Trong phiên tòa này, “Siêu lừa” Huyền Như thừa nhận nội dung bản án sơ thẩm nêu hành vi chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng của 3 ngân hàng, 9 công ty và 3 cá nhân của bị cáo là đúng.
Bị cáo Như cũng thừa nhận tiền của khách hàng khi chuyển vào tài khoản đều được hạch toán trong hệ thống Ngân hàng Vietinbank nhưng không nhớ tiền của khách hàng được hạch toán vào thời điểm nào.
Trả lời nội dung này, đại diện Vietinbank cho rằng, tiền gửi của khách hàng được hạch toán ngay khi chuyển tiền vào tài khoản của Vietinbank và phát sinh các nghĩa vụ của ngân hàng.
“Trước khi các bị cáo lập các lệnh chi giả để chiếm đoạt tiền của các đơn vị trong vụ án thì tiền của các tổ chức, cá nhân bị cáo đang định chiếm đoạt đang ở đâu?”, đại diện VKS hỏi. Bị cáo Huyền Như: “Đang trên tài khoản của khách hàng mở tại Vietinbank”.
“Những khoản tiền đó đã được theo dõi hạch toán trên hệ thống sổ sách kế toán của Vietinbank chưa?”. “Theo bị cáo thì lúc đó Vietinbank đã ghi nhận trên sổ sách là có”.
“Tại sao bị cáo lại phải dẫn dụ khách hàng mở tài khoản rồi chuyển tiền vào tài khoản thanh toán của họ mở tại phòng giao dịch Điện Biên Phủ để chiếm đoạt?”. “Vì tiền nằm trong tài khoản thanh toán thì có thể thực hiện các lệnh chi dễ dàng hơn”.
“Vậy các lệnh chi đó có thể hiện trên sổ sách của Vietinbank không?”. “Có”. Bị cáo Như thừa nhận do có ý định lừa đảo tiền của các tổ chức, cá nhân nên mới “dụ” họ chuyển tiền vào tài khoản mở tại Vietinbank để dễ dàng chiếm đoạt.
Tại tòa, đại diện VKS cho biết, giữ nguyên quyết định kháng nghị tăng hình phạt với 2 bị cáo là Võ Anh Tuấn (nguyên Phó Giám đốc Vietinbank – Chi nhánh Nhà Bè) và Đào Thị Tuyết Dung (nguyên Giám đốc Cty TNHH Dung Vân). Bên cạnh đó, bị cáo Lương Thị Việt Yên (tòa sơ thẩm tuyên phạt 7 năm tù về tội “thiếu trách nhiêm gây hậu quả nghiêm trọng”) thay đổi nội dung kháng cáo từ kêu oan sang giảm nhẹ hình phạt. 19 bị cáo còn lại giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.