kịch bản kỳ vọng đặt ra, nhưng là mức cao so với bình quân chung cả nước. Tốc độ thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt và vượt mục tiêu kịch bản đề ra, tổng thu ước đạt 12.550 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ, trong đó thu nội địa ước đạt 9.700 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ. Ngành du lịch bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng trong 2 năm do đại dịch COVID-19 gây ra đang có tín hiệu phục hồi tích cực.

Khiếu kiện về đất đai còn tiềm ẩn phức tạp

Bên cạnh những kết quả tích cực, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cũng thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế, tồn tại, yếu kém cần sớm tập trung khắc phục đó là: Dư địa tăng trưởng còn rất lớn, song tốc độ tăng trưởng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, khu vực dịch vụ, khu vực công nghiệp và xây dựng đều không đạt kịch bản đề ra.

Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công ở cả cấp tỉnh và cấp huyện, cấp xã có chuyển biến nhưng vẫn ở tỷ lệ thấp, phân bổ một số nguồn vốn không đạt tiến độ đề ra; công tác chuẩn bị đầu tư còn nhiều lúng túng, thiếu sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan, địa phương trong tháo gỡ các vướng mắc về mặt bằng, đất san lấp, thủ tục pháp lý. Tình hình khiếu kiện trong nhân dân liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng ở một số nơi vẫn còn tiềm ẩn phức tạp.

Để hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, mục tiêu năm 2022 đã đề ra, nhất là thực hiện có hiệu quả chủ đề công tác năm; chỉ tiêu tăng trưởng GRDP trên 10%, thu hút FDI 6 tháng đầu năm thu hút khoảng 2 tỷ USD, thu hút khoảng 10 triệu lượt khách du lịch, có 4 địa phương cấp huyện và tỉnh Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đề nghị các sở ngành, địa phương luôn luôn tích cực, chủ động có các phương án, biện pháp phù hợp, linh hoạt, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.

"Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là thực hiện các chủ trương của Tỉnh ủy, Nghị quyết của HĐND tỉnh, kế hoạch của UBND tỉnh để vừa thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh COVID-19, vừa bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững đà tăng trưởng hai con số; tuyệt đối không chủ quan, tự mãn, lơ là, mất cảnh giác với phòng chống dịch bệnh, nhưng cũng không hoang mang, lo sợ, thiếu niềm tin trong phòng chống dịch và thực hiện mục tiêu kép. Xây dựng kế hoạch, khẩn trương thực hiện thành công việc tiêm cho trẻ em từ 5-11 tuổi bảo đảm tuyệt đối an toàn", ông Ký nhấn mạnh..

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, rà soát phát hiện, chấn chỉnh kịp thời các sai phạm, vi phạm, thực hiện tốt hơn nữa công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; khắc phục các điểm nghẽn, vướng mắc, khâu chậm trễ, kéo dài trong điều hành, tổ chức thực hiện để tăng cường trách nhiệm người đứng đầu, nói đi đôi với làm, quyết liệt trong hành động, làm đến cùng, làm dứt điểm và đo đếm được kết quả, hiệu quả; tạo động lực thúc đẩy phát triển.

Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, hệ số sử dụng đất, tỷ lệ lấp đầy, hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường của các khu công nghiệp, khu kinh tế. Tạo điều kiện tốt nhất để ngành Than, ngành Điện tận dụng các cơ hội thị trường để tăng cường các nguồn lực cho đầu tư, phát triển hợp lý, bền vững, tăng tối đa sản lượng đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và đóng góp hiệu quả vào tăng trưởng và tăng thu ngân sách của địa phương. Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mở cửa, thu hút khách du lịch đến Quảng Ninh năm 2022 trong mùa hè và tận dụng cơ hội Quảng Ninh đăng cai tổ chức 7 môn thi đấu trong SEA Games 31, lễ hội Carnaval Hạ Long, lễ hội áo dài, áo tắm, Liên hoan Xiếc quốc tế…

Siết chặt quản lý đất đai

Bên cạnh những vấn đề nêu trên, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký yêu cầu phải quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai và các nguồn lực tài nguyên thiên nhiên.

Tiến hành rà soát, kiểm tra thủ tục pháp lý của tất cả các dự án đầu tư có sử dụng đất, đất mặt nước biển, bãi triều, ao đầm… tại tất cả các địa bàn, nhất là dọc theo các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, liên huyện, liên xã, đặc biệt là đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, đường ven sông tốc độ cao Quảng Yên - Đông Triều, đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái.

Ngăn chặn tình trạng lợi dụng việc lập quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để hợp thức hóa các sai phạm, đầu cơ trục lợi, để đất hoang hóa, sử dụng đất lãng phí. Tăng cường quản lý nhà nước đối với công tác xác định giá đất, đấu giá đất. Tiếp tục rà soát, xử lý các dự án đầu tư có sử dụng đất, mặt nước chậm tiến độ, vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh và công tác giao đất, cho thuê đất, quản lý đối với đất rừng, đất nuôi trồng thủy sản của hộ gia đình, cá nhân.

Tăng cường kiểm soát các hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển, tập kết, kinh doanh than, kinh doanh xăng dầu; hoạt động khai thác đất, cát san nền, hạn chế việc cấp mỏ đất san nền tại khu vực thành phố Hạ Long, Cẩm Phả làm suy giảm diện tích rừng và phá vỡ địa hình, cảnh quan tự nhiên.

Tiếp tục chăm lo bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội. Quan tâm, chăm lo phát triển giáo dục, đào tạo, y tế nhất là ở các xã vùng miền núi, biên giới, biển đảo, y tế dự phòng và y tế cơ sở. Chú trọng đào tạo nghề, gắn với chuyển đổi cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập ổn định cho nhân dân vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Khẩn trương triển khai Đề án phát triển nhà ở công nhân, nhà ở cho công nhân lao động ngành Than và khu công nghiệp, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng về làm việc, sinh sống tại Quảng Ninh.

Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; giữ vững sự ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia. Phòng chống buôn lậu, gian lận  thương mại nhất là đối với mặt hàng than, xăng dầu.

Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong đối thoại, tiếp công dân, giải quyết dứt điểm khiếu nại, tố cáo, các kiến nghị, phản ánh chính đáng của nhân dân, đặc biệt là công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, tái định cư. Rà soát, giải quyết thấu đáo, dứt điểm các kiến nghị của cử tri, nhân dân, nhất là các kết luận, kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán của các cơ quan chức năng, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn của HĐND tỉnh.

Xem thêm
Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chiều 2/5, Quốc hội thống nhất miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV với ông Vương Đình Huệ.

Chủ động với các kiểu thiên tai nguy hiểm giai đoạn chuyển mùa

Bến Tre Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre có công văn yêu cầu chủ động phòng tránh, ứng phó các kiểu thiên tai giai đoạn chuyển mùa.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

'Vườn treo' Nậm Pồ: Nghị quyết hồi sinh vùng đất khó

Khu nhà màng trồng rau trải dài theo những ngọn đồi nhấp nhô, từng bị bỏ hoang, nay trở thành nguồn cung cấp rau xanh cho hơn 16.000 học sinh của huyện.