| Hotline: 0983.970.780

Sơn La du ký: Từ lái xe trở thành tỉ phú nơi ngã ba biên giới

Thứ Ba 02/03/2021 , 06:20 (GMT+7)

Ngồi trên cabin chiếc xe tải chở quà tết cho bà con, tôi cảm nhận rõ những cú xóc của từng “ổ trâu”, “ổ bò” nhưng vẫn không bằng những gập ghềnh của đời anh.

Anh Tú bẻ bắp ngô để kiểm tra độ ẩm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Tú bẻ bắp ngô để kiểm tra độ ẩm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bỏ học từ năm lớp 9

Phát quà xong cho 50 gia đình người Mông ở xã Chiềng Tương (Yên Châu, Sơn La), Hoàng Văn Tú định kết hợp với đồn biên phòng giúp các hộ nghèo gói bánh chưng, ủng hộ mái lợp nhưng do dịch Covid lại phải quay về Lóng Phiêng. Ở nơi đó có kho ngô 3.000 tấn vẫn đang đợi anh về nhập hàng mấy ngày cuối năm.

Tuổi đời mới 35 nhưng người thương nhân đó đã có trong tay dàn xe tải, máy xúc hơn 10 chiếc, 2 lò sấy đứng công suất 200 tấn/ngày, 2 nhà kho tổng diện tích hơn 5.000m2, mỗi năm thu mua 20.000 - 30.000 tấn ngô, dong, sắn xuyên biên giới, tổng tài sản ước chừng 50 - 60 tỉ đồng. Bỏ học từ lớp 9, 15 tuổi Tú đã theo cha hành nghề ba toa mổ lợn rồi tự học sửa chữa điện tử bằng cách tháo ti vi, đầu máy của nhà ra mà nghiên cứu, tự mở quán bán hàng ăn, tự mua xe tải để một mình cầm lái...

Đường vào các bản hồi ấy toàn đất đá lổn nhổn, có những đoạn bị xói lở bánh xe chênh vênh kề bên miệng vực, phải xuống ngắm thật kỹ, hít một hơi thở thật sâu, trấn tĩnh lại rồi lấy can đảm để lái tiếp. Lắm lúc đường còn không có, Tú phải men theo dưới lòng suối cạn mà đi. Một lần như thế, Tú vào thì được đến lúc trở ra bỗng gặp mưa to trôi ngập cả bánh phải gọi xe kéo.

Anh Tú phát quà tết cho các hộ dân tộc Mông ở xã Chiềng Tương. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Tú phát quà tết cho các hộ dân tộc Mông ở xã Chiềng Tương. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bà con thấy đường hỏng, xe không đến thu mua ngô được nằn nì xin anh chở đá vào để vá. Không ngờ, xe đi được nửa dốc thì mất phanh do bị ngâm dưới suối cả ngày hôm trước, cứ thế trôi thốc xuống rồi lật ngửa, tài xế bắn xuyên qua kính lái văng lên trên đồi. Cố nén cơn đau, Tú rút điện thoại ra bấm gọi về cho bố xong báo hung tin rồi ngất lịm. Lần ngã hút chết ấy để lại vô số sẹo trên người anh.

Dần dà theo thời gian anh xây dựng được sự tín nhiệm với dân các bản, hễ họ có nhu cầu gì thì chở cái đấy vào phục vụ, từ ngô đến phân bón, vật liệu xây dựng. Một xe không đủ anh phải mua thêm nhiều xe khác. Lúc đầu chạy đường ngắn rồi lại sang chạy đường dài. Lúc đầu ngô thu mua về bán tươi rồi lại mở lò sấy nằm, sấy đứng. Không may là hai lần sấy gặp tai nạn cháy rụi cả tháp, mất mấy trăm triệu đồng nhưng từ đống tro tàn Tú vẫn gượng dậy để phục hồi lại tất cả.  

Bà con háo hức chờ đến lượt được tặng quà. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bà con háo hức chờ đến lượt được tặng quà. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thu mua trong xã mình rồi lần hồi anh sang xã khác, huyện khác thậm chí xuyên cả biên giới Việt - Lào mà nhập hàng. Mùa nào thức nấy, vật liệu xây dựng từ đầu năm, ngô từ 2/9, dong riềng từ tháng 1, tiền hàng luân chuyển có tháng lên trên 30 tỉ. Nhiều năm giá hạ đột ngột, lời lãi không nhờ vào hạt ngô mà nhờ vào sản phẩm phụ là cùi ngô để làm than sạch, bột ngô để bón cho cây trồng...

“Lớp trẻ ở huyện này có khi không ai hơn Tú đâu. Bố chỉ là người dưới xuôi lên đây khai hoang, làm thợ mộc rồi ba toa mổ lợn, gia cảnh không giàu, không nghèo. Mới đầu Tú đi theo ông làm nghề rồi nhờ thông minh, chăm chỉ, đối nhân xử thế được lòng người nên đã tự tay gây dựng được cơ đồ như hiện nay”, lão nông tỉ phú Nguyễn Văn Tập ở cùng xã Lóng Phiêng nhận xét về Tú như thế.

Một cách sống cùng dân

Ngoài sân, ngô chất cao như một quả đồi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ngoài sân, ngô chất cao như một quả đồi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Khi những tấm bạt che phủ kho Chiềng Tương được lật lên, mắt tôi như hoa đi vì bên dưới là ngô chất đầy ngộn lên như cả một quả đồi nhỏ. Bốc một nắm ngô lên tay, không cần máy đo nhưng Tú vẫn có thể cảm nhận được độ ẩm là bao nhiêu cũng như biết ngay là giống gì dù có đến mấy chục loại.

Những ngày cuối năm, giá ngô hạt lên cao kỷ lục 7.500 đồng/kg nhưng ngược lại hàng đi rất chậm vì người chăn nuôi đang thua lỗ, không dám đầu tư. Ế ẩm nên một số đại lý thu mua đã đóng kho nhưng Tú vẫn mở cửa để cho bà con có tiền mà sắm tết. Trưa hôm ấy có một cặp vợ chồng người Mông phóng chiếc xe máy bụi lầm đến, đưa cho Tú con dúi mới đào và cái phiếu mới bán hơn 6 tấn ngô để lĩnh về hơn 40 triệu.

Đó chỉ là một phần thu hoạch của nhà A Cha bởi trung bình mỗi gia đình ở đây mỗi vụ ngô thu được 20 - 30 tấn tương đương với 100 - 150 triệu, trừ chi phí đi vẫn còn lãi cỡ một nửa. Trạm thu mua mới mở của Tú đặt ở ngay trung tâm xã giúp bà con thuận tiện trong bán hàng, không còn phải chở đi xa rồi bị đại lý ép giá nữa.

Máy xúc hoạt động không ngơi nghỉ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Máy xúc hoạt động không ngơi nghỉ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nhờ vào cây ngô, cây dong, cây mận mà nhiều người Mông, người Thái, người Kinh ở Chiềng Tương, Lóng Phiêng không bỏ hoang nương, bỏ bản đi làm công ty dưới xuôi nữa. Kỷ lục có nhà một vụ ngô còn thu được trên 100 tấn, có nhà một vụ mận còn thu được 200 tấn, có bản như Yên Thi 70% hộ đều có sổ tiết kiệm từ trăm triệu đến cả tỉ đồng.

Trung bình mỗi ngày anh làm việc tới 16 - 17 tiếng. Thường thì anh 1 giờ sáng mới ngủ và 6 giờ sáng đã dậy nhưng chỉ bước ra khỏi giường lúc cỡ 9 giờ bởi bận bấm điện thoại để sắp xếp lịch, giao dịch với khách hàng, cắt cử lái xe, tính toán chứng từ các loại... Lao động trực tiếp cho anh hiện có gần 20 người trong đó không ít là có hoàn cảnh đặc biệt.

Ở gần trạm cân đặt tại Chiềng Tương có gia đình A Páo rất nghèo mà lại đông con, Tú thương tình cho đi học nghề lái xe, giao cho 1 chiếc xe tải mà chạy. Đứa con nhỏ của A Páo đang học lớp 8 nhưng cũng được anh tạo điều kiện thuê để vừa trông kho vừa nấu cơm, quét dọn.  

Cấp tập nhập hàng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cấp tập nhập hàng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trong ngôi biệt thự nguy nga trị giá trên 10 tỉ của anh vẫn có sẵn mấy phòng chăn đệm đàng hoàng để cánh lái xe mệt thì cứ vào ngủ. Tuy là ông chủ nhưng khi người làm nghỉ Tú vẫn trực tiếp cầm lái, đến bữa tiện vẫn nấu cơm cho họ ăn như thường.

Thấy trong phòng khách có nhiều pho tượng Phật, tôi thắc mắc, anh mới đáp rằng: “Tôi luôn hướng về Phật, trước đây những gì mà bố mẹ mình do nghèo khó mà chưa làm được cho cộng đồng, cho xã hội thì nay con cái phải làm tiếp. Nhiều người kinh doanh nhưng sống riêng một cõi còn tôi xác định kinh doanh phải để sống với dân.

Khi tôi đến, họ có mối để bán hàng tiền mặt trả ngay, giá không bị ép như các chủ đầu tư kiểu tín dụng đen nên rất quý. Có những bản tôi đánh xe tải vào mà mấy chục đứa trẻ con lông nhông chạy theo hò reo. Có những thanh niên bướng bỉnh bố mẹ nói không nghe lại nhờ tôi bảo hộ. Có những ông già đến gặp tôi chỉ để cho mấy quả chanh, vài mớ rau hay mời ăn cỗ, một năm đi hàng trăm đám cưới, đám ma là vì thế. Có những người ốm hay đau đẻ mà không có xe, không quen biết ai lại kêu tôi đưa đi hộ”.

Một góc của kho hàng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một góc của kho hàng. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Niềm vui của người nông dân là làm ra nhiều nông sản, bán được giá còn mình thì có công ăn việc làm. Lợi nhuận đúng là quý thật nhưng không phải là tất cả nên tôi vẫn thường làm từ thiện như hỗ trợ điện, đường, trường, trạm cho địa phương hay giúp đỡ người nghèo, đơn giản là để ra đường dân thấy mình, quý mình là sướng ở trong lòng rồi…”.

Tôi hỏi Tú về ước mơ, anh bảo đơn giản là làm việc đến năm 40 tuổi thì có thể tự cho phép mình được nghỉ, đứng đằng sau sự nghiệp của con cái để vui thú điền viên với vài ha cây ăn quả các loại. Ngạc nhiên, tôi hỏi tiếp rằng sao vội nghỉ sớm thế? Tú cười và đáp rằng: “Lúc bấy giờ các con cũng bằng với độ tuổi ngày xưa tôi khởi nghiệp, nếu chúng không thích học nữa thì phải bắt tay vào làm việc thôi!”.   

Thấy được sự bấp bênh của cây ngô, Tú còn dự định đầu tư trồng mận cho cả xã Chiềng Tương theo dạng cung cấp tất từ giống, vốn, vật tư, người dân chỉ bỏ mỗi đất, công đến khi thu hoạch thì chia đôi lợi nhuận. Tiếc là kế hoạch này chưa nhận được sự đồng thuận của bà con…

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Người dân ĐBSCL sáng tạo, thích ứng tốt với xâm nhập mặn

ĐBSCL Trải qua các đợt ảnh hưởng xâm nhập mặn, người dân ĐBSCL tích lũy nhiều kinh nghiệm, chủ động, sáng tạo các giải pháp ứng phó trong mùa khô 2023 - 2024.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

'Hạ nhiệt' những 'điểm nóng' thiếu nước sinh hoạt

Những xã khu Đông huyện Phù Mỹ (Bình Định) luôn là 'điểm nóng' về thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô hạn, nhưng năm nay khu vực này đã được hạ nhiệt căng thẳng.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm