| Hotline: 0983.970.780

Sớm tháo gỡ cho nông dân trồng sắn

Thứ Bảy 11/09/2021 , 16:52 (GMT+7)

Hàng ngàn ha sắn nguyên liệu của nông dân Quảng Bình vào kỳ thu hoạch đang “đứng yên” vì các nhà máy chế biến phải dừng hoạt động vì dịch Covid-19…

Vào vụ sắn năm nay, nông dân Quảng Bình trồng trên 6.300 ha sắn nguyên liệu. Đến nay, đã qua niên vụ thu hoạch gần nửa tháng mà vẫn chưa thu hoạch được làm cho người trồng sắn đứng ngồi không yên.

Theo ông Lê Xuân Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh thì do ảnh hưởng của việc phòng chống dịch Covid-19  nên 2 nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn tạm dừng hoạt động.

“Tuần qua, mưa lớn do ảnh hưởng bão số 5 nên nhiều diện tích sắn nguyên liệu bị ngập khiến cho bà con nông dân càng lo lắng khi không kịp thu hoạch thì sắn sẽ bị thối củ, mất năng suất, thậm chí để lâu có thể mất trắng. Toàn tỉnh có trên 1.000 ha diện tích sắn nằm trong vùng thấp trũng”- ông Tứ chia sẻ.

Nông dân huyện Bố Trạch thu hoạch sắn nguyên liệu vùng bị ngập nước. Ảnh: Ng. Nhân

Nông dân huyện Bố Trạch thu hoạch sắn nguyên liệu vùng bị ngập nước. Ảnh: Ng. Nhân

Huyện Bố Trạch là địa phương có diện tích sắn nguyên liệu đứng đầu tỉnh Quảng Bình với diện tích gần 4.000 ha. Nếu như những niên vụ trước thì vào cuối tháng 8, những diện tích thấp trũng, ven sông, suối…sẽ được thu hoạch sớm để tránh bị ngập làm ảnh hưởng đến chất lượng và năng suất.

 Dự báo trong thời gian tới sẽ xuất hiện nhiều cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên khu vực biển Đông, trong đó có những cơn có thể đổ bộ trực tiếp lên địa bàn. Đặc biệt, trong điều kiện huyện Bố Trạch đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để phòng, chống dịch bệnh Covid-19; việc thu hoạch, tiêu thụ sắn sẽ càng gặp nhiều khó khăn.

Để vừa đảm bảo tốt công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, vừa tổ chức thu hoạch, tiêu thụ sắn cho nông dân nhất là các vùng trũng, thấp trước mùa mưa bão, huyện Bố Trạch đã chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng phương án thu hoạch, tiêu thụ sắn cho nông dân.

Theo ông Nguyễn Cẩm Long, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bố Trạch thì tập trung ưu tiên thu hoạch, tiêu thụ diện tích sắn ở các vùng thấp trũng, dễ bị ngập úng khi mưa lớn xảy ra như vùng Chà Nòi (Xuân Trạch), các vùng thấp trũng tại Nam Trạch, Tây Trạch, Hòa Trạch, Phú Định…”.

Đối với diện tích ít bị ảnh hưởng do mưa bão, tiến hành thu hoạch dần, đồng thời chỉ đạo người dân có phương án lưu giữ giống cho vụ sản xuất năm sau, tránh tình trạng thiếu giống xảy ra”- ông Long cho hay.

Sắn củ bị ngập nước dễ bị hỏng trong vòng 3-4 ngày nên buộc nông dân phải thu hoạch gấp. Ảnh: Ng. Nhân

Sắn củ bị ngập nước dễ bị hỏng trong vòng 3-4 ngày nên buộc nông dân phải thu hoạch gấp. Ảnh: Ng. Nhân

Trên vùng đồng thấp của xã Nam Hóa, một nhóm bà con đang thu hoạch sắn.

Ông Đoàn Ngọc Nhân, Phó Chủ tịch UBND xã đang chỉ đạo bà con thu hoạch sắn và phải chống dịch. Toàn xã Nam Trạch có gần 450 ha sắn nguyên liệu, trong đó diện tích bị ảnh hưởng do mưa ngập lên đến 45 ha.

Ông Nhân bảo: “Chúng tôi triển khai kế hoạch cho các thôn kiểm tra vùng ruộng sắn bị ngập nước để cho bà con thu hoạch. Phải làm sao vừa thu hoạch vừa thực hiện phòng chống dịch. Nhà máy chế biến chưa hoạt động nên sắn nguyên liệu chủ yếu bán cho tư thương trên địa bàn. Vì vậy mà chưa thể tăng diện tích thu hoạch lên được”.

Trên vạt ruộng sâm sấp nước, gia đình ông Võ Văn Khánh (thôn Đông Thành) đang thu hoạch. Sắn nguyên liệu được nhổ lên đã có mùi thum thủm. Nhà ông có hơn 1 ha sắn thì gần nửa diện tích bị mưa ngập nên phải nhổ gấp. Vừa dùng dao chặt sắn để thành đống, ông Khánh vừa cho biết diện tích sắn này không thu hoạch nhanh thì củ sẽ bị thối bỏ ngay.

“Mấy hôm trước dịch, nhà máy có hoạt động thì thu mua cho bà con giá 20 (2 triệu đồng/tấn). Nay bán cho tư thương giá giảm còn 18 thôi. Nhưng nếu nhà máy không chạy thì cũng khó bán lắm. Thời gian tới mà không có nhà máy nào chạy thì bà con trồng sắn sẽ gặp khó khăn vất vả vô cùng”- ông Khánh bộc bạch.

Hơn 1.000 ha sắn nguyên liệu vùng thấp ngập đang cần được thu hoạch sớm. Ảnh: Ng. Nhân

Hơn 1.000 ha sắn nguyên liệu vùng thấp ngập đang cần được thu hoạch sớm. Ảnh: Ng. Nhân

Trên địa bàn Quảng Bình có hai nhà máy chế biến tinh bột sắn là nhà máy Sông Dinh và nhà máy Long Giang Thịnh. Trước đó, nhà máy Sông Dinh vào vụ chạy được thời gian ngắn thì phải tạm dừng vì dịch Covid-19.

Chiều ngày 11/9, trao đổi với ông Nguyễn Thế Vương, Giám đốc nhà máy Sông Dinh, ông cho biết lãnh đạo tỉnh đã làm việc với  nhà máy để tháo gỡ những vướng mắc và sớm đi vào hoạt động hỗ trợ người trồng sắn.

“Nhà máy chúng tôi có công suất 400 tấn nguyên liệu ngày đêm với 94 lao động. Nếu nhà máy hoạt động trở lại theo phương án “3 tại chỗ” thì giảm xuống chỉ còn khoảng 50 lao động. Khi đó nhà máy sẽ chia làm 2 ca và 3 kíp để đảm bảo sức khỏe, an toàn cho công nhân”- ông Vương nói.

Tuy nhiên, để nhà máy hoạt động thì còn một số thủ tục phải hoàn tất như việc tổ chức thu mua sắn nguyên liệu, test nhanh hay phải xét nghiệm PCR. “Việc xét nghiệm PCR hiện quá tải nên rất khó. Chúng tôi phải chuyển qua test nhanh ngay tại cổng nhà máy cho người lao động. Nhưng thủ tục này cũng phải chờ quyết định của UBND tỉnh”- ông Vương cho biết thêm.

Ở nhà máy Long Giang Thịnh, ông Lê Văn Thơ, Giám đốc nhà máy cũng cho biết đang thực hiện các thủ tục để nhà máy sớm đi vào hoạt động.

Các nhà máy đi vào hoạt động đã thu mua sắn nguyên liệu để người nông dân yên tâm sản xuất. Ảnh: Ng. Nhân

Các nhà máy đi vào hoạt động đã thu mua sắn nguyên liệu để người nông dân yên tâm sản xuất. Ảnh: Ng. Nhân

Tuy nhiên, để các nhà máy đi vào sản xuất, cần sự hỗ trợ lớn từ cơ quan chức năng trong các thủ tục cần thiết. Mặt khác, các nhà máy cũng có thời gian để  chuẩn bị và triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 đúng như phương án “3 tại chỗ” nên phải mất thời gian khá dài. Ông Nguyễn Thế Vương nhìn nhận: “Nếu nhanh thì chúng tôi sẽ cho nhà máy hoạt động trong thời gian khoảng một tuần tới”.

Xem thêm
Đoàn công tác Bộ NN-PTNT thăm cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên quần đảo Trường Sa

Từ ngày 10/5 - 16/5/2024, gần 40 đại biểu Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu tham gia Đoàn công tác số 18 thăm quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK-I.

Đông Nam bộ đủ nước cho vụ hè thu

Đông Nam bộ đã bắt đầu bước vào mùa mưa. Mực nước hiện tại ở các hồ chứa trong khu vực có khả năng đáp ứng đủ cho sản xuất vụ hè thu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai cá thể khỉ vàng mò vào vườn nhà dân

LÀO CAI Sau khi bắt được hai cá thể khỉ trong vườn, người dân đã bàn giao cho Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Thắng để đưa về trung tâm chăm sóc.