| Hotline: 0983.970.780

Sở NN-PTNT Quảng Ninh được giao quyền cấp phép nuôi biển

Thứ Năm 06/02/2025 , 14:03 (GMT+7)

QUẢNG NINH Thủ tục hành chính trong giao biển đang rất phức tạp khiến doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư nuôi trồng thủy sản biển khó tiếp cận.

Với lợi thế về diện tích mặt nước biển rộng, nhiều áng, vụng, ít chịu ảnh hưởng của gió bão, môi nước sạch, nuôi cá song lồng bè khá phổ biến tại Vân Đồn. Ảnh: Vũ Cường.

Với lợi thế về diện tích mặt nước biển rộng, nhiều áng, vụng, ít chịu ảnh hưởng của gió bão, môi nước sạch, nuôi cá song lồng bè khá phổ biến tại Vân Đồn. Ảnh: Vũ Cường.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Phạm Đức Ấn mới ký quyết định ủy quyền cho Sở NN-PTNT tỉnh thực hiện cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển trong phạm vi vùng biển thuộc thẩm quyền quản lý của tỉnh Quảng Ninh. Thời gian ủy quyền từ ngày 16/01/2025 đến hết ngày 31/12/2026.

Hiện nay, thủ tục cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển từ 1 - 3 hải lý thuộc cấp huyện, từ 3 - 6 hải lý thuộc cấp tỉnh và trên 6 hải lý là cấp bộ. Như vậy, Sở NN-PTNT Quảng Ninh đã được thực hiện cấp phép nuôi biển trong phạm vi 6 hải lý.

Tuy nhiên, Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10/02/2021 của Chính phủ quy định về giao khu vực biển còn một số bất cập. Việc thẩm định hồ sơ đề nghị giao khu vực biển thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh trong vùng biển từ 3 - 6 hải lý ngoài ý kiến của các cơ quan quân đội, công an cấp tỉnh còn phải lấy ý kiến của 4 bộ, ngành liên quan là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và Bộ Tài nguyên - Môi trường dẫn đến thủ tục hành chính phức tạp, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư nuôi trồng thủy sản biển khó tiếp cận.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên - Môi trường Quảng Ninh, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 45.246ha khu vực biển được tích hợp quy hoạch nuôi trồng thủy sản trên biển trong quy hoạch. Trong đó, diện tích trong 3 hải lý là 23.975ha (chiếm 53%), diện tích từ 3 đến 6 hải lý là 13.031ha (chiếm 28,8%) và diện tích ngoài 6 hải lý là 8.240ha (chiếm 18,2%). Hiện mới có 8/9 địa phương hoàn thành việc lập phương án/đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển.

Ông Trần Như Long, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Quảng Ninh cho biết, việc giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân để nuôi trồng thủy sản trên biển được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 11/02/2021 của Chính phủ, theo đó việc giao khu vực biển thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh và UBND cấp huyện.

"Trong quá trình nghiên cứu các quy định của pháp luật có liên quan đến thủ tục giao khu vực biển cho thấy có một số khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng tới tiến độ giao khu vực biển", ông Long nhìn nhận.

Các khó khăn, vướng mắc này được lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường nhóm lại thành 5 nhóm vấn đề.

Thứ nhất, nhà nước không có quy định về việc lựa chọn nhà đầu tư dự án sử dụng khu vực biển nói chung và sử dụng khu vực biển để nuôi trồng thủy sản nói riêng. Luật Đầu tư cũng không quy định năng lực nhà đầu tư được lựa chọn cho dự án sử dụng khu vực biển.

Thứ hai, quy định về thẩm quyền giao khu vực biển của cấp huyện rất hạn chế. Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10/02/2021 của Chính phủ quy định UBND cấp huyện có biển quyết định giao khu vực biển cho cá nhân chuyển đổi từ nghề khai thác ven bờ sang nuôi trồng thủy sản hoặc thường trú trên địa bàn mà nguồn sống chủ yếu dựa vào thu nhập từ nuôi trồng thủy sản với hạn mức không quá 1ha, nằm trong vùng biển 3 hải lý.

Thứ ba là quy định về việc lấy ý kiến. Theo Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10/02/2021 của Chính phủ quy định việc giao khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển thì hồ sơ đề nghị giao khu vực biển thuộc thẩm quyền giao của UBND cấp tỉnh và UBND tỉnh phải có trách nhiệm lấy ý kiến của 4 bộ gồm Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và Bộ Tài nguyên - Môi trường.

Theo quy định trong thời gian không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến, 4 bộ phải có trách nhiệm trả lời bằng văn bản. Tuy nhiên, trong thực tế việc lấy ý kiến đủ 4 bộ nhanh nhất mất khoảng 2 tháng. Điều này kéo dài thời gian để giải quyết thủ tục hành chính cho các tổ chức, cá nhân.

Thứ tư là quy định về lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Trong Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường quy định dự án sử dụng khu vực biển thuộc thẩm quyền giao khu vực biển cấp tỉnh, cấp bộ thì phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trình UBND cấp tỉnh hoặc Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt mà không phân biệt quy mô, loại hình sản xuất.

Thứ năm là UBND cấp huyện mất nhiều thời gian để tổ chức rà soát, xác minh, thẩm định hiện trạng hộ dân nuôi thực tế; thông tin về hộ khẩu thường trú trên địa bàn theo điểm a, Khoản 2, Điều 44 của Luật Thủy sản thuộc thẩm quyền giao khu vực biển của cấp huyện.

Đưa ra một số giải pháp để đẩy nhanh việc giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Quảng Ninh đề nghị UBND các địa phương công bố công khai, đầy đủ thông tin quy hoạch khu vực nuôi trồng thủy sản; khẩn trương rà soát, xác định cụ thể nhu cầu sử dụng khu vực biển nuôi trồng thủy sản của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

Tại hội nghị triển khai một số nội dung trọng tâm công tác nuôi biển năm 2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, các cá nhân, tổ chức đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan và các địa phương ven biển xem xét rút gọn quy trình cấp phép, đánh giá tác động môi trường cũng như nâng diện tích giao các ô nuôi cá lồng bè cho các hộ dân; đề nghị tỉnh xem xét miễn giảm phí mặt nước cho các hộ dân trong 3 năm để khôi phục hoạt động sản xuất sau bão số 3. Ngoài quy hoạch mặt nước cũng cần quy hoạch vùng nuôi để đảm bảo phát triển nuôi biển lâu dài…

Xem thêm
Ngư dân hứng khởi vươn khơi thu 'lộc biển' đầu năm

BÀ RỊA - VŨNG TÀU Những ngày này, bà con ngư dân đang tất bật chuẩn bị ngư lưới cụ cho chuyến biển đầu xuân, khởi đầu cho một năm đánh bắt mưa thuận gió hòa, tôm cá đầy khoang.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Giải cứu rùa biển quý hiếm mắc rác lưới đánh cá

Trong chuyến tham quan trên biển, người dân đã kịp thời giải cứu một cá thể rùa biển quý hiếm khỏi đống lưới đánh cá, tránh nguy cơ bị kiệt sức và ngạt thở.

Bình luận mới nhất