| Hotline: 0983.970.780

Sống chung với cao huyết áp có dễ dàng không?

Thứ Bảy 03/06/2017 , 14:35 (GMT+7)

Bệnh cao huyết áp là vấn đề được y học rất quan tâm, vì nó là căn bệnh khá phổ biến trong cộng đồng. Những hệ quả của cao huyết áp gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từng cá nhân bị bệnh.

Bởi cao huyết áp là nguyên nhân dẫn tới cái chết của hàng triệu người và là nguyên nhân hàng đầu gây suy tim, đột quỵ não, nhồi máu cơ tim. Đáng báo động hơn, tỷ lệ những người mắc cao huyết áp ngày càng tăng nhanh và có xu hướng trẻ hóa.

Trước tiên cần lưu ý, bất kỳ sự thay đổi nào về huyết áp đều không có lợi cho sức khỏe. Cao huyết áp được phân loại thành các giai đoạn khác nhau dựa trên chỉ số.  Nhận biết nguyên nhân gây cao huyết áp rất quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh xuất hiện. Những hiểu biết về triệu chứng bệnh cao huyết áp rất quan trọng trong việc chẩn đoán bệnh sớm. Nếu được chuẩn đoán ở giai đoạn đầu, bệnh cao huyết áp có thể được kiểm soát nhờ những thay đổi nhỏ trong lối sống và thói quen ăn uống.

09-59-22_tr41
Ảnh minh họa

Có nhiều nguyên nhân gây bệnh cao huyết áp như căng thẳng, thức ăn chiên, ít tập thể dục, tuổi tác, chủng tộc và các bệnh thứ cấp như bệnh thận.Tuy nhiên, bệnh cao huyết áp sẽ không có triệu chứng cụ thể cho đến khi bệnh nặng. Do đó, bạn nên kiểm tra hàng tháng hoặc hàng năm để chắc chắn mình không mắc bệnh. Hầu hết các triệu chứng bệnh cao huyết áp đều không cụ thể, cường độ xuất hiện khác nhau tùy theo mức độ nghiêm trọng của bệnh.
 

Bắt đầu từ những dấu hiệu nhỏ

Đau trong mắt: Phần lớn mọi người thường bỏ qua biểu hiện đau trong mắt vì cho rằng chỉ là do làm việc với máy tính cả ngày. Nhưng trên thực tế, tình trạng này cũng có thể là dấu hiệu của huyết áp cao.

Ho dai dẳng: Nếu bạn bị ho dai dẳng ngay cả khi nằm, cần kiểm tra huyết áp vì dấu hiệu này có thể là do huyết áp cao.

Đau ngực: Cơn đau ngực không phải luôn là dấu hiệu của bệnh tim. Trong thực tế, đau thường xuyên hoặc nhẹ ở ngực có thể là dấu hiệu của huyết áp tăng.

Mất hứng thú: Đây là một dấu hiệu ít gặp của cao huyết áp. Một số người mất hứng thú trong việc thực hiện các hoạt động hàng ngày. Nếu bạn cảm thấy như vậy, đừng bỏ qua triệu chứng này và cần đi khám ​​bác sĩ ngay để loại trừ bệnh cao huyết áp.

Mệt mỏi: Nếu thường xuyên cảm thấy mệt mỏi cả về thể chất và tinh thần thì thay vì đổ lỗi cho những giờ làm việc kéo dài và căng thẳng, bạn cần kiểm tra huyết áp.
 

Hãy leo lên bàn cân thử xem…

Thừa cân hoặc béo phì có liên quan mật thiết với tăng huyết áp. Duy trì cân nặng ổn định giúp kiểm soát bệnh cao huyết áp. Béo phì và cao huyết áp đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Người bệnh cao huyết áp thường kèm béo phì hoặc vượt cân.

Béo phì và cao huyết áp có thể tăng gánh nặng “làm việc” của tim. Quan sát lâm sàng cho thấy, huyết áp của phần đông người bệnh thường giảm xuống khi được giảm cân, mà cân nặng tăng lên thì huyết áp cũng tăng lên, điều này nói rõ béo phì và huyết áp tỉ lệ thuận với nhau. Khống chế cân nặng, cho dù huyết áp không có thay đổi lớn, các triệu chứng lâm sàng như mỏi mệt, hít thở khó khăn cũng được cải thiện thấy rõ. Cho nên khống chế hấp thu năng lượng, làm cho cân nặng đảm bảo trong phạm vi bình thường, rất quan trọng đối với việc phòng trị cao huyết áp.

Cân nặng tiêu chuẩn (kg) = [chiều cao (cm) - 100] x 0,9

Nếu một người trong phạm vi +/- 10% so với cân nặng tiêu chuẩn, thuộc cân nặng bình thường; nếu cân nặng thực tế vượt quá 10% so với cân nặng tiêu chuẩn thì là quá cân; nếu cân nặng vượt quá 20% so với cân nặng tiêu chuẩn được xem là béo phì.

Người béo phì nên tiết thực để giảm béo, mỗi tuần giảm cân 1 - 2kg là thích hợp. Mỗi kilôgam cân nặng nên cung cấp năng lượng là 25 - 30Kcal.
 

Vài nguyên nhân chủ yếu gây bệnh

Tuổi tác cũng là một trong những nguyên nhân chính gây bệnh cao huyết áp. Tuổi càng cao càng có nhiều thay đổi về mặt giải phẫu của mạch máu, sẽ dẫn đến tăng huyết áp. Thông thường, các triệu chứng bệnh cao huyết áp do tuổi cao thường khó xác định.

Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất làm tăng huyết áp là hút thuốc lá. Hút thuốc lá làm hẹp mạch máu, giảm lượng oxy có sẵn trong cơ thể, khiến tim phải bơm máu mạnh hơn. Đây là hai yếu tố chính gây cao huyết áp. Mệt mỏi, nôn mửa là những trệu chứng thường gặp trong trường hợp này.

Chế độ ăn và lối sống sẽ ảnh hưởng đến huyết áp. Ngoài lượng chất béo bạn ăn thì loại chất béo cũng rất quan trọng. Thực phẩm giàu chất béo bão hòa rất nguy hiểm đối với cơ thể.

Ăn quá nhiều muối liên quan trực tiếp tới tăng huyết áp. Muối làm tăng hấp thu nước vào máu, gây tăng huyết áp. Giảm lượng muối ăn và đồ nướng là rất quan trọng.
 

Triệu chứng cao huyết áp gây ra

Đau đầu là triệu chứng phổ biến liên quan mật thiết tới bệnh cao huyết áp. Hầu hết bệnh nhân cao huyết áp đều than phiền về những cơn đau đầu liên tục.

Giảm cung cấp oxy là nguyên nhân khiến tim tăng cường hoạt động, cùng với tăng huyết áp sẽ gây ra cảm giác hồi hộp. Hồi hộp, tim đập nhanh là do tim hoạt động bất thường.

Khi mắc bệnh cao huyết áp, bạn sẽ cảm thấy chóng mặt. Triệu chứng đầu tiên là choáng và mất thăng bằng. Ở giai đoạn sau có thể gây chóng mặt.

09-59-22_tr41-1
Ảnh minh họa

Ở giai đoạn sau của bệnh cao huyết áp bạn có thể bị song thị. Song thị là tình trạng  nhìn một thành hai. Khi bệnh tiến triển nặng, cao huyết áp cũng gây nhìn mờ.

Một trong những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh cao huyết áp là buồn nôn, ói mửa kèm theo đau đầu. Mức độ triệu chứng xảy ra ở mỗi bệnh nhân không giống nhau.
 

Cải thiện ngay bữa ăn hàng ngày

Đối diện nguy cơ cao huyết áp, phải chấp nhận an uống thanh nhạt, không quá mặn. Ít ăn thức ăn giàu chất béo, nhất là chất béo động vật, như thịt mỡ, thức ăn chiên, rán. Ít ăn thức ăn giàu cholesterol, như nội tạng động vật gồm tim, gan, thận. Ít ăn đồ ngọt, saccharose, fruitose, glucose đều làm tăng đường máu, mỡ máu, nên ít dùng. Tránh hấp thu quá nhiều caffeine, trà đậm, cà phê đậm, ớt…

Ăn ít, chia nhiều bữa, không nên ăn quá no, ngày chia ra 4 - 5 bữa. Có thể chọn thức ăn bảo vệ mạch máu và tác dụng giảm mỡ như rau cần, chuối, sơn tra, nấm mèo, củ hành, cà chua, hải sâm, tỏi, nấm hương (đông cô), rong biển…, đều có hiệu quả tốt đối với phòng trị bệnh cao huyết áp, xuất huyết não, nhũn não.

Tuyệt đối tránh xa chất béo. Bởi lẽ, chất béo hấp thu quá nhiều, có thể làm mỡ máu tăng cao, mỡ máu nhiều lại có thể thúc đẩy xơ cứng động mạch, cho nên trong bữa ăn nên hạn chế hấp thu chất béo động vật. Khi chế biến, tận dụng nhiều dầu thực vật, hạn chế hấp thu cholesterol < 300mg/ngày. Có thể ăn nhiều cá, cá biển chứa axít béo không bão hòa, giúp cholesterol oxy hóa, theo đó làm giảm cholesterol máu, còn kéo giãn sự kết tập của tiểu cầu, ức chế hình thành máu đông, dự phòng trúng phong (tai biến mạch máu não); cá biển còn chứa nhiều axít linoleic, tăng tính đàn hồi đối với mao mạch, dự phòng vỡ mạch máu, có tác dụng nhất định phòng ngừa các biến chứng của cao huyết áp. Tốt nhất hàng tuần ăn cá 2 - 3 lần.

Trong rau cải và trái cây có chứa nhiều loại vitamin và khoáng tố. Sinh tố giúp ích cho việc phòng trị cao huyết áp gồm vitamin C và E. Vitamin C giảm cholesterol, tăng tính đàn hồi mạch máu. Vitamin E có tác dụng chống oxy hóa mạnh, ngăn ngừa nhiều axít béo không bão hòa oxy hóa, đảm bảo tính hoàn chỉnh của màng tế bào, phòng ngừa xơ cứng động mạch. Khoáng tố có tác dụng nhất định đối với việc phát sinh cao huyết áp, bệnh mạch vành, cao mỡ máu. Nghiên cứu hiện nay cho rằng crom, kẽm, selen giúp cho lipid và glucid chuyển hóa; iod giúp ức chế hấp thu cholesterol trong đường ruột.
 

Thay đổi lối sống phù hợp

Lối sống đóng vai trò quan trọng đối với những người mắc bệnh cao huyết áp. Lối sống lành mạnh sẽ giúp ngăn ngừa và giảm đáng kể việc phải dùng thuốc điều trị bệnh. Một cuộc sống với thời gian tập luyện từ 30 - 60 phút/ngày, 5 ngày 1 tuần sẽ giúp giảm huyết áp và ngăn ngừa mắc bệnh tăng huyết áp.

Uống vừa phải đồ uống có cồn. Sử dụng nhiều đồ uống có cồn làm tăng huyết áp. Vậy nên cần hạn chế lượng đồ uống có cồn khoảng 2 chén một ngày. Đối với phụ nữ nên hạn chế không sử dụng đồ uống có cồn.

Phải giảm thiểu ảnh hưởng căng thẳng. Stress có thể gây tăng huyết áp và qua thời gian dài sẽ góp phần gây nên bệnh tăng huyết áp. Thư giãn sẽ giúp giảm huyết áp cao hiệu quả.

Kiểm tra nguồn nước dùng. Nguồn nước gia đình đang dùng có thể chứa nhiều natri, làm tăng nguy cơ bị tăng huyết áp. Vậy nên cần kiểm tra kỹ nguồn nước đang sử dụng.

(Kiến thức gia đình số 21)

Xem thêm
5 nguyên nhân phổ biến gây ung thư vú

Nguyên nhân phổ biến gây ra căn bệnh ung thư vú là sử dụng các liệu pháp thay thế hormone và thuốc tránh thai. Ngoài ra, thừa cân, béo phì cũng gia tăng xác suất mắc ung thư vú.

Nguyên nhân gây bệnh tim mạch và cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch.

Những điều người bệnh đái tháo đường cần lưu ý để phòng ngừa biến chứng

Bệnh đái tháo đường đang tăng nhanh, đặc biệt tại các nước khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao.

Ngâm chân bằng nước lá lốt thường xuyên có tốt không?

Ngâm chân bằng nước lá lốt là phương pháp Đông y phổ biến, giúp kích thích huyệt, đả thông kinh mạch và tăng tuần hoàn máu.