Bà Nguyễn Thị Hà, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 7 cho biết, cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn hiện có 2 container hàng sầu riêng dạng quả tươi của Công ty TNHH An Khang, địa chỉ đăng ký kinh doanh tại 28 Nam Quan Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn.
Theo bà Hà, 2 container hàng này chưa có giấy ủy quyền của vùng trồng được phía Trung Quốc phê duyệt hôm 7/9, nên không đạt điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc.
“Hiện sầu riêng ở các container được bảo quản lạnh nên chưa lo hỏng trong vòng 5-10 ngày tới. Khi nào Công ty An Khang có đầy đủ giấy tờ ủy quyền, kèm thêm xác nhận của Cục Bảo vệ thực vật, cán bộ kiểm dịch vùng 7 sẽ lập tức tạo điều kiện cho lô hàng thông quan”, bà Hà nói.
Mã số vùng trồng của lô hàng sầu riêng này, theo giấy tờ do Công ty An Khang cấp, là VN-ĐLOR-0071. Đối chiếu trên Hệ thống đăng ký do Tổng cục Hải quan Trung Quốc quản lý, vùng trồng này nằm tại xã Ea Yông, huyện Krông Pắc, tỉnh Đăk Lăk.
VN-ĐLOR-0071 là một trong số 16 mã số vùng trồng của HTX Cây ăn trái Krông Pắc, địa chỉ thôn Tân Đông, xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc, tỉnh Đăk Lăk.
Trong Công văn số 05 được HTX gửi đi ngày 8/9/2022, ông Lê Minh Tâm - Giám đốc HTX - cho biết, hiện chưa ủy quyền cho đơn vị nào để sử dụng mã số vùng trồng xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc.
Để phục vụ xuất khẩu lô hàng đầu tiên, thời gian tới HTX sẽ triển khai ký kết với các đơn vị xuất khẩu theo hướng dẫn của Cục Bảo vệ thực vật, đồng thời làm văn bản thông báo đến Cục về việc ủy quyền sử dụng mã số cho đơn vị đối tác.
Ngày 11/7/2022, Bộ NN-PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Sau thời gian gần hai tháng đánh giá toàn diện vùng trồng, cơ sở đóng gói, kết hợp kiểm tra video và xem xét tài liệu, Trung Quốc thông báo 51 mã số vùng trồng và 25 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam được phép xuất khẩu.
Sầu riêng là loại quả cho giá trị kinh tế cao. Sau khi được Trung Quốc đồng ý nhập khẩu chính ngạch, giá sầu riêng liên tục tăng. Điều này làm dấy lên nguy cơ về tình trạng mạo danh và tự ý lấy mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để làm thủ tục, hồ sơ xuất khẩu sang Trung Quốc.
Liên quan tới vấn đề này, hai doanh nghiệp đã gửi công văn tới Cục Bảo vệ thực vật cùng các cơ quan quản lý liên quan. Đó là: Công ty CP Thương mại Xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn, địa chỉ tại Km 23 Quốc lộ 26 thôn Tân Mỹ, xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc, tỉnh Đăk Lăk; và Công ty TNHH Thương mại Nông sản Thiện Tâm, địa chỉ tỉnh lộ 868, ấp Bình Thanh, xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
Bằng văn bản, cả hai công ty đều cho biết, chưa ký kết hợp đồng mua bán cũng như ủy quyền cho đơn vị nào để sử dụng xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc.
Để phục vụ cho việc xuất khẩu lô hàng sầu riêng đầu tiên sang Trung Quốc, doanh nghiệp đề nghị Cục Bảo vệ thực vật, Chi cục Bảo vệ thực vật địa phương, cùng các cơ quan hữu quan hỗ trợ kiểm soát việc sử dụng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói.