| Hotline: 0983.970.780

Sống chung với người chết: Nghĩa địa 'bủa vây' khu dân cư

Thứ Ba 23/02/2021 , 11:01 (GMT+7)

Hàng chục hecta đất bị “xẻ thịt”, hàng ngàn khu mộ và nghĩa trang gia đình trái phép đang ngày ngày mọc lên. Đây là vấn đề đang xảy ra ở TP. Thái Nguyên.

Khi người chết trở thành 'hàng xóm'

Cụ Phạm Thị Sợi ở xóm Hợp Thành cũ (nay là xóm Nhân Hòa), xã Thịnh Đức, TP. Thái Nguyên, đang phải sống một mình do cụ ông mới chết năm trước. Căn nhà cụ đang ở được xây dựng vào năm 2009, đây là đất được tái định cư do đất của gia đình cụ trước đó bị giải tỏa để thực hiện dự án xây dựng nghĩa trang Ngân Hà Viên.

Lúc mới đến đây ở, đằng sau nhà cụ là đồi cây, 2 bên cạnh và trước mặt là nhà dân. Nhưng cuộc sống yên ổn trên mảnh đất được tái định cư này không kéo dài được lâu. Lý do là từ những năm 2013 đến nay, người dân xóm Nhân Hòa (xã Thịnh Đức), trong đó có nhà cụ Sợi phải sống xen lẫn với người chết, xung quanh nhà giờ toàn là mồ mả, là nghĩa trang gia đình của người khác xây dựng.

Hàng xóm có nhiều người đã chuyển đi nơi khác, có người thì dỡ nhà để bán đất cho người ta xây mộ, còn người không bán được nên bỏ hoang nhà cửa. Còn nhà của cụ Sợi có diện tích hơn 100m2, nếu bán cho người ta mua đến ở thì không ai dám mua, còn nếu bán theo giá đất xây mộ là 4 triệu đồng/m2, thì chỉ được khoảng 500 triệu đồng. Theo cụ Sợi, số tiền này không mua nổi vài chục m2 ở thành phố này, thì lấy tiền đâu mà làm nhà.

Cụ Sợi tâm sự, giờ xung quanh nhà toàn là mổ mả, không còn là nơi ở phù hợp với người đang sống nữa. Nhưng bản thân thì già rồi nên đành ở lại, sống chung với mồ mả cho đến chết.

Cụ Phạm Thị Sợi nói xung quanh giờ toàn mồ mả, không phù hợp với nơi ở của người sống. Ảnh: Toán Nguyễn.

Cụ Phạm Thị Sợi nói xung quanh giờ toàn mồ mả, không phù hợp với nơi ở của người sống. Ảnh: Toán Nguyễn.

Đối diện với nhà cụ Sợi, là gia đình ông Vũ Anh Toán (nhà ông Toán thuộc địa phận của tổ 5, phường Thịnh Đán, TP. Thái Nguyên) cũng trong hoàn cảnh tương tự. Ông Toán là cựu chiến binh chiến đấu ở mặt trận phía nam, đến năm 1985 xuất ngũ thì trở về đây sinh sống, với khoảng 3.000m2 đất ở và vườn đồi. Lúc đó xung quanh chỉ là những đồi cây và xác định là sẽ định cư, làm ăn lâu dài đến già ở đây.

Nhưng theo ông Toán, từ năm 2013 đến nay, các khu mộ gia đình cứ dần dần được xây dựng và giờ thì xung quanh nhà mình toàn là mộ. Cuộc sống hiện giờ của gia đình rất khổ, không ở được vì suốt ngày phải ngửi mùi khói do người ta đốt hương, đốt vàng mã, đốt quần áo của người chết,... thậm chí là thường xuyên gió cuốn tiền vàng mã còn bay cả vào trong nhà. Nên chắc chăn thời gian tới gia đình cũng sẽ phải bán đất để đi nơi khác ở.

Nghĩa trang gia đình đã xây sát với hàng rào nhà ông Vũ Anh Toán. Ảnh: Toán Nguyễn.

Nghĩa trang gia đình đã xây sát với hàng rào nhà ông Vũ Anh Toán. Ảnh: Toán Nguyễn.

Đất ở, đất vườn bị biến thành nghĩa trang

Ở khu vực giáp ranh giữa tổ 5, phường Thịnh Đán và xóm Nhân Hòa, xã Thịnh Đức, TP. Thái Nguyên, còn được gọi là khu Dốc Lim. Khu vực này có 3 nghĩa trang lớn có diện tích hàng trăm hecta, bao gồm 1 nghĩa trang của thành phố là nghĩa trang nhân dân Dốc Lim dành cho người dân bình thường, cùng 2 khu nghĩa trang hiện đại do doanh nghiệp đầu tư là Ngân Hà Viên và An Lạc Viên cho những người có điều kiện tốt hơn.

Nhưng những gia đình của “giới nhà giàu” thì lại không chấp hành thực hiện đúng pháp luật, mà họ đi mua đất đồi, đất ruộng của người dân giáp ranh với các nghĩa trang nói trên để xây dựng nghĩa trang “hoành tráng” của gia đình. Người ít có thể xây dựng trên diện tích khoảng 40m2, người có tiền thì lên tới cả ngàn m2, còn trung bình từ 100 – 200m2. Để xây dựng được một khu như vậy, giá trị đầu tư và xây dựng thường rơi vào khoảng hơn 400 triệu đồng, cao nhất có thể lên tới cả chục tỷ đồng.

Ví dụ như, nghĩa trang gia đình của một cán bộ mới nghỉ hưu được xây dựng trái phép nằm cạnh đường bê tông, giáp với hàng rào của nghĩa trang An Lạc Viên (thuộc tổ 5, phường Thinh Đán) có diện tích đất khoảng 2.000m2. Theo anh S, một người chuyên đi xây mộ ở khu này cho biết, chỉ riêng phần công làm hàng rào cho khu mộ gia đình này cũng lên tới hơn 500 triệu đồng. Còn bên trong có hệ thống sân vườn được lát đá cao cấp, hệ thống cây cảnh, trang trí cũng lên tới tiền tỷ. Nếu tính cả tiền đất theo thời giá hiện tại là 4 triệu đồng/m2, thì để đầu tư được như vậy thì phải có trên 15 tỷ đồng.

Phóng viên đã đi khảo sát thực tế cho thấy, ngoài địa phận của 3 nghĩa trang được TP. Thái Nguyên công nhận, có hàng chục hecta đất nông nghiệp ở tổ 5, phường Thịnh Đán và xóm Nhân Hòa, xã Thịnh Đức đã bị xây dựng thành các khu mộ gia đình. Việc san lấp mặt bằng, xây dựng mộ trái phép được làm công khai như tại các đại công trường hợp pháp khác.

Một khu nghĩa tran gia đình được xây dựng được xây dựng kiên cố, có thép gai như biệt phủ. Ảnh: Toán Nguyễn.

Một khu nghĩa tran gia đình được xây dựng được xây dựng kiên cố, có thép gai như biệt phủ. Ảnh: Toán Nguyễn.

Mua đất xây mộ dễ như mua rau

Vào vai một người đi tìm đất xây khu mộ gia đình để quy tập mộ cho các cụ, phóng viên không khó để liên lạc được với những chủ đất có bán tại khu vực Dốc Lim. Chỉ cần đến ngó nghiêng tại khu vực này, đã có những người tự xưng là cai thầu xây mộ nhiệt tình đến hỏi chuyện, là muốn mua đất như thế nào, muốn mua diện tích bao nhiêu và giới thiệu cho các chủ đất tại đây.

Qua giới thiệu, phóng viên đã gặp một người đàn ông tên C là một chủ đất có bán cho người có nhu cầu làm khu mộ gia đình. Ông ta nói muốn đất diện tích như nào cũng cũng có, giá cả thì tùy thuộc từng khu vực. Nếu lô ở xa đường đi lại thì 2,5 triệu đồng/m2, còn ở gần đường bê tông hơn thì khoảng 3,5 triệu đồng/m2. Thấy phóng viên lăn tăn mặc cả về giá, ông C còn khẳng định nếu mua của mình sẽ được giá gốc luôn, chứ không phải mua qua tay ai cả. Hiện tại có sẵn một lô nhỏ cách đường bê tông không tới 15m, có diện tích 40m2 đã xây tường bao, nếu mua thì để lại cho là 4 triệu đồng/m2.

Hàng chục hecta đất bị xây dựng nghĩa trang gia đình trái phép, bao quanh nhà dân. Ảnh: Toán Nguyễn.

Hàng chục hecta đất bị xây dựng nghĩa trang gia đình trái phép, bao quanh nhà dân. Ảnh: Toán Nguyễn.

Khi được hỏi nguồn gốc đất khi mua bán tại đây như thế nào, thì tất cả những người bán đều cho biết chỉ có giấy tờ viết tay, không có chứng nhận của chính quyền địa phương. Nhưng yên tâm, cứ xây dựng bình thường, vì “luật” rất nhẹ nhàng nên không sợ không được xây, mà cũng không lo bị tranh chấp nếu đã giao dịch.

Rất nhiều câu hỏi đặt ra: Vậy “luật” là đóng luật gì? Cán bộ địa phương ở đâu, vì sao không xử lý được việc hàng chục hecta đất bị “xẻ thịt” xây dựng trái phép như vậy? Việc sai phạm tại Dốc Lim đã và đang làm phá vỡ quy hoạch của thành phố Thái Nguyên, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân trên địa bàn, vậy trách nhiệm thuộc về ai?

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

Bảng lương chi tiết viên chức năm 2025

Sau đây là bảng lương của công chức 2025 dự kiến áp dụng mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng. Bảng lương này chưa bao gồm các phụ cấp.