| Hotline: 0983.970.780

'Phát lộ' nhiều sai phạm trong quản lý và cải cách tại Bộ GD&ĐT

Thứ Bảy 28/12/2024 , 09:43 (GMT+7)

Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều vi phạm, thiếu sót, hạn chế trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp tại Bộ GD&ĐT.

Phát hiện nhiều vi phạm trong phân cấp thủ tục hành chính ở Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: IT. 

Phát hiện nhiều vi phạm trong phân cấp thủ tục hành chính ở Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: IT. 

Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra về trách nhiệm công vụ tại Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) trong giai đoạn từ tháng 6/2021 đến tháng 11/2023. Nội dung kết luận thanh tra chỉ ra hàng loạt hạn chế, thiếu sót trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước. 

Thủ tục hành chính quy định phức tạp, gây phiền hà

Cải cách hành chính, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ GD&ĐT, đã được triển khai theo Nghị quyết 76/NQ-CP của Chính phủ. Bộ đã ban hành hàng chục văn bản chỉ đạo, tổ chức cải cách thủ tục hành chính, áp dụng cơ chế một cửa và triển khai dịch vụ công trực tuyến (dịch vụ công trực tuyến). Tuy nhiên, thực tế triển khai lại không đạt được kết quả như mong đợi.

Cụ thể,  Bộ GD&ĐT đã chậm hoàn thành nhiệm vụ rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính được giao từ năm 2021. Nhiều phương án cải cách đã được phê duyệt nhưng vẫn chưa được thực hiện triệt để, làm trì hoãn tiến trình cải cách hành chính.

Kết quả là không ít thủ tục hành chính vẫn tồn tại những quy định phức tạp, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Chẳng hạn, nhóm thủ tục hành chính liên quan đến việc kiểm định chất lượng giáo dục và tuyển sinh đi học nước ngoài...

Kết luận thanh tra chỉ rõ, việc kiểm soát, loại bỏ hoặc sửa đổi TTHC không phù hợp, phiền hà. 

Kết luận thanh tra chỉ rõ, việc kiểm soát, loại bỏ hoặc sửa đổi TTHC không phù hợp, phiền hà. 

Trong số 37 thủ tục hành chính được công bố trong giai đoạn thanh tra, có tới 24 thủ tục (chiếm 64,87%) bị công bố quá hạn, một số trường hợp kéo dài đến hơn 60 ngày, làm ảnh hưởng đáng kể đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp, giảm hiệu quả của các thủ tục này trong thực tiễn.

Bộ GD&ĐT cũng không công khai đầy đủ thông tin thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia và các hệ thống điện tử của Bộ. 24 thủ tục hành chính đã được công khai quá hạn, trong đó có 9 thủ tục bị chậm từ 30 đến 60 ngày, và 2 thủ tục chậm tới 133 ngày.

Cơ chế một cửa: Đầu mối nhưng chưa liên thông

Một vấn đề nghiêm trọng khác là việc tổ chức và vận hành bộ phận một cửa tại Bộ GD&ĐT không đáp ứng yêu cầu. Cụ thể, Bộ chưa thành lập bộ phận một cửa tại Cục Quản lý Chất lượng để tiếp nhận và xử lý các thủ tục liên quan đến công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam. Điều này vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định số 61/2018/NĐ-CP đã được sửa đổi tại điểm a khoản 3 Điều 1 Nghị định số 107/2021/NĐ-CP.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng không sửa đổi danh mục các thủ tục hành chính tiếp nhận tại bộ phận một cửa khi có sự thay đổi, bổ sung thủ tục. Nhân sự làm việc tại bộ phận một cửa không được phê duyệt đầy đủ danh sách hoặc không làm việc thường xuyên tại đây. Đáng nói hơn, bộ phận một cửa không lắp đặt hệ thống camera giám sát, không công khai đầy đủ danh mục thủ tục và thông tin nhân sự, vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật.

Kết luận thanh tra cũng chỉ ra, việc tổ chức và vận hành bộ phận một cửa tại Bộ GD&ĐT không đáp ứng yêu cầu.

Kết luận thanh tra cũng chỉ ra, việc tổ chức và vận hành bộ phận một cửa tại Bộ GD&ĐT không đáp ứng yêu cầu.

Đặc biệt, bộ phận một cửa không công khai đầy đủ danh mục thủ tục hành chính và thông tin về các cá nhân phụ trách, vi phạm quy định của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP.

Việc giải quyết thủ tục hành chính bị quá hạn nhưng không có văn bản xin lỗi người dân và doanh nghiệp cũng là một trong những vi phạm nghiêm trọng được nêu ra trong kết luận thanh tra…

Số hóa và dịch vụ công trực tuyến chậm chạp

Trong bối cảnh chuyển đổi số đang trở thành xu hướng toàn cầu, Bộ GD&ĐT lại bị đánh giá thấp về hiệu quả triển khai dịch vụ công trực tuyến. Không có thủ tục nào của Bộ đạt tiêu chuẩn dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 hoặc 4 theo quy định của Chính phủ. Phần lớn các dịch vụ được cung cấp chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin, chưa đủ điều kiện để giải quyết thủ tục trực tuyến thực chất.

Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ chưa kết nối đầy đủ với Cơ sở dữ liệu quốc gia và các hệ thống xác thực định danh điện tử. Việc số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính, dù đã được đề ra trong nhiều chương trình cải cách, nhưng đến nay vẫn chưa đạt được mục tiêu. Trong giai đoạn thanh tra, Bộ GD&ĐT không thực hiện được yêu cầu số hóa 40% hồ sơ trong năm 2021 và tăng thêm 20% mỗi năm sau đó. Thay vào đó, Bộ chỉ thực hiện việc quét tài liệu để lưu trữ, thay vì triển khai số hóa đồng bộ và toàn diện.

Thậm chí, Bộ GD&ĐT không xây dựng kế hoạch truyền thông về lợi ích của dịch vụ công trực tuyến, dẫn đến việc người dân và doanh nghiệp vẫn nộp hồ sơ trực tiếp thay vì sử dụng dịch vụ trực tuyến.

Công cụ chưa phát huy hết vai trò

Một vấn đề đáng chú ý khác là việc thiếu thanh tra, kiểm tra nội bộ trong giai đoạn được đánh giá. Bộ GD&ĐT chỉ tổ chức một số cuộc kiểm tra hành chính nhỏ lẻ, không phản ánh hết những hạn chế và vi phạm trong thực tiễn. Kết quả là nhiều bất cập, dù tồn tại trong thời gian dài, vẫn không được phát hiện và khắc phục kịp thời.

Việc xử lý trách nhiệm của cán bộ, công chức trong giải quyết thủ tục hành chính cũng không được thực hiện nghiêm túc. Các trường hợp giải quyết hồ sơ quá hạn, vi phạm quy trình, hoặc thiếu trách nhiệm trong công việc chưa được xử lý triệt để, làm giảm hiệu quả quản lý và điều hành.

Kết luận thanh tra cũng nêu rõ những sai sót trong quản lý các nhóm thủ tục đặc thù như phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nước ngoài, cử đi học nước ngoài, hoặc thành lập trường đại học. Nhiều trường hợp, hồ sơ yêu cầu bổ sung các tài liệu không nằm trong danh mục thành phần hồ sơ theo quy định, kéo dài thời gian xử lý và gây phiền hà cho người dân.

Đặc biệt, Bộ đã không thực hiện xin lỗi người dân, doanh nghiệp khi giải quyết hồ sơ quá hạn, vi phạm quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP.

Những tồn tại được nêu trong kết luận thanh tra không chỉ là những lỗi kỹ thuật đơn thuần, mà còn phản ánh một hệ thống quản lý thiếu đồng bộ, thiếu hiệu quả tại Bộ GD&ĐT. Để khắc phục, Bộ cần khẩn trương rà soát và sửa đổi các quy trình, văn bản pháp luật liên quan. Các giải pháp cải cách hành chính cần được triển khai một cách toàn diện, với sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trong và ngoài Bộ.

Căn cứ Kết luận thanh tra và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT thực hiện kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm của lãnh đạo Bộ GD&ĐT trực tiếp liên quan đối với những thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm trong công tác quản lý nhà nước và giải quyết thủ tục hành chính, CCDVC cho người dân, doanh nghiệp. Theo thẩm quyền chỉ đạo, kiểm điểm đối với lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị, tập thể, cá nhân thuộc Bộ GD&ĐT có liên quan đến những thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Xem thêm
Hái trộm nửa tấn cà phê của chủ, hai anh em bị bắt

Gia Lai Được thuê đến vườn hái cà phê, hai anh em Đức và Việt đã lợi dụng lòng tin của chủ vườn, hái trộm gần nửa tấn cà phê đem giấu bán, lấy tiền tiêu xài.

Vụ chuyến bay giải cứu: Người nước mắt ăn năn, kẻ tự hào dù sai phạm

Sáng ngày 25/12, phiên tòa xét xử sơ thẩm giai đoạn 2 vụ án 'chuyến bay giải cứu' tiếp tục diễn ra tại Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội với phần tranh tụng.