Kết nối mở rộng thị trường
Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) tại Hải Phòng đã và đang tạo nên bước đột phá đáng kể trong phát triển kinh tế nông thôn, không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân mà còn bảo tồn và quảng bá những giá trị văn hóa đặc sắc của thành phố Cảng.
Việc phân hạng sản phẩm OCOP đã tạo động lực thúc đẩy nâng cao chất lượng, hoàn thiện chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đây không chỉ là cơ hội phát huy tiềm năng của các sản phẩm địa phương, mà còn là thử thách đòi hỏi sự đổi mới tư duy sản xuất của người dân và các cơ quan chức năng, nhằm đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng.
Các sản phẩm từ trà xanh Núi Ngọc, mật ong Tùng Hằng đến gạo hữu cơ Kiến Quốc, nước mắm Cát Hải, na Liên Khê, rượu nếp cái hoa vàng, gốm Phù Điêu và nhiều nông sản khác như bánh đa, đông trùng hạ thảo, tương ớt, ổi Vĩnh Bảo, táo Bàng La, trà Núi Ngọc,... đã vượt ra khỏi phạm vi Hải Phòng, chinh phục thị trường toàn quốc, thậm chí là quốc tế.
Anh Trần Văn Trung, Giám đốc Công ty CP Hải Âu Việt, chia sẻ, đơn vị có sản phẩm gạo Kiến Quốc được công nhận sản phẩm 4 sao từ năm 2023. Mặc dù các sản phẩm của đơn vị trước đó đã đạt tiêu chí hữu cơ theo tiêu chuẩn của Việt Nam và đã có hệ thống phân phối ổn định, tuy nhiên khi được công nhận OCOP 4 sao đã tạo ra cú hích quan trọng, giúp nâng tầm sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ xúc tiến thương mại hiệu quả.
“Chương trình OCOP và những sự hỗ trợ xung quanh như là một cú hích cực kỳ quan trọng để giúp cho bà con nông dân nâng tầm giá trị sản phẩm của mình làm ra, giúp đưa các sản phẩm vươn ra thị trường, kết nối với khách hàng nhanh nhất. Chúng tôi đang hướng đến thị trường quốc tế khó tính và sẽ phải đạt các tiêu chí cao hơn nhưng chương trình OCOP chính là một trong những bệ phóng cần thiết và quan trọng”, anh Trần Trần Văn Trung – Giám đốc Công ty CP Hải Âu Việt cho hay.
Chia sẻ cùng quan điểm với anh Trung, ông Đặng Thanh Tùng - Giám đốc HTX mật ong rừng ngập mặn Tùng Hằng cho biết: Trước đây, sản phẩm chỉ bán lẻ tại địa phương. Tuy nhiên, sau khi được chứng nhận OCOP, sản phẩm đã vươn ra thị trường rộng lớn, phủ sóng nhiều tỉnh thành. Chương trình OCOP đã mở ra một hướng đi mới, giúp sản phẩm của ông không chỉ được người dân địa phương yêu thích mà còn lan tỏa khắp cả nước.
“Trước đây, chúng tôi kinh doanh thông qua những mối hàng quen biết truyền thống việc bán hàng chậm và không được nhiều. Từ khi được công nhận sản phẩm OCOP được hỗ trợ đưa lên sản thương mại điện tử, hàng trăm lít mật ong được bán là những khách hàng mới, từ khắp mọi nơi. Tôi cảm nhận sự thay đổi rõ nét hiệu quả của chương trình OCOP”, anh Tùng khẳng định.
Đi một vòng Hải Phòng, hỏi và trải nghiệm, rất dễ để nhận thấy chương trình OCOP đã khai thác tiềm năng đất đai và giá trị văn hóa, tạo ra sản phẩm “đa giá trị”, liên kết nông nghiệp với dịch vụ và du lịch, khuyến khích sáng tạo trong sản xuất, chuyển đổi từ mô hình nhỏ lẻ sang quy mô lớn, hiện đại, xây dựng chuỗi giá trị khép kín.
Chương trình OCOP không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, mà còn tạo ra sự chuyển mình toàn diện trong sản xuất nông thôn Hải Phòng. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm và tiếp cận thị trường rộng mở đã giúp người dân tích lũy kinh nghiệm quý báu trong sản xuất và kinh doanh.
Việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, tiêu chuẩn kỹ thuật đảm bảo chất lượng, mẫu mã và an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường. Sau khi được công nhận và gắn sao OCOP, sản phẩm dễ dàng tiêu thụ trong tỉnh, trên toàn quốc và có cơ hội xuất khẩu.
Đòn bẩy thúc đẩy kinh tế nông thôn
Theo phòng Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT Hải Phòng), thời gian qua, chương trình OCOP đã trở thành một trong những giải pháp quan trọng trong tái cấu trúc nông nghiệp, thúc đẩy kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Để đạt được hiệu quả trên, thành phố Hải Phòng đã tích cực triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, bao gồm kế hoạch đưa sản phẩm nông nghiệp lên các sàn thương mại điện tử, nhằm thúc đẩy kinh tế số và nâng cao vị thế thương hiệu sản phẩm địa phương. Việc cấp mã số truy xuất nguồn gốc, thiết kế bao bì nhãn mác, cùng với chứng nhận OCOP, đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc quảng bá và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Riêng Sở NN-PTNT Hải Phòng, hàng năm đã phối hợp các đơn vị liên quan, đã tích cực lồng ghép chương trình OCOP vào kế hoạch phát triển nông nghiệp hàng năm, đảm bảo tiến độ thực hiện. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ thiết thực dành cho các cá nhân, tổ chức tham gia chương trình đã trở thành động lực mạnh mẽ, khơi dậy tiềm năng sản xuất.
Phòng Phát triển nông thôn Tiềm năng và chất lượng sản phẩm OCOP của thành phố không hề thua kém các địa phương khác. Để phát huy tối đa tiềm năng này, việc xây dựng hệ thống phân phối và quảng bá sản phẩm cần được chú trọng, kết hợp với đổi mới phương thức truyền thông và tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan.
Để chương trình OCOP đạt hiệu quả cao hơn nữa, cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng hỗ trợ xúc tiến thương mại. Việc này bao gồm tăng cường truyền thông đa kênh, mở rộng thị trường tiêu thụ, và quảng bá sản phẩm OCOP hiệu quả trên phạm vi toàn thành phố cũng như cả nước. Sự đầu tư này sẽ góp phần tạo đà phát triển bền vững cho chương trình OCOP, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân, khẳng định vị thế của nông nghiệp Hải Phòng trên bản đồ kinh tế quốc gia.
“OCOP không chỉ là chương trình kinh tế mà còn là bảo tồn và phát triển văn hóa. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Phòng đã kết nối các chủ thể sản xuất với sàn thương mại điện tử, nâng cao thu nhập cho nông dân. Để OCOP phát triển bền vững, cần rà soát, khuyến khích người dân tham gia, bảo đảm bản sắc văn hóa và chất lượng sản phẩm. Chương trình sẽ chú trọng phát triển hợp tác xã để nâng cao hiệu quả, cải thiện đời sống và bảo tồn văn hóa truyền thống Hải Phòng", ông Tăng Xuân Thọ - Trưởng phòng Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT) cho hay.
Chương trình OCOP ở Hải Phòng đã được chính quyền và 217 xã, phường, thị trấn hưởng ứng tích cực, trở thành động lực phát triển bền vững. Đến nay, Hội đồng đánh giá đã cấp chứng nhận cho 287 sản phẩm, trong đó có 87 sản phẩm 4 sao và 200 sản phẩm 3 sao. Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân và bảo tồn giá trị văn hóa địa phương.