| Hotline: 0983.970.780

Sơn La có 20 sản phẩm tham gia OCOP

Chủ Nhật 22/12/2019 , 16:24 (GMT+7)

Đến thời điểm này, Sơn La có 12 huyện, thành phố tham gia vào Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” với 20 sản phẩm nông sản tiêu biểu được chọn làm điểm.

Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển các sản phẩm OCOP, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Đề án mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020 và tầm nhìn đến 2030; ban hành Quyết định số 1467/QĐ-UBND ngày 25/6/2019 về phê duyệt danh mục làm điểm sản phẩm OCOP tỉnh năm 2019.

Quyết định số 1720/QĐ-UBND ngày 10/7/2019 bổ sung sản phẩm điểm OCOP năm 2019, gồm 20 sản phẩm đang triển khai thực hiện: Cá tép dầu khô Sông Đà (huyện Quỳnh Nhai); Măng trúc muối ớt Háng Đồng, Dược liệu Háng Đồng (huyện Bắc Yên); Gạo nếp tan Mường Và (huyện Sốp Cộp); Xoài sấy dẻo, Chuối sấy giòn (huyện Yên Châu); Mận sấy gừng, Mận sấy mật ong, Mận sấy Thảo dược (huyện Mộc Châu); Hồng giòn sấy dẻo (huyện Vân Hồ); Long nhãn sấy khô (huyện Sông Mã); Tỏi Phù Yên, Tỏi đen (huyện Phù Yên)…

Long nhãn sấy khô Sông Mã được chọn làm sản phẩm OCOP Sơn La.

Một số sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đã được giới thiệu tại các hội chợ, triển lãm tại các tỉnh. Việc triển khai hiệu quả Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã giúp tỉnh Sơn La dần đạt được mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao mang tính đặc trưng, lợi thế của mỗi vùng miền, tăng thu nhập cho người dân và đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững.

Để tiếp tục triển khai Chương trình OCOP đạt hiệu quả, UBND tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh hỗ trợ công tác tuyên truyền sản phẩm OCOP trên các phương tiện truyền thông.

Có hướng dẫn cụ thể với cộng đồng dân cư, các tổ chức đăng ký sản phẩm mới tham gia Chương trình OCOP. Kịp thời tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu về quản lý, cách thức tổ chức thực hiện chương trình, sớm phê duyệt và ban hành tài liệu, sổ tay hướng dẫn thực hiện Chương trình OCOP và bộ tiêu chí đánh giá xếp hạng sản phẩm chung để địa phương có cơ sở thực hiện.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Cao Bằng xóa gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2024, tỉnh Cao Bằng đã xóa được gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát, kinh tế của địa phương có bước tăng trưởng quan trọng.