| Hotline: 0983.970.780

Sôi động đất nền, biệt thự quanh sân golf Tam Đảo

Thứ Ba 14/08/2018 , 09:36 (GMT+7)

Là một trong những sân golf sớm nhất miền Bắc, Sân golf Tam Đảo được quảng bá với hàng loạt ngôn từ mỹ miều, cũng là một trong những dự án có nhiều biệt thự sân golf nhất.

“Cơn sốt” đất nền, biệt thự quanh sân golf Tam Đảo vẫn luôn nóng từ trước đến nay.

Sân golf Tam Đảo có diện tích 160ha, nằm trên địa phận 3 xã Hợp Châu, Hồ Sơn và Minh Quang. Hàng nghìn hộ dân sống khu vực lân cận từng nhiều lần tố cáo sân golf Tam Đảo đầu độc môi trường sống của họ, nhưng kể từ thời điểm hoạt động, dự án sân golf này chỉ bị phạt một lần hơn 114 triệu đồng về hành vi gây ô nhiễm môi trường và vụ lùm xùm đại gia chơi golf phang gậy vào đầu nhân viên.

19-05-16_td1jpg
19-05-16_td2jpg
Xây dựng tràn lan biệt thự trong sân golf Tam Đảo

Bỏ qua những sai phạm như việc chủ đầu tư đã không thực hiện các cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, không giám sát môi trường xung quanh, hợp đồng chuyển giao chất thải nguy hại chưa đảm bảo, chưa thực hiện báo cáo định kỳ về quản lý chất thải nguy hại... sân golf Tam Đảo vẫn là một thế giới khu biệt của người giàu, của các đại gia.

Theo tìm hiểu của NNVN, chủ đầu tư dự án sân golf Tam Đảo là Công ty Cổ phần đầu tư Tam Đảo, gồm 3 cổ đông chính là Tổng công ty phát triển Nhà và đô thị (HUD), Tổng công ty Xây dựng Hà Nội và Công ty cổ phần Trường Tiến.

Ngay từ khi được cấp phép xây dựng và sân golf chuẩn bị đi vào hoạt động (giai đoạn 2004-2007), chủ đầu tư đã dùng tới quá nửa diện tích (90 ha) xây dựng biệt thự, chia thành 290 lô đất rao bán. Thời điểm đó, với mỗi lô đất có giá khoảng 1 tỷ đồng, thì 290 lô đất có khả năng thu về khoảng gần 300 tỷ cho chủ đầu tư. Tức bằng ¾ tổng số tiền đầu tư vào dự án, bởi theo dự toán đầu tư cho dự án này ban đầu chỉ khoảng 400 tỷ đồng.

Sau nhiều năm đi vào hoạt động, phía chủ đầu tư vẫn “miệt mài” rao bán đất biệt thự. Trên các trang thông tin về lĩnh vực bất động sản, hàng loạt lời chào mời bán cắt lỗ các lô đất biệt thự trong sân golf Tam Đảo nhiều nhan nhản. Ngay ở thời điểm này, thực trạng xây dựng, chuyển nhượng đất biệt thự trong sân golf Tam Đảo vẫn đang diễn ra rất sôi động.

Vào vai những người có nhu cầu đầu tư kinh doanh, nhóm PV NNVN đã tiếp cận khu vực A, D và E thuộc dự án sân golf Tam Đảo. Đây là những khu vực được đánh giá là lý tưởng trong đầu tư xây dựng biệt thự nghỉ dưỡng luôn được chủ đầu tư quảng cáo là ở nơi “giao thoa đất trời”. Tại đây, những căn biệt thự khổng lồ đang đang được đầu tư xây dựng, phổ biến nhất từ 2-3 tầng. Trong đó, nhiều căn biệt thự đang trong quá trình hoàn thiện nguy nga không khác gì biệt phủ.

Một ông chủ xây dựng công trình ở khu E cho biết, hiện nhu cầu đầu tư kinh doanh biệt thự vẫn còn rất lớn, một căn biệt thự nghỉ dưỡng ở Tam Đảo có giá kinh doanh dao động khoảng 20-30 triệu đồng mỗi đêm nên giá đất biệt thự thời điểm này vào khoảng hơn 2 tỷ đồng mỗi căn, cộng thêm tiền đầu tư xây dựng rơi vào khoảng 20 tỷ nên đây chỉ là “sân chơi” của những người lắm tiền. Chủ yếu là các đại gia ở Hà Nội lên mua đầu tư. Tính bình quân, mỗi căn biệt thự nếu được giới thiệu khách lên thuê đều, mỗi tháng có thể thu khoảng vài trăm triệu đồng.

Tiếp cận với bộ phận văn phòng của chủ đầu tư, nhóm PV được giới thiệu gặp một người phụ nữ tên N. Bà N cho biết, biệt thự nghỉ dưỡng ở Tam Đảo cơ bản đã có chủ hết. Giờ chỉ còn những lô đất nền, giá dao động khoảng 2,5 tỷ đồng cho mỗi lô tầm 1.000m2.

 Theo bản Quy hoạch khu biệt thự sân golf Tam Đảo, mật độ xây dựng chỉ cho phép hơn 15%, tuy nhiên, về tính pháp lý của đất đai và xây dựng, bà N khẳng định, mật độ xây dựng vẫn cho phép 30% so với diện tích sở hữu và đất này thuộc diện trả tiền một lần và sở hữu vĩnh viễn. Để khẳng định thêm quyền sở hữu biệt thự sân golf, bà N gửi chúng tôi hình ảnh sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) của một khách hàng được ông Nguyễn Duy Hưng – Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai (Sở Tài nguyên Môi trường Vĩnh Phúc) ký cấp ngày 12/7/2018.

Về thủ tục xây dựng, một nhân viên của chủ đầu tư được bộ phận bán hàng giới thiệu đưa chúng tôi đi xem các lô biệt thự trong sân golf lại khẳng định: Các anh cứ yên tâm, chỉ cần xin phép ban quản lý là được. Việc xin phép xây dựng ở đây không phức tạp vì chính quyền chả đụng chạm gì. Đây giống như khu tự trị rồi. Không liên quan gì đến chính quyền cả.

Theo quan sát của phóng viên, ở lô D13 có những căn biệt thự đang trong quá trình hoàn thiện to như cả một tòa lâu đài, cao hơn 3 tầng, trong khi quy định của Thủ tướng Chính phủ đối với biệt thự sân golf phải là loại thấp tầng. Về vấn đề này, bà N khẳng định: Người ta cứ xây thế đấy anh ạ. Nói chung cái này anh phải linh hoạt bởi Ban quản lý dự án của công ty chính là đơn vị cấp thỏa thuận xây dựng.

Căn cứ những tài liệu thu thập được, quy hoạch chi tiết của dự án sân golf Tam Đảo có diện tích khu biệt thự 31.5 ha bao gồm 312 lô, diện tích mỗi lô từ  950 đến 1.500 m2. Để làm rõ tính pháp lý của tình trạng buôn bán đất xây dựng biệt thự trong sân golf Tam Đảo, nhóm PV đã liên hệ làm việc với Sở TN-MT và Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc.

Tại Sở TN-MT Vĩnh Phúc, đại diện cơ quan này khẳng định, việc cấp sổ đỏ cho việc chuyển nhượng là theo Quyết định 1448/QĐ-UBND ngày 6/6/2013 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc điều chỉnh giao đất thực hiện dự án xây dựng và kinh doanh khu đất biệt thự - sân golf Tam Đảo. Theo đó, ngay sau Chỉ thị của Thủ tướng về việc quản lý sân golf, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã giao cho Công ty Cổ phần đầu tư Tam Đảo thực hiện dự án là 1.376.774.5m2, trong đó đất ở biệt thự được giao có thu tiền sử dụng đất là 315.073,2m2. Từ quyết định của UBND tỉnh, Sở TN-MT Vĩnh Phúc đã cấp giấy chứng nhận cho công ty với toàn bộ diện tích đất ở nói trên. Cơ quan này cũng khẳng định, năm 2014 đã kiểm tra về điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất nền của dự án, trên cơ sở hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa công ty và các cá nhân để cấp Giấy chứng nhận cho các cá nhân là đúng theo quy định của pháp luật.

Vĩnh Phúc cấp “sổ đỏ” cho biệt thự sân golf

Như vậy, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ quy định “không được sử dụng đất đã cấp làm sân golf xây dựng nhà, biệt thự để bán, chuyển nhượng hoặc sử dụng vào mục đích khác”, tỉnh Vĩnh Phúc và chủ đầu tư đã chuyển diện tích xây dựng biệt thự theo quy hoạch thành diện tích đất ở biệt thự được giao có thu tiền sử dụng đất, sau đó cấp sổ đỏ cho các tổ chức cá nhân nhận chuyển nhượng.

Vấn đề đặt ra là việc xây dựng biệt thự sân golf nguy nga, cao tầng trong sân golf Tam Đảo có đúng với quy định của pháp luật? Hồ sơ thủ tục pháp lý thế nào? Những quy chuẩn, điều kiện cấp phép đã được thực thi ra sao? PV đã mang những câu hỏi này đến Sở Xây dựng Vĩnh Phúc để có buổi làm việc làm rõ, văn phòng cơ quan này hẹn sẽ trả lời bằng văn bản, tuy nhiên đã nửa tháng nay Sở Xây dựng Vĩnh Phúc vẫn chưa cung cấp thông tin.

Theo quy hoạch, dự kiến cả nước sẽ có khoảng gần 100 dự án sân golf vào năm 2020. Với những sân đã triển khai, có một nửa chưa đi vào hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả. Trong khi đó, tổng diện tích đất bị thu hồi để xây dựng sân golf theo quy hoạch khoảng 10.980 ha. Theo ý kiến các chuyên gia, rất nhiều dự án sân golf chỉ nhăm nhăm lấy đất sau đó chuyển sang xây biệt thự để bán. Mới đây nhất, Công ty cổ phần Đầu tư Long Biên đã xin chuyển một phần diện tích nằm trong quần thể hơn 119ha đất Khu sân golf và dịch vụ tại quận Long Biên từ mục đích thuê cho khách chơi golf sang xây dựng biệt thự, nhà ở để bán. Tại dự án sân golf Vân Trì (xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh), sau một thời gian hoạt động dịch vụ, chủ đầu tư cũng đã xin chuyển đất sân golf sang xây biệt thự với mức giá rao bán hàng triệu đô la Mỹ mỗi căn.

Xem thêm
Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn, Vĩnh Long có vi phạm, khuyết điểm

Đó là kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sau Kỳ họp thứ 52, tổ chức từ ngày 9 đến 11/12, do ông Trần Cẩm Tú chủ trì tại Hà Nội

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao

Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.