| Hotline: 0983.970.780

Sơ ri - trái ngọt miền Tây

Thứ Ba 05/05/2015 , 09:43 (GMT+7)

Gần chục năm trở lại đây, nhờ chuyển đổi từ trồng dừa và lúa nước sang trồng sơ ri, bà con xã Bình Phú, TP Bến Tre (tỉnh Bến Tre) đã xóa đói giảm nghèo, có thu nhập ổn định.

Thu nhập quanh năm

Xã Bình Phú bên bờ sông Hàm Luông là nơi trồng nhiều sơ ri nhất ở Bến Tre. Nơi đây có những ngôi nhà nhỏ nằm lọt thỏm giữa những vườn sơ ri mênh mông. Trên là trời xanh thẳm và nắng vàng ươm, dưới là bạt ngàn sơ ri hoa tím hồng và quả mọng đầy cành.

Bác Năm Hà ở ấp Phú Lợi, xã Bình Phú cho biết, trước đây gia đình bác trồng dừa và làm ruộng. Trồng lúa thì rất cực, mà 3 tháng mới cho thu hoạch, dừa thì khoảng 1 tháng hái trái một đợt. Từ khi bác chuyển sang trồng sơ ri, cuộc sống đỡ cực và khấm khá hơn nhiều.

Vườn sơ ri của bác Năm Hà được trồng cách đây hơn 10 năm trên diện tích 8 công đất (8.000 m2). Những cây sơ ri sum xuê cành nhánh, cao chừng 3 m, đẹp như một vườn cây cảnh.

Trong vườn chủ yếu là giống sơ ri ngọt, mang từ Tiền Giang về. Cây sơ ri dễ sống, chịu được môi trường khắc nghiệt như khô hạn, ngập úng, nước nhiễm phèn, mặn, đất nghèo chất dinh dưỡng…

Bác Năm Hà cho hay, trồng sơ ri rất nhàn, đòi hỏi ít vốn, chỉ cần chiết cành, trồng trên mô đất, cây cách cây khoảng 6 m. Lúc cây chưa giao tán, có thể trồng xen với hoa màu, vừa hạn chế cỏ hại sơ ri, vừa có thêm thu nhập.

Khoảng 7 - 8 tháng tuổi thì sơ ri cho trái mùa đầu và từ tuổi thứ 3 trở đi thì cây cho lượng trái ổn định và tăng dần theo các năm. Loại cây này ít tốn công chăm sóc, chỉ cần thường xuyên tưới nước, bón phân là sơ ri cho trái quanh năm. Một cây mỗi năm cho khoảng 8 đợt trái. Vào vụ rộ, mỗi cây cho năng suất từ 25 kg trở lên.

Mất nhiều công nhất là khâu thu hoạch. Thu hoạch hết đợt ở khu này thì lại bắt đầu hái trái ở khu kế bên, không nghỉ ngày nào. Ngày nào cũng vậy, hai vợ chồng bác sáng sớm tinh mơ đã ra vườn sơ ri, cổ đeo toòng teng chiếc giỏ nhỏ bằng nhựa thả xuống trước bụng, tay cầm một túi lớn để đựng trái hái được.

Vào lúc sơ ri chín rộ, bác phải thuê 5 - 6 người hái, trả công 1.300 đ/kg. Có ngày gia đình bác thu hoạch được 400 - 500 kg sơ ri. Nhưng cũng có thời điểm cây ít cho trái, như đầu mùa mưa, thì mỗi ngày hai vợ chồng bác chỉ hái được 30 - 40 kg.

16-13-21_img_5678
Thương lái đến tận vườn thu mua sơ ri

Hằng ngày, thương lái từ các nơi đánh xe đến tận vườn thu mua. Vào mùa rộ, bác Năm Hà bán 3.000 đ/kg tại vườn. Lúc thu hoạch được ít thì bác bán 6.000 - 8.000 đ/kg. Vườn sơ ri cho thu nhập ổn định từ 5 triệu đ/tháng trở lên.

Mức thu nhập này, theo bác Năm Hà, là “sống rất tốt” ở quê. Hơn nữa, công việc chủ yếu là thu hái trái thì lại nhẹ nhàng, trẻ em, người già đều làm được. Chỉ có điều là thường xuyên phải làm việc dưới nắng.

Ngoài ra, đến mùa lũ (khoảng tháng 9, 10), vườn sơ ri ngập hết đến đầu gối, người hái phải lội trong nước cả ngày để thu hái, đẩy theo chiếc thau nhựa trên mặt nước để đựng trái.

Trước kia, bà con Bình Phú trồng sơ ri tự phát, quy mô nhỏ lẻ. Nhưng nay, khi nhu cầu về sơ ri ăn tươi và làm nguyên liệu chế biến thực phẩm ngày càng tăng, bà con nơi đây đã chú ý nhiều hơn đến việc áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất và chất lượng trái sơ ri.

Anh Trần Văn Hữu ở ấp Bình Thành, xã Bình Phú là người có nhiều kinh nghiệm trong việc trồng sơ ri. Đặc biệt là kinh nghiệm cho cây ra hoa rải vụ trên cùng một mảnh vườn, để tránh thu hoạch rộ cùng lúc (khi đó thiếu nhân công thu hoạch và giá cũng kém hơn).

Anh Hữu chia vườn thành 3 khu khác nhau. Một khu cho ra hoa đậu trái tự nhiên, một khu xử lý để ra hoa đậu trái muộn hơn 10 ngày, một khu xử lý để ra hoa đậu trái muộn hơn 20 ngày.

Anh cho biết, sau khi hết một đợt thu hoạch phải tỉa cành ngay để tạo sự thông thoáng, vệ sinh vườn, vào mùa mưa thì tỉa bớt những cành nằm sát đất. Sau đó bón phân NPK, phun phân bón lá lên tán cây. Sau khoảng 10 ngày, cây ra hoa đồng loạt thì phun thuốc kích thích đậu trái.

Khi cây cao khoảng 2 m thì luôn phát đọt, không cho cây cao thêm. Lúc cây quá già, cần uốn cành xuống để dễ thu hoạch.

Tạo nhiều công ăn việc làm

Những vườn sơ ri bát ngát ở Bình Phú còn tạo công ăn việc làm cho rất nhiều lao động. Lâu nay nơi đây đã hình thành nên một nghề là nghề hái/phân loại sơ ri thuê. Nhiều người hái giỏi, mỗi ngày hái được cả trăm kg sơ ri, thu nhập hơn 100.000 đồng.

Có những người chuyên làm nghề phân loại sơ ri tại vườn hoặc tại điểm thu mua. Hầu hết là phụ nữ, họ như những “cô Tấm” ngồi lọc chọn riêng từng loại: quả bị dập, quả chín nục, quả chín vừa, quả ương, quả xanh…

16-13-21_img_5602
Phân loại sơ ri

Quả chín thì phải bán ngay, quả xanh và ương thì vận chuyển đi bán ở xa… Mỗi ngày họ được trả công khoảng hơn 100.000 đ/người.

Sơ ri ngày càng được ưa chuộng và tiêu thụ rộng rãi do vị ngon, an toàn thực phẩm, đặc biệt là hàm lượng vitamin C rất cao. Sơ ri thực sự đã trở thành “cây lành trái ngọt” của bà con xứ dừa Bến Tre.

Trên nhiều con đường từ Gò Công - Mỹ Tho (Tiền Giang) sang TP. Bến Tre, Châu Thành (Bến Tre)…, hằng ngày thường bắt gặp những chuyến xe máy, xe tải nhỏ của thương lái chở nặng sơ ri từ nơi thu mua về nơi tập kết và từ các chợ đầu mối đi giao hàng khắp các tỉnh lân cận.

Anh Nguyễn Văn Thiêm ở phường 9, TP. Mỹ Tho, Tiền Giang, một thương lái sơ ri cho biết, ngoài mua lại sơ ri từ các điểm thu mua, anh còn nhận bao tiêu 2 vườn sơ ri lớn ở Bình Phú.

Hằng ngày khoảng 9h sáng anh chạy xe máy đến các vườn, chở sơ ri về nơi tập kết là chợ hoa quả đầu mối ở TP. Mỹ Tho. Mỗi chuyến anh chở từ 250 - 300 kg sơ ri. Nếu các nhà vườn thu hoạch được nhiều hơn thì anh thuê thêm xe chở hàng.

Sau khi về đến chợ đầu mối, anh thuê nhân công ngồi phân loại, mỗi loại bán với giá khác nhau. Loại chín đỏ, bán ngay tại chợ. Những mẻ quả đẹp, đồng đều, chưa chín quá thì được chọn đóng gói, chuyển đi xa, theo xe đò lên TP.HCM, ra các tỉnh miền Đông hoặc chuyển theo đường hàng không ra miền Bắc.

Anh Thiêm cho hay, trung bình anh lãi 1.000 đ/kg. Có ngày anh thu mua và tiêu thụ hàng tấn sơ ri. Tất cả số hàng mua được phải tiêu thụ hết trong ngày, không để tồn đến hôm sau vì sơ ri chín nục và hỏng rất nhanh.

Những thương lái như anh Thiêm ngày càng nhiều ở Tiền Giang và Bến Tre. Ngoài ra, tham gia vào khâu trung gian còn có các chủ vựa thu mua sơ ri tại các ấp. Lượng sơ ri lưu chuyển qua mỗi vựa hằng ngày khoảng 2 - 3 tấn.

Xem thêm
Nuôi nhuyễn thể có thể là mũi nhọn lớn thứ 3 sau tôm, cá tra

Người tiêu dùng trong nước và trên thế giới ngày càng nhận thấy nhuyễn thể hai mảnh vỏ là thực phẩm giàu protein, ít béo…, đặc biệt việc nuôi trồng bền vững với môi trường.

Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.