| Hotline: 0983.970.780

Tôn vinh bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

Thứ Ba 24/12/2024 , 21:25 (GMT+7)

Tây Ninh Lễ hội nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng lần thứ 5 năm 2024 vừa chính thức khai mạc.

Lễ hội nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng lần thứ 5 năm 2024 vừa chính thức khai mạc. Ảnh: T.T.

Lễ hội nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng lần thứ 5 năm 2024 vừa chính thức khai mạc. Ảnh: T.T.

Theo Ban tổ chức, Trảng Bàng là địa danh đi vào lòng du khách với những đặc sản địa phương và làng nghề thủ công truyền thống. Trong đó, có bánh tráng phơi sương - một trong những đặc sản đã được công nhận văn hóa phi vật thể khó lòng trộn lẫn.

Lễ hội diễn ra từ ngày 23/12 đến hết ngày 30/12, với quy mô 300 gian hàng, bao gồm khu triển lãm phục dựng nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng để du khách có thể tự tay tráng bánh, nướng bánh; các đặc sản làm từ bánh tráng phơi sương; không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản, sản phẩm làng nghề truyền thống của Trảng Bàng và Tây Ninh; không gian ẩm thực gồm các gian hàng ẩm thực đặc sản của Trảng Bàng và Tây Ninh...

Bà Nguyễn Kim Rơi, một trong nghệ nhân có truyền thống làm bánh tráng phơi sương hơn 4 đời, cho biết thêm, nghề làm bánh tráng ở Trảng Bàng đã có từ lâu đời, truyền từ thời cha ông ở vùng đất Ngũ Quảng, Bình Định đi khẩn hoang lập ấp ở Tây Ninh từ thế kỷ 18. Ban đầu là bánh tráng nhúng và bánh tráng nướng, sau này sáng tạo ra bánh tráng phơi sương.

Để có một bánh tráng ngon thì quan trọng nhất là việc chọn nguyên liệu. Gạo làm bánh phải là gạo mới, gạo ngon và không được pha trộn. Sau khi xay gạo xong, bỏ thêm một lượng muối vừa phải tạo vị mặn cho bánh chứ không thêm đường như các bánh tráng thường khác.

Du khách được các nghệ nhân hướng dẫn trải nghiệm làm bánh tráng. Ảnh: T.T.

Du khách được các nghệ nhân hướng dẫn trải nghiệm làm bánh tráng. Ảnh: T.T.

Đặc biệt, do phơi sương đêm dễ rách nên người dân nghĩ ra cách tráng thêm hai lớp bánh chồng khít lên nhau, cho thêm chút muối để bánh dẻo và đậm đà, phơi nắng vừa khô rồi nướng bằng than đậu phộng cho có độ phồng mềm rồi đem phơi sương. Hơi sương sẽ ngấm từ từ vào bánh, giúp bánh mềm, không đổi màu, không cần nhúng nước trước khi ăn.

Đây là công đoạn quyết định thành công của bánh tráng, vì thế đòi hỏi người làm bánh phải có chút công phu và chịu khó. Người phơi bánh phải "thức" cùng bánh, đợi bánh vừa thấm sương đủ mềm là xếp lại ngay bỏ vào trong bao, lót lá chuối để giữ độ mềm, xốp.

“Bánh tráng phơi sương mang hương vị rất riêng cho món cuốn phổ biến ở Nam bộ. Đây là món ăn luôn tạo không khí vui vẻ gia đình hay xôm tụ bạn bè. Những lá bánh đẫm sương Trảng Bàng bình dị góp vị riêng trên mâm tiệc”, nghệ nhân Nguyễn Kim Rơi chia sẻ.

Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh cùng thị xã Trảng Bàng tham quan các gian hàng làm bánh tráng. Ảnh: T.T.

Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh cùng thị xã Trảng Bàng tham quan các gian hàng làm bánh tráng. Ảnh: T.T.

Theo bà Lê Thị Hồng Thắm, Phó Chủ tịch UBND thị xã Trảng Bàng, Trưởng ban tổ chức Lễ hội, nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ và ngày càng phát triển qua hàng trăm năm. Món bánh tráng phơi sương Trảng Bàng đã và đang là thực đơn không thể thiếu được của khách du lịch trong và ngoài nước khi đến với tỉnh Tây Ninh.

Hiện Trảng Bàng có 25 hộ làm nghề bánh tráng phơi sương và có hơn 10 thương hiệu bánh canh nổi tiếng đã góp phần giới thiệu bánh tráng phơi sương Trảng Bàng đến với thực khách trong cũng như ngoài nước.

Ban tổ chức vinh danh các tổ chức, cá nhân tham gia lễ hội. Ảnh: T.T.

Ban tổ chức vinh danh các tổ chức, cá nhân tham gia lễ hội. Ảnh: T.T.

“Lễ hội nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng được duy trì tổ chức 2 năm 1 lần nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia nghề làng bánh tráng phơi sương; đồng thời, đây là dịp để tôn vinh các nghệ nhân đang thực hành gìn giữ và phát huy các giá trị độc đáo của nghề”, bà Lê Thị Hồng Thắm nhấn mạnh.

Thị xã Trảng Bàng đang lưu giữ 22 di sản văn hóa vật thể, 1 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và 4 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, trong đó nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2015. 

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Cao Bằng xóa gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2024, tỉnh Cao Bằng đã xóa được gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát, kinh tế của địa phương có bước tăng trưởng quan trọng.