Yên phận người chết, buồn phận người sống
Vào những thời gian cao điểm, toàn dân đi đánh thuốc, hơi hóa chất bốc lên như một làn sương bay phủ kín xóm làng, trẻ khỏe là thế mà ngồi trong Trạm Y tế xã đóng kín cửa nhân viên còn hoa đầu, chóng mặt muốn gục chứ đừng nói là người già và trẻ nhỏ. Người dân ở đây rất hay mắc thêm các bệnh nghi liên quan đến việc lạm dụng thuốc BVTV như phổi, phế quản, suy giảm hệ hô hấp. Một cán bộ lắc đầu bảo: “Họ bây giờ không coi trọng sức khỏe mà chỉ có tiền nên tự mình hại mình”.
Mỗi bông hoa ngậm biết bao nhiêu thuốc độc |
Rà soát quyển sổ tử vong của Trạm, ngoài những người bị K tôi còn thấy tự tử nổi lên như một vấn nạn. Có thời điểm trong cái xóm Đường nhỏ bé từ cuối năm 2012 đến đầu năm 2013 có tới 3 người tự tử trong đó có 2 bố con đều dùng một phương thức là thuốc trừ cỏ. Cụ thể, ngày 21/10/2012 cháu N. T. L 15 tuổi lén uống thuốc cỏ quyên sinh vì bị bạn bè nghi ngờ ăn trộm quỹ lớp. Anh N.V.Đ hàng xóm sang viếng đám ma thấy chết dễ dàng quá nên ngày hôm sau, 22/10/2012 cũng lén uống thuốc cỏ vì thua bạc. Mấy tháng sau bố của em L là N.V.T trong lúc cả nghĩ vì nợ nần, vì sợ phải vào tù bị “đại bàng” bắt nạt đã cũng uống vụng thuốc cỏ.
Người chết yên phận nhưng người sống trên mặt đất vẫn phải mưu sinh. Trời chiều chạng vạng, dân làng í ới gọi nhau đi phun thuốc đông nghịt. Tiếng máy nổ từ những cái bình đeo vai giòn vang, chộn rộn và đầy phấn khích như âm thanh của một cuộc đua xe. Tôi cùng với chị Lê Minh Nguyệt - cán bộ BVTV phụ trách xã hòa mình theo đoàn người. Lối ra đồng mọi thứ cỏ cây đều úa vàng, thâm đen hay rục chết bởi hóa chất trừ cỏ lại càng làm nổi bật cho những ruộng hoa thêm khoe sắc.
Xã Mê Linh có khoảng trên 210ha hoa, chủ yếu là hồng và một ít cúc. Chúng tôi gặp một người đàn ông luống tuổi ở thôn Liễu Trì đang cắm cúi pha chế 4 - 5 loại hóa chất vào chiếc bình đeo vai chuẩn bị cho cuộc mà ông gọi là “đốt thuốc”. Không “đốt thuốc” cúc trắng cũng hóa thâm còn hoa hồng thì không còn đỏ thắm nên người trồng hoa ở đây thường duy trì thói quen phun theo định kỳ. Hộ nào lâu nhất là cách 10 ngày/lần phun, còn lại là 4 - 7 ngày/lần bơm thậm chí nếu sáng phun gặp trời mưa chiều phun lại. Chiếc vòi trên tay ông phun xối xả tựa mưa phùn để lại trên lá những giọt xanh lè như màu máu của loài bạch tuộc ma.
Vệt thuốc màu xanh lè bám trên mặt lá |
Mùa nào thức ấy, lạnh trị nhện, trị sâu, nóng trị nấm, trị trĩ. Những ngày nắng như đổ lửa 39-40 độ C dân Mê Linh đánh thật nhiều thuốc nấm để làm mát, hạ nhiệt cho cây nhanh nẩy chồi, bật nụ dù không hề có sâu bệnh. Vỏ thuốc vứt bừa bãi từ mặt ruộng, mặt đường cho tới lòng kênh, lòng máng. Mặt đất đen bầm như bị ung thư, mặt nước đổi màu lờ nhờ như dịch máu trộn mủ, tanh hôi nồng nặc.
Những bể thuốc 1.000 lít
Khác với trồng trọt kiểu “cò con” của những người già, cánh trẻ thường làm ăn quy mô lớn. Ở khu đồng Khê, nhà ít nhất cũng phải 1 mẫu còn nhà nhiều lên tới 2-3 mẫu. Anh Nguyễn Văn Cường thuê 1,7 mẫu đất để trồng hoa hồng Pháp còn cạnh đó anh Nguyễn Thế Tĩnh cũng thuê đất tới 1 mẫu.
Hồng thu cả năm nhưng tập trung nhất vào mùa mát, từ tháng 7 đến tháng 3 âm lịch, còn mùa nóng chăm sóc, thuốc thang chủ yếu để mà giữ cây. Đầu tư 1 sào cả phân thuốc các loại mất 7 - 8 triệu/năm trong đó riêng thuốc BVTV hết khoảng 5 triệu, vị chi 1 mẫu hết 50 triệu. “Mùa này chúng tôi dùng Score và Daconil để trị nấm còn sâu dùng loại có tên là Sát Thủ vừa mới ra. Anh hỏi chúng độc bảng 1, bảng 2 thế nào tôi không rõ mà chỉ biết ra đại lý mua thôi”.
Từ đeo bình đi phun thuốc anh Cường, anh Tĩnh chuyển sang mua những bể chứa bằng nhựa loại 1.000 lít rồi dùng máy bơm công suất cao dạng rửa xe ô tô kéo dây quanh ruộng để xịt, vừa nhanh hơn vừa thấu thuốc hơn. Cách đó người dân ở đây gọi là phun bình giàn. 1000 lít của bình giàn dùng để phun cho 1 mẫu tương đương 40 bình loại 25 lít đeo vai mà suất đầu tư từ bể chứa, vòi phun đến động cơ chỉ hết khoảng 13 triệu. Với bình giàn 1 mẫu hoa họ chỉ bơm 1 tiếng là xong trong khi bình đeo vai mất trọn cả ngày. Cứ 1 tuần họ bơm 1 lần, 1 tháng 4 lần đều đặn không sai 1 li nào, còn lâu lâu thấy sâu bệnh đánh mãi không chết thì phải thay đổi thuốc.
Bể thuốc phun bình giàn 1.000 lít |
Cặp vợ chồng Lê Thị Nga - Trần Văn Tuân ở xóm Đường trồng 1,5 mẫu hoa hồng đã được 3 năm. Họ thuận vợ thuận chồng khi chia sẻ cùng nhau cả chuyện đi phun thuốc, việc thường dành cho cánh mày râu. Với loại bình giàn gồm bể chứa 1.000 lít và động cơ cực mạnh, 2 vợ chồng kéo ra 2 vòi để phun 2 đầu ruộng đến lúc khép lại, chỉ độ 1,5 tiếng là gặp nhau.
Bình thường 7 - 10 ngày phun một lần, lúc mưa gió thế này có khi 3 - 4 ngày đã phun một lần phòng rụng lá, thối thân do đốm mắt cua và nấm hại. Các động vật trên đồng dính thuốc rụng như sung nhưng sâu bệnh lạ thay, càng đánh lại càng nhiều vì chúng đã kháng thuốc. Độc hại là thế nhưng chị Nga bảo cả hai làm cật lực cả năm cũng chỉ được khoảng 100 triệu lãi, chia đều mỗi tháng mỗi người có hơn 4 triệu: “Mùa hè này sản xuất toàn âm thôi nhưng hoa nẩy lên vẫn phải cắt, đắt thì bán được 400đ/bông còn mấy hôm nay bán 200đ/bông mà chẳng có mấy người mua”.
Vỏ thuốc vứt đầy ở xã Mê Linh |
Nếu như bình đeo vai phun như mưa phùn thì bình giàn phun như mưa ngâu, hạt to hơn, bay xa hơn, nhiều buổi mịt mờ khắp làng trên xóm dưới, che khuất cả đền đài, miếu mạo. Tôi lảo đảo, rút lui khỏi cánh đồng khi mồm miệng đắng nghét, đầu óc choáng váng, mắt nhòe đi không nhìn thấy rõ cả đường.
Đau đáu cây hoa
Chị Lê Minh Nguyệt - cán bộ BVTV phụ trách xã giải thích: “Bà con phun thuốc theo định kỳ cho hoa bởi đơn giản hoa hồng trồng chuyên canh, từ lúc trồng đến lúc phải thay giống có khi tới 10 năm nên sâu bệnh tích lũy trong đất, trong môi trường. Hơn thế, hoa giá trị kinh tế cao nên họ sợ đến ngày rằm, mồng một hay lễ Tết mà không kịp thu hoạch để bán thì cứ phun phòng cho yên tâm. Nếu trên rau, trên lúa nông dân còn đếm mật độ sâu bệnh để phun, đằng này trên hoa họ không sợ ngộ độc thực phẩm nên càng phun nhiều. Những nhà mới trồng hoa thường phun nhiều thuốc nhất vì chưa hiểu biết về KHKT, muốn hoa của mình đẹp hơn, lên nhanh hơn, nhanh được thu lợi. Hiện tượng dùng bình giàn 1.000 lít để phun thuốc tuy mới du nhập vào xã khoảng 1 năm nay nhưng đã có khoảng 75% bà con sử dụng bởi vì tiện lợi”.
Nhà nào trồng theo quy mô lớn từ 1 mẫu trở lên phun bình giàn đã đành nhưng nhiều nhà chỉ có vài sào cũng dùng. Dù có thể không phải là anh em, họ hàng nhưng đã là hàng xóm của cánh đồng thì đều bảo nhau “đụng bình”, chia tiền mua thuốc ra để chung, pha chung một bình 1.000 lít cùng phun chung một buổi cho kinh tế. Tình nghĩa xóm làng thêm thắm thiết sau những buổi phun thuốc như vậy.
Người ngập trong thuốc |
Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu cả nước về xu hướng sử dụng rất ít thuốc BVTV, cụ thể năm 2014, 2015, 2016 tương ứng là 251 - 287 - 316 tấn tuy nhiên nổi lên vấn đề lạm dụng thuốc BVTV ở những quận, huyện trồng hoa, cây cảnh. Tiêu biểu như huyện Mê Linh đã “ngốn” lượng thuốc BVTV bằng khoảng 1/6 toàn thành phố với tất cả 30 quận, huyện, thị xã. Theo anh Bùi Mạnh Tiến - Trạm trưởng Trạm BVTV huyện Mê Linh địa phương có 127 đại lý BVTV, lượng thuốc tiêu thụ trên địa bàn năm 2017 khoảng trên dưới 60.000 kg, tương ứng với khoảng 10 kg thương phẩm/ha.
Lượng thuốc tiêu thụ ở những xã trồng hoa còn khủng khiếp hơn nhiều, cụ thể riêng xã Mê Linh năm 2017 đã tiêu thụ 22.139 kg. Tính ra mỗi ha trồng hoa ở đây mỗi năm tiêu thụ khoảng 70 kg thuốc, gấp 7 lần bình quân của cả huyện và gấp khoảng 20-30 lần bình quân của toàn thành phố.
Cách đây không lâu, Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường thuộc Liên minh HTX Việt Nam khi phân tích môi trường ở 5 xã trồng hoa tại Hà Nội gồm Tây Tựu (Bắc Từ Liêm), Mê Linh, Văn Khê (huyện Mê Linh), Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng) và Tam Thuấn (huyện Phúc Thọ) đều thấy dư lượng thuốc BVTV nhóm chlor hữu cơ, độc cao, khó phân hủy, vượt quy chuẩn từ 1,2 - 7 lần. “Mức ô nhiễm dư lượng hóa chất BVTV ở thời điểm hiện tại đã tăng gấp hàng trăm lần so với cách đây 10 năm”. Đơn vị này cảnh báo.
Lượng thuốc sử dụng trong một lần phun |
Người Mê Linh khi tập thể dục còn phải bảo nhau tránh xa những cánh đồng ra bởi chẳng may chạm vào hoa lá bám đầy thuốc thì ngứa gãi cả ngày, hít phải hơi thuốc về đau đầu chóng mặt cả buổi. |