Tiên trách kỷ, hậu trách nhân
"Ông bà ta có những câu rất hay, đó là phải biết nhận trách nhiệm, tự ý thức rằng mình đã làm tốt chưa. Các cụ nói “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Chúng ta phải gác tay lên trán mà ngẫm xem mình đã thật sự làm hết sức, hết khả năng chưa. Nhiều khi chúng ta cứ đổ tại do vấn đề này kia, do biên giới khó khăn... nhưng sự thực không phải thế”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Tại Hội nghị triển khai xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, diễn ra tại trụ sở Bộ NN-PTNT chiều 12/9, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh đến “hệ sinh thái sầu riêng”, với sự tham dự của nhiều cơ quan quản lý, doanh nghiệp, đại diện nông dân, hợp tác xã.
Người đứng đầu ngành nông nghiệp khẳng định sầu riêng là ngành hàng còn nhiều tiềm năng, song cũng cần lưu ý những rủi ro, đặc biệt là rủi ro từ nội địa.
Ông Hoan lưu ý về câu chuyện vú sữa Lò Rèn ở Tiền Giang, một thời từng được xuất khẩu sang Mỹ. “Tôi nhớ hồi đó, truyền thông ca ngợi nhiều, coi đó là điểm sáng của ngành nông nghiệp bởi thị trường Mỹ còn khó tính hơn nhiều so với Trung Quốc. Nhưng bây giờ thì sao? Cây vú sữa Lò Rèn chỉ còn lác đác trong vườn của vài nông dân để làm kỷ niệm. Người ta trồng để nhớ về một thời có loài cây như thế từng sang Mỹ”.
Quay lại về vấn đề sầu riêng, Bộ trưởng Hoan nhấn mạnh Nghị định thư xuất khẩu mặt hàng này có được sau “4 năm vất vả, trăn trở” và thậm chí còn có những đánh đổi nhất định trong thương mại song phương.
“Chúng ta hôm nay mang tâm thế của những người sắp vươn xa, mà muốn vươn xa thì phải đi cùng nhau. Song, khi lợi ích không được minh bạch, công khai, thì rất khó vươn xa. Tôi rất kỳ vọng chúng ta làm được nhiều điều lớn hơn”.
Theo ông Hoan, các nước như Malaysia hay Thái Lan, vốn đang chiếm thị phần sầu riêng rất lớn ở Trung Quốc, sẽ “không đi nếm thử sầu riêng Việt Nam ngon hơn, ngọt hơn hay không”, mà xem xét cách chúng ta triển khai xuất khẩu.
Bộ trưởng nhấn mạnh việc Việt Nam đang có loại trái cây đặc biệt, song song để đẩy mạnh giá trị của nó, thì cần dựa vào hệ sinh thái gồm những người làm trong ngành hàng này. Đó mới là yếu tố tiên quyết tạo nên sức sống của sầu riêng ở thị trường hơn 1,4 tỷ dân.
Để có được điều đó, cần sự đoàn kết giữa nông dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý. Tránh tư duy chen chúc, giành giật nhau như ở ngã tư đường.
“Có người ở Bộ Công thương nhắn tôi, cần kỷ luật, cần siết chặt quản lý, chứ không thể cứ mãi vuốt ve nông dân. Tôi nghĩ chúng ta đang vừa dùng kỷ luật, vừa dùng sự vỗ về. Nhưng tiến tới phải siết chặt, bảo vệ cho quyền lợi của những người làm ăn chân chính”.
Đừng tiếc quảng bá, đừng tiếc xây dựng niềm tin
Để phát triển hệ sinh thái sầu riêng, tiến tới xây dựng hệ sinh thái các ngành hàng khác theo hướng kinh tế nông nghiệp, Bộ trưởng Hoan gợi ý các doanh nghiệp, nông dân về một ngôi làng trồng xà lách ở Nhật Bản.
“Chỉ từ ý thức của từng nông dân trong cộng đồng làng, họ tạo nên thương hiệu cây xà lách, chứ không chỉ dựa thuần túy vào những ưu ái của thiên nhiên. Họ trồng theo nền nông nghiệp trách nhiệm, nông nghiệp chính xác, tạo ra giá trị vượt trội. Giờ đây, họ đang có mặt ở Đà Lạt, vì có những mùa họ không trồng được. Đó là điều chúng ta cần suy nghĩ”.
Điều đó đối lập với tư duy của một số thương lái hay nông dân Việt Nam, vốn lâu nay có phần dễ dãi. Từ trồng trọt, đến chăn nuôi, ăn uống. Bán buổi sáng không được thì bán buổi chiều. Bán xa không được thì bán gần. Xuất khẩu không được thì gắn biển giải cứu nông sản. “Cứ luẩn quẩn thế rồi cũng xong. Nhưng chúng ta không thể mãi đi theo nền nông nghiệp mù mờ như vậy”.
Với trường hợp cụ thể về sầu riêng, Bộ trưởng Hoan cho rằng hình ảnh hệ sinh thái sầu riêng quan trọng hơn trái sầu riêng đơn lẻ. Bởi lẽ, hệ sinh thái từ trồng, chăm sóc, sơ chế, đóng gói mới mang lại giá trị, mang lại thương hiệu sầu riêng Việt Nam, khẳng định vị thế trái cây Việt Nam.
Minh chứng cho điều này là những nông dân đang thành công với nhãn hữu cơ ở Hưng Yên. “Ban đầu họ cũng khó, cũng khổ lắm chứ. Nhưng họ nhìn xa, họ biết tạo ra giá trị của hệ sinh thái. Một nghề cho chín còn hơn chín nghề, chúng ta phải làm thật tốt từng khâu nhỏ đã”.
Lấy ví dụ cho tư duy chụp giật, ông Hoan nói về việc một số thương lái đem cam ở Cao Phong, Hòa Bình đem trộn với cam ở Vinh, khi biết cam Vinh lên giá.
“Chúng ta phải hướng tới 5 năm, 10 năm nữa, và các thị trường khác nữa. Hãy trút hết mình vào đó, có thể còn khó khăn, song sẽ thành công lâu dài. Đừng tiếc phải chi tiền quảng bá, đừng tiếc xây dựng niềm tin cộng đồng trách nhiệm giữa doanh nghiệp với nông dân, dưới sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước”, Bộ trưởng Hoan nói.