| Hotline: 0983.970.780

"Sói biển" Mai Phụng Lưu: "Cha con tôi tiếp tục bám biển Hoàng Sa"

Thứ Tư 24/08/2011 , 08:47 (GMT+7)

Tiếp chúng tôi khi vừa chân ướt chân ráo trở về từ ngư trường biển Hoàng Sa, tâm trạng của “sói biển” Mai Phụng Lưu như vui hơn, điều này bộc lộ trên khuôn mặt rạng rỡ của anh.

Mai Phụng Lưu đang lượm trứng hải âu trên “Cù lao ông già” thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trong phiên biển vừa rồi

Tiếp chúng tôi khi vừa chân ướt chân ráo trở về sau chuyến biển đầu tiên từ ngư trường biển Hoàng Sa trên con tàu mới sắm QNg- 11388 TS, tâm trạng của “sói biển” Mai Phụng Lưu như vui hơn, điều này bộc lộ trên khuôn mặt rạng rỡ của anh.

>> “Sói biển” trở về an toàn
>> ''Sói biển'' Mai Phụng Lưu đã ra khơi
>> Cứu lấy ''sói biển''

Khi nghe chúng tôi nhắc đến Hoàng Sa, “sói biển” Mai Phụng Lưu tâm sự: Gần một năm phải rời xa ngư trường biển Hoàng Sa, xa vùng biển của tổ tiên ông cha trong thâm tâm tôi luôn day dứt, không đêm nào tôi được ngủ ngon giấc, bởi biển Hoàng Sa như cô gái đang yêu đêm đêm hiện về như lôi cuốn và thôi thúc tôi.

 Mai Phụng Lưu bộc bạch: “Nay sắm được tàu rồi, cha con tôi lại tiếp tục đạp sóng ra khơi bám biển Hoàng Sa, nơi ấy là của tổ tiên ông bà mình, nên không thể xa rời, trên 20 năm lặn lội, đi về trên vùng biển này đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm buồn vui khó quên".

Hình ảnh những nấm mồ vô danh mà theo những lớp ngư dân lớn tuổi Lý Sơn cho biết thì đây là những nấm mồ của những binh phu trong Hải đội Hoàng Sa năm xưa đã anh dũng bỏ mình nơi biển cả bao la và đã được đồng đội an táng trên hòn đảo nổi có tên gọi là Cù lao ông Già. Đến hình ảnh những gốc phong ba già cỗi, xù xì vì sóng gió Hoàng Sa trên đảo Đá Lồi (đảo Phạm Quang Ảnh) luôn thôi thúc ông phải đến với Hoàng Sa.

“Sói biển” Mai Phụng Lưu cho biết, trong phiên biển vừa rồi ông đã có dịp thăm lại Cù lao ông già. Đây là một hòn đảo nổi như hàng trăm đảo nổi khác trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa với những hình ảnh rất đỗi quen thuộc. Lần đầu tiên ghé thăm Cù lao ông già vào năm 1995, thấy một ngư dân già người Trung Quốc chuyên hành nghề săn rùa biển đang một mình cặm cụi nhang khói bên những nấm mồ vô danh, ông Lưu và các bạn chài lấy làm lạ. Tuy ngôn ngữ bất đồng nhưng qua cử chỉ, ánh mắt, họ như đồng cảm và hiểu nhau hơn.

Sau những cái gật đầu xã giao, bằng nét vẽ nguệch ngoạc của lão ngư dân già trên cát, Mai Phụng Lưu và các bạn chài đi trên tàu của mình chợt hiểu ra rằng thông qua những hình nguệch ngoạc kia, lão ngư dân già như muốn nói đây là những nấm mồ của người Việt, những người chủ hòn đảo đã được chôn cất từ rất lâu, nên lão phải có trách nhiệm ngày ngày nhang khói và trông nom.

Hiểu được tâm trạng của lão ngư dân, từ đó phiên biển nào Mai Phụng Lưu cũng cho tàu ghé thăm đảo, vừa để nhang khói cho các bậc tiền nhân, vừa thăm lão ngư dân già tội nghiệp một mình còm cõi trên hòn đảo hoang. Từng gói thuốc lá, cái bánh, cái kẹo từ đất liền mang ra được ông Lưu và bạn chài của mình chia sẻ cùng lão ngư dân già.

 “Phiên biển này cha con tôi tiếp tục cho tàu thẳng tiến Hoàng Sa để vừa làm kinh tế vừa khẳng định chủ quyền của ta trên quần đảo này”, ngư dân Mai Phụng Lưu quả quyết.

Ngoài Cù lao ông già, thì một địa danh khác cũng làm “sói biển” Mai Phụng Lưu luôn day dứt không quên đó là đảo Cồn Đá Lồi hay còn gọi là đảo Phạm Quang Ảnh. Hòn đảo này mang tên một Cai đội xuất chúng trong đội Hoàng Sa Bắc Hải dưới triều nhà Nguyễn. Đây là hòn đảo nửa nổi, nửa chìm, khi nước thủy triều rút cạn thì hòn đảo được bày ra như tấm thảm cát khổng lồ, ven đảo này có vô số loài hải sản quý sinh sống.

Mỗi lần cho tàu ra đây, chỉ trong vài ngày đánh bắt, là tàu của ông Lưu đã chở nặng khẳm. Cũng trên hòn đảo này một mình ông đã phải hì hục vất vả cả ngày trời để đào cho được gốc cây phong ba duy nhất sinh sống trên đảo vận chuyển về làm kỷ niệm nơi biển Hoàng Sa.

 Những ngày này, “sói biển” Mai Phụng Lưu lại đang tất bật với công việc, hiện ông đang tranh thủ tiếp thêm nhiên liệu cho con tàu của mình để chuẩn bị ra khơi bám biển, sớm trở lại Hoàng Sa, trở lại vùng biển thân yêu nơi tổ tiên ông bà mình đã đổ bao xương máu để gìn giữ khẳng định chủ quyền, và nơi đây ông đã từng gắn bó suốt gần một phần tư thế kỷ.

Xem thêm
Thái Nguyên có thêm 2 Phó Giám đốc Sở

Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên vừa có tân Phó Giám đốc.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cơn mưa 'vàng' chưa đủ hạ nhiệt

Bình Phước Cơn mưa đổ xuống một số nơi trên địa bàn tỉnh Bình Phước mới đây tuy không lâu, lượng mưa không cao, nhưng cũng phần nào giải nhiệt, và 'giải khát' cho cây trồng.